(ĐSPL) - Nếu cô cảm thấy tiếc cho chiếc vương miện thì cũng nên xót xa cho công sức, tâm sức của biết bao người đã vì cô mà hy sinh thầm lặng.
Vậy là những lùm xùm liên quan tới việc hoa hậu Kỳ Duyên hút thuốc lá nơi công cộng, cũng đã kết thúc bằng một quyết định chưa từng có tiền lệ trong lịch sử các kỳ hoa hậu ở Việt Nam. Cô bị phạt bằng hình thức khiển trách, không được đồng hành với vòng chung kết cuộc thi hoa hậu năm nay. Với một số người thì hình thức xử lý này là xác đáng, nhưng một số người khác lại cho rằng như thế là hơi quá, vì làm thế chẳng khác nào tước đi vương miện Hoa hậu của Kỳ Duyên.
Hoa hậu Kỳ Duyên. |
Và cũng giống như mọi cuộc tranh cãi trước đây, từ chuyện đúng sai, người ta dần quay sang đổ lỗi cho dư luận quá khắt khe, đổ lỗi cho ban tổ chức vô tình. Mặc dù không thể phủ nhận suốt hai năm nhiệm kỳ Hoa hậu của mình, Kỳ Duyên đã tham gia nhiều chuyến đi từ thiện, hiến máu nhân đạo, bảo vệ môi trường... Bản thân cô và ê-kíp cũng có các dự án từ thiện riêng và tạo nên những hiệu ứng xã hội tích cực. Nhưng so phần đó với những lùm xùm không đáng có, rõ ràng dư luận có quyền đòi hỏi nhiều hơn.
Tại sao ư? Vì cô là Hoa hậu Việt Nam cơ mà! Công chúng hiện nay luôn mặc định suy nghĩ, đã là hoa hậu thì phải hoàn hảo, phải mẫu mực. Và mọi sự việc đi chệch quan niệm đó, chắc chắn sẽ bị săm soi, thậm chí lên án. Vậy thì lỗi do dư luận hay do chiếc vương miện Kỳ Duyên đội trên đầu quá nặng? Lẽ thường vẫn luôn là như vậy. Người ta đâu quan tâm cô đã cố gắng như thế nào, vất vả như thế nào trong suốt hai năm qua để giữ danh giá chiếc vương miện? Người ta cũng đâu cần biết tới những áp lực mà cô phải chịu trước hàng vạn con mắt và đôi tay sẵn sàng khua bàn phím để “dìm hàng” cô?
Tất nhiên mọi lý lẽ luôn đúng với “phe” bảo vệ quan điểm của mình. Cả người bênh vực lẫn người lên án Kỳ Duyên đều xác đáng. Chỉ có điều xưa nay, không ai có thể dễ dàng đội lên đầu chiếc vương miện đầy ánh hào quang mà không trải qua những quan tâm, thậm chí là săm soi của dư luận.
Nếu cô cảm thấy tiếc cho chiếc vương miện thì cũng nên xót xa cho công sức, tâm sức của biết bao người đã vì cô mà hy sinh thầm lặng. Những người đó là ai? Là người mẹ đã xách đồ cho cô, là người cha đã đứng ra bảo vệ cô trước búa rìu dư luận? Là người giảng viên của trường Ngoại thương vì lên tiếng bênh cô mà chịu vô vàn “gạch đá” của cộng đồng mạng mấy ngày qua... Thậm chí chính ông Lê Xuân Sơn, Trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam cũng phải thốt lên rằng, ông đau đớn khi phải đích thân ký quyết định xử phạt cô. Chỉ một vài ví dụ như vậy thôi để thấy rằng, giữ được chiếc vương miện cho khỏi rơi, đâu phải mỗi sức Kỳ Duyên mà làm được. Thế nên điều đáng tiếc mà cô nên tiếc, chính là những công sức đó.
Có lẽ cô cũng sẽ trách dư luận sao không để cô yên vì “nhiệm kỳ” sắp kết thúc. Tại sao không để cô đội nốt chiếc vương miện tới đêm chung kết cuối cùng sẽ diễn ra ngày 28/8 tới đây? Bởi suy cho cùng, cô đâu có phạm lỗi gì to tát? Nhưng cô không biết rằng, dư luận vốn không chỉ là những quy định hữu hình như kiểu: Phải cam kết giữ gìn hình ảnh, phải tích cực hoạt động từ thiện... Đó là những thứ không định hình nên giá trị lý tính.
Thực tế cho thấy, chính nó khiến cho nhiệm kỳ hai năm của cô lao đao với biết bao sự việc lãng xẹt để rồi kết thúc ở hình ảnh cô phì phèo điếu thuốc. Không hiểu sao hình ảnh này gợi cho người viết một cảm xúc hỗn độn, vừa đáng thương vừa đáng trách, vừa đáng giận vừa đáng buồn.
PHẠM THIỆU
Xem thêm video Giải trí:
[mecloud]lN6V64gFFV[/mecloud]