(ĐSPL) - Các học giả Anh-Australia cho rằng căng thẳng liên quan đến giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) hiện nay khó có khả năng leo thang thành một cuộc xung đột lớn.
Trả lời phỏng vấn của đài BBC, Tiến sĩ Lee Jones - một nhà nghiên cứu về an ninh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Đại học Queen Mary ở London – nói: “Căng thẳng hiện tại giữa Việt Nam và Trung Quốc khó có khả năng leo thang thành một cuộc xung đột lớn”.
|
Hiện trường xung quanh nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển Việt Nam. |
Trong khi đó, Giáo sư về chính trị quốc tế Mark Beeson - một chuyên gia về an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Đại học Murdoch University (Australia) - nhận định: “Hành động của Trung Quốc có thể gây bất ổn trong khu vực. Còn chuyện những căng thẳng hiện tại có dẫn đến xung đột hay không lại là một vấn đề khác. Nhưng tôi không nghĩ là Trung Quốc muốn điều đó”.
Tiến sĩ Lee Jones cho biết trong thời gian tới, Việt Nam có thể sẽ tìm kiếm “sự hậu thuẫn từ các đối tác ASEAN… và có thể các cơ quan quốc tế như Tòa án Quốc tế”. Theo ông, đó cũng là biện pháp tốt nhất mà Việt Nam có thể làm nếu Trung Quốc không rút giàn khoan.
Vì sao Trung Quốc lại quyết định đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam vào thời điểm này?
Tiến sĩ Lee Jones nói: “Không nên xem Trung Quốc như là một thực thể thống nhất…Thực tế, nhà nước Trung Quốc vẫn rất rời rạc với nhiều cơ quan trung ương và địa phương cạnh tranh nhau để nắm giữ các nguồn tài nguyên và giành quyền quyết định các chính sách về tài nguyên. Trong các cơ quan đó, có Hải quân Trung Quốc, Kiểm ngư và Cảnh sát biển, chính quyền địa phương các tập đoàn nhà nước và một Bộ Ngoại giao yếu ớt”. Theo ông, hầu hết các động thái của Trung Quốc tại Biển Đông “đều phản ánh sự cạnh tranh này”.
Theo Giáo sư Mark Beeson,Trung Quốc vẫn hành động như vậy bất kể Mỹ có xoay trục sang Châu Á-Thái Bình Dương hay không, “mặc dù việc nối lại các cam kết an ninh của Mỹ với Philippines có thể giải thích tại sao Trung Quốc lại nhắm vào Việt Nam”.
Tiến sỹ Lee Jones cho rằng để giải quyết tình hình Biển Đông, tất cả các bên cần thẳng thắn đưa ra các yêu sách của mình và thiện chí bước vào đàm phán để giải quyết vấn đề.
Ông cho rằng lãnh đạo Trung Quốc biết rõ họ “chẳng được lợi gì khi gây thù địch với các nước láng giềng dẫn đến việc các quốc gia Đông Nam Á lôi kéo Mỹ vào tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải”.