Việc kết nghĩa bản hai bên biên giới trong hơn 5 năm qua ở tuyến biên giới tỉnh Quảng Trị với hai tỉnh Savannakhet và Salavan đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp...
Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới trên đất liền dài 206 km, (Trong đó có 59 km là biên giới trên sông Sê Pôn và 147 km trên bộ), tiếp giáp hai tỉnh Savannakhet và Salavan (Lào); với 26 cột mốc quốc giới và hàng chục cọc dấu (nay tăng dày lên 62 mốc giới, với 69 cột mốc).
Khu vực biên giới có 24 cặp thôn (bản) đối diện với nhau. Nguồn sống chủ yếu của cư dân hai bên biên giới là khai thác các sản phẩm tự nhiên từ rừng; phương thức canh tác lạc hậu, kinh tế phát triển chậm, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Trong những năm qua, tình hình ở khu vực biên giới hai bên giữa tỉnh Quảng Trị và hai tỉnh Salavan, Savannakhet- Lào cơ bản ổn định; tình đoàn kết, hữu nghị tiếp tục được duy trì, củng cố và tăng cường. Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn những vấn đề phức tạp, đó là hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, các hoạt động lợi dụng tôn giáo, lợi dụng dân tộc kích động, lôi kéo người dân gây rối an ninh trật tự.
Bên cạnh đó là hoạt động của các loại tội phạm ma túy, buôn bán hàng lậu, hàng cấm, đưa đón người qua biên giới trái phép. Một bộ phận nhân dân nhận thức về quốc gia, quốc giới còn hạn chế nên việc qua lại thăm thân, xâm canh, xâm cư, kết hôn hai bên biên giới chưa tuân thủ đầy đủ theo quy định của pháp luật. Một số tệ nạn xã hội khác như rượu chè, cờ bạc, trộm cắp...làm ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự ở khu vực biên giới cũng như công tác quản lý, bảo vệ biên giới của hai bên.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo hướng dẫn dân bản Ka Túp- Lào trồng cây chuối. Ảnh: PPT |
Xuất phát từ mối quan hệ lịch sử lâu đời giữa hai dân tộc Việt-Lào nói chung và Quảng Trị - Savannakhet và Salavan nói riêng, nhằm duy trì, củng cố và tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam; đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ biên giới và tăng cường công tác đối ngoại trong tình hình mới, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã đề xuất và được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cho phép BĐBP xây dựng đề án “Kết nghĩa dân cư hai bên biên giới”. Mô hình được triển khai thực hiện từ năm 2005, đến tháng 11/2012, 24 cặp bản đối diện trên toàn tuyến giữa tỉnh Quảng Trị với 2 tỉnh Savanakhet và Salavan đều được tổ chức kết nghĩa.
Đây là mô hình chưa có trong tiền lệ, mới được tổ chức lần đầu, nhưng phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân hai bên biên giới. Do đó mô hình này đã phát huy tác dụng ngay sau khi triển khai. Thông qua kết nghĩa, nhân dân các bản đối diện đã cùng nhau phối hợp giải quyết nhanh chóng những tồn đọng của phong tục tập quán sau hoạch định biên giới để lại, như vấn đề tranh chấp rừng ma phong tục ở bản A Ho - xã Thanh và bản A Ho - Pa Lọ (Lào) tồn tại mấy chục năm chưa được giải quyết.
Từ thực hiện các nội dung cam kết trong hoạt động kết nghĩa đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về pháp luật biên giới của hai nhà nước, do đó các hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, vi phạm Quy chế biên giới, tệ nạn xã hội giảm đáng kể. Nhiều nơi đã chấm dứt việc đi lại không đúng quy định.
Chỉ tính từ năm 2008 đến nay, với 589 nguồn tin, trong đó có hơn 300 nguồn tin có giá trị liên quan đến bọn tội phạm buôn bán ma túy, chất nổ, chất cháy, buôn bán phụ nữ qua biên giới, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản công dân...đều được nhân dân hai bên cung cấp kịp thời, chính xác cho lực lượng bảo vệ biên giới hai bên để tổ chức đấu tranh, phòng ngừa.
Trong các chuyên án, vụ án do BĐBP tỉnh Quảng Trị tiến hành thì hoạt động kết nghĩa dân cư hai bên biên giới đóng một vai trò hết sức quan trọng cho sự thành công từ khâu xác lập đến đấu tranh với các loại tội phạm. Điển hình là công tác đấu tranh thành công chuyên án 313G, chỉ sau một tuần triển khai đấu tranh (từ ngày 25/3 đến ngày 2/4/ 2013) với sự tích cực cung cấp thông tin và giúp đỡ của nhân dân các cặp bản trong tổ chức đánh bắt, quản lý di, biến động của đối tượng, BĐBP tỉnh đã bắt 3 đối tượng trong vụ giết 5 người tìm trầm ở địa bàn Đồn biên phòng Cù Bai.
Thông qua bản ghi nhớ kết nghĩa của từng cặp bản và cam kết của các hộ dân mỗi bản, các thôn bản kết nghĩa đã giúp nhau bằng nhiều việc làm hết sức cụ thể như trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn cách phòng trừ dịch bệnh, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tạo điều kiện thông thoáng cho việc lưu thông sản phẩm trở thành hàng hóa trao đổi trên thị trường.
Đến nay, nhiều hộ gia đình trên địa bàn đã có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Từ năm 2005 đến nay, các bản phía Quảng Trị đã giúp các bản đối diện hơn 50.000 giống sắn KM 94; 17.000 cây keo tai tượng, tràm hoa vàng, 125 kg giống ngô lai, 1.500 cây ăn quả, hơn 500 con gia súc, gia cầm giống...
Hoạt động kết nghĩa càng có ý nghĩa hơn khi mà sự hợp tác của nhân dân hai bên trong tận dụng các nguồn lực để đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của đất đai, phù hợp với năng lực sản xuất của cư dân ở từng thôn (bản), với hàng chục héc ta đất rừng lâu nay bỏ hoang đã được cùng nhau khai thác cho ra thị trường hàng trăm tấn chuối quả, đem lại thu nhập cao cho nhân dân.
Đồng thời, với vai trò tham mưu tích cực và nỗ lực trong tuyên truyền vận động của các đồn biên phòng Thuận, Tam Thanh, đã có gần 100 tấm lợp cùng hàng trăm ngày công của nhân dân phía Việt Nam và các bản 7 xã Thuận (Việt Nam) cho bản Cheng (Lào) và bản Xiraman (Việt Nam) cho bản Xi ổi (Lào) kịp thời giúp dân bạn khắc phục thiên tai, hoạn nạn, ổn định cuộc sống cũng là những minh chứng sinh động cho sự kết nghĩa thắm tình đoàn kết giữa hai bên.
Từ tình cảm gắn bó giữa hai bản đã khơi dậy lòng hảo tâm, hỗ trợ từ nhiều doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, như gia đình chị Nọi Thơm, chủ doanh nghiệp Heloo (Lào) sang tận bản Ka Tăng tặng quà và tiền cho 121 hộ dân bản Ka Tăng và bản Khe Đá (mỗi suất quà gồm 5 kg gạo nếp và 300 nghìn đồng) nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013; doanh nghiệp Đào Hùng (Việt Nam), thông qua Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo để trao tặng 5 máy cắt cỏ, trị giá 25 triệu đồng cho dân bản Đensavẳn.
Với vai trò của người đề xuất, tham mưu tổ chức mô hình kết nghĩa, các đồn biên phòng thường xuyên nắm chắc tình hình nhân dân để tham gia giúp đỡ, hỗ trợ thúc đẩy hoạt động kết nghĩa ngày càng thiết thực hơn. Năm 2013, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đã chủ trì vận động để xây tặng Cụm bản Ka Túp (Lào) 1 trạm y tế trị giá hơn 500 triệu đồng để giúp ngành y tế bạn có điều kiện hơn trong chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Nhân các ngày lễ, tết truyền thống của hai nước và các hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc hai bên, chính quyền và bà con thôn bản kết nghĩa đều tổ chức đến thăm hỏi, chúc mừng lẫn nhau. Các hoạt động giao lưu văn hóa, thể dục, thể thao giữa các bản thường xuyên được tổ chức, góp phần giới thiệu, giữ gìn bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc.
Những kết quả của việc kết nghĩa của các bản hai bên biên giới trong hơn 5 năm qua ở tuyến biên giới tỉnh Quảng Trị với hai tỉnh Savannakhet và Salavan đã khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân hai bên biên giới; là nội dung, biện pháp để thực hiện chủ trương tăng cường công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong tình hình mới; đồng thời khẳng định vị trí, vai trò to lớn của nhân dân ở khu vực biên giới trong phối hợp quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia của hai nước Việt Nam- Lào. Mặt khác, hoạt động kết nghĩa bản- bản hai bên biên giới còn có ý nghĩa hết sức thiết thực để góp phần quan trọng vào việc xây đắp tình đoàn kết hữu nghị, đặc biệt, lâu đời giữa hai quốc gia, là một minh chứng sinh động về tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.
Linh Chi (theo báo Quảng Trị)