Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hiệu trưởng các trường nói gì về thông tin nhà trường được trao quyền chọn sách giáo khoa?

  • Phương Linh
(DS&PL) -

Thông tin Bộ GD&ĐT trao lại quyền chọn sách giáo khoa cho các nhà trường từ năm học 2024 - 2025 đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Tiền Phong đưa tin, năm 2021, năm đầu tiên thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới, áp dụng việc thay sách giáo khoa (SGK) bắt đầu từ lớp 1. Chọn sách được giao cho các nhà trường theo Nghị quyết 88. Tuy nhiên, việc này chỉ áp dụng duy nhất 1 năm học.

Ngay năm học tiếp theo, việc chọn sách lớp 2, lớp 6 và lớp 10, Bộ GD&ĐT có thông tư 25 hướng dẫn mỗi tỉnh, TP thành lập một hội đồng gồm 15 người để lựa chọn sách. Các địa phương chọn SGK mới theo quy định này trong vòng 2 năm, đã có nhiều ý kiến cho rằng, quy trình chưa chặt chẽ, các NXB có thể “đi đêm” trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh. Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến về quy định lựa chọn SGK mới và ngay trong năm học 2023 - 2024, Bộ GD&ĐT một lần nữa phải thay đổi Thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK.

Thông tư mới quy định, hiệu trưởng trường phổ thông/giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên quyết định thành lập hội đồng chọn SGK tối thiểu có 11 người. Thành phần hội đồng chọn sách là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu nhà trường hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên bộ môn, đại diện cha mẹ học sinh.

Năm học 2024 - 2025, các nhà trường sẽ toàn quyền lựa chọn SGK mới. Ảnh: Tiền Phong.

Bà Trần Thị Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vạn Bảo, quận Hà Đông (Hà Nội) nói rằng, trước đây, nhà trường cũng giao cho các tổ, nhóm nghiên cứu SGK mới, sau đó có ý kiến và tổng hợp gửi lên Phòng GD&ĐT để gửi Sở GD&ĐT tập hợp ý kiến. Với quy định mới, hiện nay nhà trường đang giao cho toàn bộ giáo viên nghiên cứu các đầu SGK đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt cho năm học mới. Sau đó đơn vị sẽ thành lập hội đồng lựa chọn SGK. Đối với các lớp 1, 2, 3, 4, các sách phù hợp vẫn tiếp tục sử dụng, sách nào giáo viên cảm thấy hay hơn có thể thay đổi.

Cũng theo bà Hương, trong quyền lựa chọn SGK lần này có phần ý kiến của cha mẹ học sinh cũng rất hợp lý. Khi có bản mềm SGK mới, nhà trường gửi cho thường trực hội cha mẹ học sinh để gửi về các lớp. Thông thường phụ huynh nào quan tâm sẽ có ý kiến. Những năm trước, phụ huynh vẫn tham gia đóng góp ý kiến liên quan các nội dung như ngữ liệu phù hợp hay không. Đó cũng là một kênh để giáo viên, nhà trường tham khảo. Đối với SGK mới, giáo viên chọn sách căn cứ vào nội dung, ngữ liệu nào hay, phù hợp để lựa chọn vì khi kết thúc một năm học, mục tiêu cần đạt giống nhau. “Khi giao quyền chọn SGK cho giáo viên, nhà trường thầy cô sẽ phải có trách nhiệm nghiên cứu kỹ càng, chọn ra đầu sách phù hợp với đối tượng học sinh của mình một cách chủ động”, bà Hương nói.

Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 27, nhiều cơ sở giáo dục đã chủ động nghiên cứu để có bước chuẩn bị cần thiết lựa chọn SGK cho năm học 2024 - 2025. Chia sẻ của thầy Nguyễn Minh Đạo - Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn (Quan Sơn, Thanh Hóa), nhà trường sẽ yêu cầu các nhóm chuyên môn nghiên cứu SGK lớp 12 được phê duyệt.
 
Từng giáo viên tổng hợp, đánh giá ưu điểm, hạn chế về nội dung, hình thức, cấu trúc, ngôn ngữ… để từ đó lựa chọn bộ sách phù hợp với năng lực, trình độ học sinh, điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường… Sau đó, tổ chuyên môn họp, thảo luận, tổng hợp lại, bỏ phiếu lựa chọn bộ sách. Từ tổng hợp, đánh giá, kết quả chọn sách của các nhóm chuyên môn, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa nhà trường sẽ tổng hợp, kiểm tra, thảo luận và kết luận về bộ sách sẽ được chọn sử dụng trong nhà trường.
 
Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội) cũng sẵn sàng tâm thế để triển khai lựa chọn SGK lớp 9 theo Thông tư mới, bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch. Theo cô Hiệu trưởng Đào Thị Hồng Hạnh, căn cứ vào điều kiện, thực tế dạy học, nhà trường luôn tôn trọng ý kiến lựa chọn của giáo viên - người có chuyên môn trực tiếp giảng dạy và phụ huynh - người mua sách cho con học. Tuy nhiên, lựa chọn SGK theo Thông tư mới, quyền và trách nhiệm của giáo viên, nhà trường sẽ lớn hơn; trong đó quan trọng nhất vẫn là vai trò, trách nhiệm của hiệu trưởng.

Giáo viên chủ động chọn sách giáo khoa từ năm học tới (Ảnh minh họa).

 
 
Chia sẻ lưu ý khi chọn SGK theo Thông tư mới, ông Phạm Viết Phúc - quyền Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho rằng, cán bộ quản lý, giáo viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm để nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa. Mỗi giáo viên phải ý thức sâu sắc về quyền và vai trò của mình, không qua loa chiếu lệ, phó mặc trong việc lựa chọn SGK. Việc lựa chọn sách bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và dựa trên tiêu chí: Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương; điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục.
 
"Cần sớm tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên, đại diện cha mẹ học sinh nghiên cứu quy định mới. Lựa chọn đội ngũ trong Hội đồng phải là người có năng lực, trách nhiệm, làm việc công tâm, khách quan. Căn cứ vào tình hình thực tiễn của nhà trường như cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, học sinh để xây dựng các tiêu chí lựa chọn các bộ sách phù hợp, bảo đảm lựa chọn được các bộ sách chất lượng, phát triển được phẩm chất, năng lực học sinh”, ông Phạm Viết Phúc lưu ý thêm, theo Giáo dục và Thời đại.
 
Phương Linh (T/h)

Tin nổi bật