Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hỗ trợ người dân chủ động tiếp cận thông tin về quá trình đóng - hưởng BHXH, BHYT

(DS&PL) -

Bên thềm tháng công nhân 2019, BHXH Việt Nam triển khai dịch vụ tin nhắn thông báo, tra cứu quá trình đóng, hưởng, giải quyết hồ sơ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Bên thềm tháng công nhân 2019, BHXH Việt Nam triển khai dịch vụ tin nhắn thông báo, tra cứu quá trình đóng, hưởng, giải quyết hồ sơ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Đây là một trong những dịch vụ thuộc “Hệ sinh thái 4.0 Ngành BHXH” nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, bảo vệ quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn về những lợi ích người dân được hưởng từ hệ thống này.

PV: Là dịch vụ được rất nhiều người dân, người lao động mong muốn, háo hức chờ đợi, xin Phó Tổng Giám đốc cho biết chi tiết về phương thức tin nhắn tra cứu này?

PTGĐ Phạm Lương Sơn:

Dịch vụ tin nhắn thông báo, tra cứu quá trình đóng, hưởng, giải quyết hồ sơ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là Hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp với cơ quan BHXH. Hệ thống nằm trong chương trình ứng dụng CNTT, hiện đại hóa ngành BHXH, được BHXH Việt Nam lên kế hoạch, thực hiện thời gian qua, đến nay đã chính thức đi vào hoạt động. Theo đó, 2 loại hình tin nhắn được triển khai là: “Tin nhắn thương hiệu BHXH Việt Nam” cho cơ quan BHXH và “Tin nhắn theo cú pháp” cho đơn vị, cá nhân.

“Tin nhắn thương hiệu BHXH Việt Nam” được thực hiện bởi cơ quan BHXH trong các trường hợp: Gửi thông báo tới đại diện doanh nghiệp sau khi doanh nghiệp nộp tiền tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động; Tự động thông báo ngừng đóng BHXH đến người lao động khi doanh nghiệp báo giảm, không tiếp tục tham gia BHXH cho người lao động; Gửi tin nhắn thông báo cho đơn vị/cá nhân nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH và khi cơ quan BHXH giải quyết xong hồ sơ; Thông báo cho người tham gia BHXH tự nguyện khi phương thức đóng đã đăng ký gần hết hạn; Thông báo cho người tham gia BHYT hộ gia đình trước khi thẻ BHYT hết giá trị sử dụng 30 ngày.

Đặc biệt, “Tin nhắn theo cú pháp” dành cho các cá nhân, đơn vị tự tra cứu quá trình tham gia chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của mình bằng cách soạn tin nhắn theo mẫu gửi đến số tổng đài 8079.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn.

PV: Có thể thấy, rất nhiều thông tin trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được thông báo, chia sẻ qua dịch vụ này, Phó Tổng Giám đốc đánh giá thế nào về những lợi ích mà nó mang lại?

PTGĐ Phạm Lương Sơn:

Dịch vụ tin nhắn thông báo, tra cứu quá trình đóng, hưởng, giải quyết hồ sơ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đem đến sự kết nối thông tin, giải quyết chế độ chính sách giữa các cá nhân, đơn vị với cơ quan BHXH trở lên thuận lợi, nhanh chóng và chính xác hơn. Đây là điều rất cần thiết giúp người dân, người lao động chủ động hơn trong việc nắm bắt, cập nhật thông tin quá trình tham gia, thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; từ đó, cùng với cơ quan BHXH đấu tranh, tố giác, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Đơn cử, đã từng có trường hợp đơn vị sử dụng lao động đơn phương dừng đóng BHXH cho người lao động, khi cơ quan BHXH thực hiện căn cứ trên hồ sơ đầy đủ sẽ chấp thuận dừng đóng. Đến khi người lao động chuyển công tác mới biết mình đã bị đơn vị sử dụng lao động dừng đóng BHXH từ trước đó dù vẫn đang đi làm, dẫn đến thiệt thòi về quyền lợi của người lao động. Khi triển khai dịch vụ tin nhắn này, người lao động sẽ biết ngay các thay đổi về đóng - hưởng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của mình, nếu sai có thể phản hồi ngay lâp tức tới đơn vị sử dụng lao động, cơ quan BHXH và các cơ quan chắc năng.

Với đơn vị sử dụng lao động, dịch vụ tin nhắn thông báo, tra cứu sẽ giúp ích lớn cho đội ngũ làm công tác BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại đơn vị trong việc quản lý đóng nộp, tăng giảm lao động, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ; từ đó, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí, nhân lực cho những công việc này.

Về phía cơ quan BHXH, dịch vụ này sẽ góp phần quan trọng vào công tác quản lý, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ khi có thể tiếp cận tốt nhất đến từng đơn vị sử dụng lao động, từng người tham gia BHXH, BHYT. Việc “cá nhân hoá” được đối tượng phục vụ giúp công tác thông tin, tuyên truyền của ngành BHXH thêm thân thiện, hiệu quả; đồng thời, việc thông báo, theo dõi cụ thể về “đường đi” của từng hồ sơ cũng giúp cho công tác giải quyết chế độ chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thêm nhanh chóng, chính xác.

Để triển khai được dịch vụ tin nhắn thông báo này, cơ quan BHXH sẽ thu thập thông tin về số điện thoại di động của đại diện doanh nghiệp và cá nhân; sau đó cập nhật trên các hệ thống phần mềm liên quan của ngành BHXH. Vì vậy, BHXH Việt Nam mong muốn nhận được sự đồng thuận, phối hợp của người dân, người lao động, đơn vị sử dụng lao động để quá trình thực hiện được thuận lợi, hiệu quả.

Được biết, BHXH Việt Nam đang triển khai “Hệ sinh thái 4.0 ngành BHXH”, vậy ngoài dịch vụ tin nhắn tra cứu, thời gian tới còn có những ứng dụng, dịch vụ gì được triển khai để tạo thuận lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, thưa Phó Tổng Giám đốc?

PTGĐ Phạm Lương Sơn:

Những năm qua, công tác ứng dụng CNTT được BHXH Việt Nam đặc biệt quan tâm, thể hiện qua việc xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung toàn Ngành; Hệ thống cấp số định danh quản lý người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thống nhất trên phạm vi toàn quốc... Đến nay, BHXH Việt Nam đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Năm 2018, có hơn 47 triệu hồ sơ trong lĩnh vực BHXH, BHYT được thực hiện qua giao dịch điện tử… Toàn bộ ứng dụng CNTT ngành BHXH đã được triển khai theo kiến trúc Chính phủ điện tử được xây dựng theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.

Trên nền tảng đó, ngành BHXH đang khẩn trương xây dựng “Hệ sinh thái 4.0 ngành BHXH” phục vụ người dân và doanh nghiệp với các dịch vụ tiện ích, hiện đại. Ngoài dịch vụ tin nhắn tra cứu đã đi vào hoạt động, thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ triển khai tiếp: Dịch vụ thanh toán trực tuyến; Ứng dụng BHXH trên thiết bị di động; Hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng (trả lời chính sách BHXH, BHYT tự động bằng trí tuệ nhân tạo, tăng tính tương tác cao với người tham gia, cung cấp thông tin đóng, hưởng BHXH, BHYT và dự tính mức hưởng nhằm phục vụ người dân tốt hơn); Phân tích, khai thác dữ liệu trên hệ thống dữ liệu tập trung (BigData); Thiết lập Fanpage truyền thông trên hệ thống mạng xã hội…

BHXH Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH liên thông, hiện đại với công nghệ mới nhất, hứa hẹn mang lại diện mạo mới cho ngành BHXH trong việc quản lý, cung cấp dịch vụ theo hướng tập trung, nhanh chóng, chính xác; hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, thực hiện mục tiêu đảm bảo ASXH bền vững.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Phó Tổng Giám đốc!

Tin nổi bật