Trước đó Thanh đã sử dụng ma tuý đá và tưởng vợ hờ là "con rắn sáu đầu" nên đã dùng búa đập vào đầu nạn nhân đến chết.
Theo báo Thanh Niên, trưa ngày 21/9, TAND TP.Đà Nẵng tuyên hoãn phiên xét xử vụ án Nguyễn Hoài Thanh (SN 1986, trú quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) về tội giết người. Nạn nhân vụ án này là Võ Thị Thúy V. (SN 1982, trú quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng), tử vong do chấn thương sọ não.
Trong phần làm thủ tục, HĐXX hỏi bị cáo về tên tuổi, quê quán nhưng bị cáo Thanh có dấu hiệu không nghe, không hiểu câu hỏi. Vị chủ tọa sau đó liên tục hỏi bị cáo có đủ sức khỏe tham gia phiên tòa hay không, bị cáo chỉ im lặng. Đại diện lực lượng dẫn giải cho biết, trước và trong quá trình dẫn giải bị cáo đến tòa, bị cáo Thanh đều im lặng, hỏi gì cũng không nói.
Luật sư và đại diện VKS cho rằng bị cáo có dấu hiệu của việc không nghe được nên đề nghị HĐXX hoãn tòa để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo. Sau khi thảo luận, HĐXX đã quyết định hoãn phiên xử.
Bị cáo Thanh trước tòa. Ảnh: Thanh Niên |
Theo cáo trạng Thanh và chị V. thuê chung trọ và sống với nhau như vợ chồng, sáng ngày 29/10/2016, Thanh đập đá xuyên đêm, về đến nhà trọ nói lời chia tay V. vì “sống với nhau không hợp nữa”. Thanh cuốn quần áo bỏ đi thì V. chạy theo kéo lại, cả hai xô xát dẫn đến V. đánh trúng mặt Thanh.
Lúc này, Thanh lên cơn ngáo đá nên thấy V. thành “con rắn sáu đầu muốn ăn thịt mình" nên Thanh dùng búa đập đầu V. nhiều nhát đến chết. Thanh kéo xác V. vào phòng rồi xúc cát đổ lên vết máu trước nhà trọ. Sau đó, Thanh lấy xe máy chạy về nhà khoe mẹ vừa giết “con rắn sáu đầu”.
Theo kết luận giám định pháp y tâm thần của Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực miền Trung, tại thời điểm gây án, Thanh bị rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng chất áo giác. Bị cáo bị hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi.
Tại bản kết luận giám định pháp y tâm thần sau thời gian điều trị bắt buộc của Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa, Thanh bị bệnh rối loạn loạn thần do sử dụng các chất gây ảo giác với ảo giác chiếm ưu thế. Tuy nhiên, bệnh hiện đã ổn định, không cần thiết điều trị bắt buộc nữa. Bị cáo có đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi để làm việc với cơ quan pháp luật.
Kiều Trang (T/h)