Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017: Câu chuyện của "những mỹ nhân lạc đường"

(DS&PL) -

Dư luận mải mê “ném đá” thí sinh mà quên mất rằng, những ồn ào quanh Mai Ngô không tránh khỏi trách nhiệm của ban tổ chức, nhà sản xuất...

Mai Ngô đã “bê” nguyên cá tính, sự gai góc từ chương trình truyền hình thực tế vào cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ. Cô quên mất rằng, chiêu trò ở chương trình truyền hình thực tế, thế giới ảo không bao giờ phù hợp với phẩm chất cần có của một Hoa hậu. Có lẽ, dư luận mải mê “ném đá” thí sinh mà quên mất rằng, những ồn ào quanh cô không tránh khỏi trách nhiệm của ban tổ chức, nhà sản xuất...

Ranh giới giữa thực và ảo

Sáng 11/10, đại diện ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2017 xác nhận, thí sinh Ngô Thị Quỳnh Mai, được biết đến với nghệ danh Mai Ngô đã rút khỏi cuộc thi. Vị này chia sẻ: “Chúng tôi tôn trọng quyết định của thí sinh. Cuộc thi là cơ hội để các thí sinh hoàn thiện kỹ năng, trau dồi thêm kinh nghiệm và sắc đẹp. Hiện, quan hệ giữa Mai Ngô và ban Tổ chức vẫn tốt đẹp, không có gì xảy ra”.

Mai Ngô tại Hoa hậu Hoàn vũ 2017.

Mai Ngô được biết đến với vai trò một dancer, người mẫu... Cô tham gia rất nhiều cuộc thi. Nhưng, chỉ khi là thí sinh Asia’s Next Top Model 2015, với những màn đối đáp gai góc, cô mới được chú ý. Ngay sau đó, cô tham gia The Face – Gương mặt thương hiệu 2016 và để lại rất nhiều tranh cãi. Người đẹp có những câu nói “để đời” như “Trên đời này cái quái gì cũng xảy ra”, “Thắng rồi không chịu nữa thì thôi”... Cô trở thành “món hời” của truyền hình thực tế. Mỗi khi Mai Ngô xuất hiện, những lời nói cô thốt ra đều có thể trở thành hiện tượng, được mọi người chú ý.

Truyền hình thực tế rất “khát” những nhân tố khác biệt như cô để thu hút được lượng người xem.
Ngay khi có thông tin Mai Ngô đăng ký thi Hoa hậu Hoàn vũ, nhiều người đã rất bất ngờ. Bởi, ngoại hình của cô không quá đẹp, đôi lông mày “lúc có lúc không”, đáng nói nhất là cách trò chuyện “thẳng như ruột ngựa” của cô. Nhiều người khẳng định, với cách giao tiếp như thế, cô là gương mặt nổi bật ở thế giới ảo, ở các chương trình truyền hình thực tế, nhưng với cuộc thi Hoa hậu thì không.

Một cuộc thi Hoa hậu cần tìm người đẹp cả ở ngoại hình và tâm hồn, sống đúng với chuẩn mực văn hóa của mỗi quốc gia. Mai Ngô dường như lại không hội tụ đủ những điều đó. Ngay từ lúc đầu bước vào cuộc thi, cô đã gây tranh cãi vì có cùng câu trả lời “Hãy Google tên Mai Ngô” trong 5 phần đăng ký, giới thiệu về thí sinh tham gia. Tờ đơn đăng ký hợp lệ là phác họa đầu tiên về thí sinh và chắc chắn, với những câu trả lời như thế thì khó có thể chấp nhận.

Tiếp sau đó, cô và một vài thí sinh khác bị camera bắt được những khoảnh khắc cười khẩy, nhăn nhó khi ban cố vấn đang thị phạm. Thậm chí, cô cùng hai thí sinh khác tự ý bỏ đi khi tập luyện khiến Phạm Hương phải nhắc nhở. Lúc được hỏi tại sao lại có hành động như thế, Mai Ngô thẳng thừng: “Bây giờ, em cũng không biết nói gì cả”.

Với cá tính riêng, Mai Ngô là “ngôi sao” của truyền hình thực tế, được cư dân mạng nuông chiều. Nhưng, cô quên mất rằng, thế giới ảo rất khác với thế giới thực. Thế giới ảo chấp nhận sự dễ dãi còn đời thực thì không. Khác với truyền hình thực tế, Hoa hậu nói riêng, đời sống nói chung đòi hỏi rất nhiều quy tắc, thái độ làm việc và cách ứng xử.

Cũng trong Hoa hậu Hoàn vũ 2017, thí sinh Huyền Trang gây “sốc” dư luận khi thừa nhận đi thi để kiếm được nhiều tiền. Khi được MC Phan Anh đặt câu hỏi, cảm nhận gì về vương miện Hoàn vũ, Huyền Trang hồn nhiên nói: “Sự nổi tiếng, thu nhập thật cao. Bởi, như em thấy, chị Phạm Hương bây giờ có rất nhiều show quảng cáo lớn, đi sự kiện rất nhiều. Em rất là ngưỡng mộ. Tất nhiên là từ những cái đó thì sẽ kiếm được rất nhiều tiền... Em nghĩ, con người lòng tham vô đáy lắm. Mình có thể kiếm được bao nhiêu thì mình cứ kiếm thôi. Nếu em có nhiều tiền hơn nữa em có thể cho vào công quỹ Nhà nước, làm gì đó để bảo vệ môi trường”.

Sự ngô nghê của cô khiến khán giả không khỏi giật mình, bởi lối sống và suy nghĩ quá thực dụng.

Lỗi không chỉ thí sinh

Có lẽ Mai Ngô quá tự phụ, quen được cư dân mạng nuông chiều nên khi quyết định tham gia vào một cuộc thi đòi hỏi cả “tốt gỗ” lẫn “tốt nước sơn” như Hoa hậu Hoàn vũ, người đẹp này vẫn sử dụng chiêu thức “câu khách” cũ và bị phản ứng ngược.

Trao đổi về điều này, Mai Ngô thừa nhận đã tự tay làm đơn rút khỏi cuộc thi. Lý do được đưa ra là, khi lên sóng, không có bất kỳ hình tượng tốt nào của cô được công chiếu. Theo cô, tính cách nổi loạn là có thật, trong một vài trường hợp phát sinh ngoài mong muốn, cụ thể là những tình huống khi được lên sóng. Khán giả không ở hiện trường để chứng kiến sự việc đầu đuôi như thế nào và khi lên hình, tình huống bị cắt gọt nên khiến người xem hiểu lầm.

Trong khi đó, siêu mẫu Võ Hoàng Yến, giữ vai trò cố vấn chuyên môn cho Hoa hậu Hoàn vũ chia sẻ, trong cuộc thi, có một số thí sinh không nghiêm túc và tập trung, thể hiện sự hời hợt. Chính điều này cho cô cảm nhận, họ không coi trọng cuộc thi. Theo cô, khi đã chấp nhận làm thí sinh của một cuộc thi thì phải tôn trọng ban giám khảo. Ngay trong cuộc thi, nếu thí sinh không tôn trọng ban giám khảo thì lúc ra khỏi cuộc thi, liệu rằng, họ sẽ tôn trọng ai?

Võ Hoàng Yến đảm nhiệm vai trò cố vấn tại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017.

Riêng trường hợp Mai Ngô, nữ siêu mẫu nhận định, ở bên ngoài, Mai Ngô là người khá hòa đồng. Mỗi khi gặp, Mai luôn chào hỏi rất dễ thương. Thế nhưng, mỗi khi vào chương trình thì Mai lại có những hành động tạo bất ngờ khá gai góc.

“Nếu đây là cách xây dựng hình tượng của Mai thì tôi nghĩ là lựa chọn sai lầm. Mỗi nơi, mỗi cuộc thi đều có những tiêu chí khác nhau. Khi tham gia cuộc thi tìm kiếm hoa hậu, nếu vẫn bê nguyên con người gai góc ở truyền hình thực tế vào, chắc chắn không phù hợp và sẽ bị phản ứng”, Võ Hoàng Yến nói.

Nhìn nhận một cách khách quan, trong câu chuyện của Mai Ngô hay Huyền Trang, thí sinh là người có lỗi. Cái sai của Mai Ngô là không phân biệt được giữa thực và ảo, giữa cá tính của một chương trình truyền hình thực tế và phẩm chất cần có của một Hoa hậu. Có thể, trong suốt thời gian tham gia, cô đã có những màn biểu diễn tốt và bị “cắt”, không được lên sóng. Tuy nhiên, những hình ảnh được công chiếu là điều có thật, bị camera quay lại nên không thể chối cãi.

Riêng về trường hợp đi thi để kiếm được nhiều tiền của Huyền Trang, đó là sự ngô nghê, thiếu tinh tế trong cách nhìn nhận cũng như giao tiếp. Tuy nhiên, cũng cần xác định rằng, ở đây, lỗi không chỉ là của thí sinh. Ai cũng thừa biết, tờ đơn đăng ký tham gia là cách nhìn nhận sơ khai về thí sinh. Chính ban Tổ chức, nhà sản xuất là những ban giám khảo đầu tiên “mở cửa”, tạo điều kiện cho thí sinh đến với cuộc thi này.

Không chỉ Hoa hậu Hoàn vũ mà bất kỳ cuộc thi nào, dù lớn hay nhỏ, nếu người tham gia không hoàn thành đầy đủ tờ đăng ký chắc chắn sẽ bị loại ngay từ “vòng gửi xe”. Thế nhưng, Mai Ngô vẫn được vào vòng trong dù buộc ban tổ chức “tra Google tìm thông tin”. Ắt hẳn, ban tổ chức thừa biết, Mai Ngô là cái tên hút rating, với những chiêu trò ngay từ đầu nên không thể bỏ qua “món mồi” này.

Một lý do khác, chương trình năm nay được quay hình, phát lại trên sóng truyền hình giống y hệt một chương trình truyền hình thực tế. Do đó, những yếu tố drama, câu kéo người xem là không thể thiếu. Đó cũng chính là lý do mà những tình huống “dở khóc dở cười” của các thí sinh hay những màn đối đáp gây tranh cãi được giữ lại, phát sóng.

Hoa hậu Hoàn vũ là cuộc thi uy tín, tìm kiếm nhan sắc đại diện cho Việt Nam để tham gia tại đấu trường quốc tế. Trước áp lực cạnh tranh từ nhiều cuộc thi nhan sắc khác, Hoa hậu Hoàn vũ tìm cách thể hiện mới, đưa cuộc thi đến gần hơn với khán giả là điều đáng ghi nhận, nhưng không nên vì áp lực, thu hút người xem mà chọn những chiêu trò như các chương trình truyền hình thực tế đã làm. Bởi, nếu học theo cách làm này, cuộc thi sẽ dễ sa lầy vào "bước chân" mà các chương trình truyền hình thực tế đã gặp phải.

Huy Cường

Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật số 123

Tin nổi bật