Viện Vi sinh ở Mỹ đã kết luận rằng 60% số bàn chải đánh răng mà họ khảo sát có dính một loại trực khuẩn sống trong phân người, thậm chí trong phân thải người khác nếu nhà vệ sinh đó có nhiều người sử dụng chứ không riêng mình bạn. Điều này xảy ra là do mỗi khi xả nước, lượng vi khuẩn trong bồn cầu có thể bay xa đến 5m nên dễ dàng bám vào bàn chải đặt gần đó.
Vì thế, đừng bao giờ bảo quản bàn chải quá gần với bồn cầu. Đặt ở nơi nào cho bàn chải nhanh khô ráo thì tốt hơn bạn nhé.
Hàng trăm loại vi sinh vật sống trong khoang miệng hoàn toàn có thể chuyển sang bàn chải khi chúng ta đánh răng. Vì thế nếu bạn đặt chung quá nhiều bàn chải gần nhau thì vi khuẩn có thể di chuyển dễ dàng qua lại giữa các bàn chải và nguy cơ lây nhiễm chéo là rất cao.
Do đó, nếu gia đình đông người thì nên bố trí nơi đặt bàn chải riêng biệt, đừng đặt quá gần nhau sẽ vô tình gây hại sức khỏe cho bản thân và cả nhà bạn nhé.
Khi đánh răng, lượng thức ăn thừa sẽ bám dính vào bàn chải. Nếu bạn không làm sạch bàn chải ngay thì thức ăn thừa đó sẽ nhanh chóng trở thành mồi ngon cho vi khuẩn tấn công và sinh sôi. Và khi bạn đánh răng vào lần tiếp theo, lượng vi khuẩn này bắt đầu tấn công ngược lại dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm cho cơ thể.
Cho nên, sau khi đánh răng xong bạn nên dành chút thời gian vệ sinh bàn chải cho sạch. Tốt nhất là nên rửa bàn chải dưới vòi nước mạnh để lượng thức ăn thừa bị nước cuốn trôi đi thì bàn chải mới sạch hoàn toàn được.
Bàn chải sử dụng một thời gian sẽ giảm tác dụng làm sạch răng đồng thời lượng vi khuẩn bám trên bàn chải sẽ ngày một nhiều hơn. Nếu bạn cứ sử dụng 1 bàn chải quá lâu thì khả năng hư hại răng miệng và gây hại sức khỏe sẽ tăng cao.
Tốt nhất là sau 3 tháng bạn nên thay mới bàn chải một lần. Hãy mua vài cây bàn chải dự trữ sẵn để không quên việc thay bàn chải thường xuyên bạn nhé!