Học phần là một đơn vị kiến thức hoàn chỉnh, được thiết kế để sinh viên dễ dàng tiếp thu và tích lũy trong quá trình học. Kiến thức trong mỗi học phần có thể tập trung vào một môn học cụ thể hoặc kết hợp nhiều môn học liên quan để tạo thành một lĩnh vực kiến thức mới. Mỗi học phần đều có một mã riêng do trường đại học quy định để dễ dàng quản lý và phân biệt.
- Học phần bắt buộc: là học phần chứa đựng những nội dung chính yếu của mỗi chương trình và bắt buộc mỗi sinh viên phải tích luỹ;
- Học phần tự chọn bắt buộc: là học phần chứa đựng những mảng nội dung chính yếu của ngành hay nhóm ngành đào tạo, mà sinh viên bắt buộc phải chọn một số lượng xác định trong số nhiều học phần tương đương được quy định cho ngành đó;
- Học phần tự chọn tự do: là học phần sinh viên có thể tự do đăng ký học hay không tùy theo nguyện vọng.
- Học phần thay thế: Học phần thay thế được sử dụng thay thế cho một học phần có trong chương trình đào tạo khoá trước nhưng khoá sau không còn tổ chức giảng dạy nữa, hoặc là một học phần tự chọn thay cho một học phần tự chọn khác mà sinh viên học nhưng không đạt (điểm F).
Học phần thay thế còn áp dụng cho những trường hợp: cùng một học phần nhưng số tín chỉ của học phần khoá sau khác với khoá trước.
- Học phần tương đương: Học phần tương đương là một hay một nhóm học phần thuộc chương trình đào tạo của một khóa, ngành khác đang tổ chức đào tạo tại Trường hoặc trường khác, được phép tích lũy để thay cho một hay một nhóm học phần trong chương trình đào tạo của ngành đào tạo.
Quy định tại Điều 9 Quy chế đào tạo trình độ Đại học 2021 về cách đánh giá và tính điểm học phần như sau:
Thông thường, sinh viên sẽ được đánh giá qua ít nhất 2 điểm thành phần đối với mỗi học phần. Tuy nhiên, đối với các học phần có ít hơn 2 tín chỉ, chỉ có 1 điểm đánh giá duy nhất. Phương pháp, hình thức đánh giá và trọng số của từng điểm thành phần sẽ được quy định rõ ràng trong đề cương chi tiết của từng học phần.
Sinh viên vắng mặt trong buổi thi sẽ bị ghi nhận điểm 0 nếu không có lý do chính đáng. Trong trường hợp có lý do hợp lệ, sinh viên sẽ được bố trí thi vào một đợt khác.
Điểm học phần được tính bằng cách lấy tổng của các điểm thành phần nhân với hệ số tương ứng của chúng. Kết quả này được làm tròn đến một chữ số thập phân và sau đó được xếp loại theo một hệ thống chữ cái cụ thể:
Từ 4.0 – 5.4 xếp loại D
Từ 5.5 – 6.9 xếp loại C
Từ 7.0 – 8.4 xếp loại B
Từ 8.5 – 10 xếp loại A
Các học phần chỉ yêu cầu đạt không tính vào điểm trung bình học tập toàn khóa: P (từ 5.0 trở lên). Loại không đạt: F (dưới 4.0)
Một số trường đại học còn áp dụng thêm một số mức điểm khác như D+; C+; B+ và A+. Khi đó, thang điểm học phần được tính như sau:
Thang điểm 10 | Thang điểm 4 | Điểm chữ | Loại |
9.0 – 10.0 | 4.0 | A+ | Đạt |
8.5 – 8.9 | 3.7 | A | Đạt |
8.0 – 8.4 | 3.5 | B+ | Đạt |
7.0 – 7.9 | 3 | B | Đạt |
6.5 – 6.9 | 2.5 | C+ | Đạt |
5.5 – 6.4 | 2 | C | Đạt |
5.0 – 5.4 | 1.5 | D+ | Đạt |
4.0 – 4.9 | 1 | D | Đạt |
>4.0 | 0 | F | Không đạt |
Quy định về việc học lại, thi lại và học cải thiện điểm:
Sinh viên không thi đạt học phần phải đăng ký học lại, trừ trường hợp được phép thi lại, đánh giá lại một điểm thành phần để cải thiện; điểm thi lần cuối sẽ điểm chính thức của học phần.
Sinh viên có điểm thi loại đạt được phép học cải thiện điểm tùy theo quy định của cơ sở đào tạo.