Đời là chi, tình người là chi? Những câu hỏi đơn giản nhưng đầy sâu cay ấy đã được các “hiệp sĩ” đường phố trả lời thỏa đáng bằng chính mạng sống của mình. Vượt lên bao nỗi sợ hãi, họ đã quên mình lao thân vào nguy hiểm để rồi nhận lấy cái kết...
Việc nằm xuống của 2 hiệp sĩ đường phố để lại một nỗi đau cho nhiều người |
Hai mạng người, một “nỗi đau” lớn!
Nếu những tên trộm xe SH trong đêm ngày 13/5, chỉ biết chạy, sẵn sàng vứt lại “tính ác” trong người thì các “hiệp sĩ” đâu phải ngã xuống và bị thương vong. Đằng này, chúng lại chống trả quyết liệt và tước đi sinh mạng của người khác một cách tàn nhẫn. Để lại hậu quả hết sức nặng nề cho gia đình nạn nhân và một vấn đề nhức nhối cho toàn xã hội đó là, an ninh trật tự. Nạn trộm cắp, cướp giật lộng hành, nhưng chưa có biện pháp ngăn ngừa và hạn chế hiệu quả. Bất đắc dĩ lắm, các “hiệp sĩ” mới tổ chức, ra tay nghĩa hiệp và nhận lấy cái kết đau lòng.
Liệu có còn xảy ra những cái chết tương tự tiếp theo? Trong khi sự sợ hãi, thờ ơ, vô cảm của xã hội vẫn còn đó. Giả sử mọi người đều đồng tâm truy hô, tố giác, còn các lực lượng chức năng luôn trong tư thế sẵn sàng chạy đến hiện trường mọi nơi, mọi lúc thì sẽ có thể bảo vệ được nhiều tài sản, tiền bạc và cả tính mạng của biết bao người. Và biết đâu, “hiệp sĩ” Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi, ngụ Gò Vấp) và “hiệp sĩ” Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi, quê Bình Định) đâu phải bỏ mạng oan ức.
Hiệp sĩ, có còn hợp thời?
Xã hội luôn tồn hai mặt tốt và xấu, người hiền và kẻ ác. Chừng nào vẫn còn tồn tại những điều xấu xa thì khi ấy vẫn cần những người tốt, nghĩa hiệp ra tay cứu giúp những người yếu thế, bị bắt nạt hay những hoàn cảnh khó khăn và bất hạnh. Tuy nhiên, xã hội hiện đại, người dân chịu sự chi phối của luật pháp và luật phát luôn luôn đứng trên mọi vấn đề. Vậy “hiệp sĩ “ đường phố có cần tồn tại, trong khi những tên tội phạm ngày càng hung hăng táo tợn, trang bị vũ khí, sẵn sàng ra tay tàn độc tước đi mạng sống của người khác?
Tất nhiên là, “hiệp sĩ” đường phố rất cần trong xã hội lúc này và cả về sau. Tuy nhiên, “hiệp sĩ”, đó không phải là một cá nhân hay một tổ chức nhỏ lẻ không có đồ bảo hộ, dụng cụ phòng thân và công cụ chống trả trước những hành động liều lĩnh của tội phạm; mà chúng ta cần là những “hiệp sĩ" đúng nghĩa, trang bị đầy đủ các phương trang cần thiết để khắc chế tội phạm một cách dễ dàng. Đó là sự đồng tâm hiệp lực, ý thức bảo vệ tài sản và tính mạng của tất cả mọi người, sẵn tố giác tội phạm và luôn trong tâm thế hỗ trợ, giúp đỡ những hoàn cảnh sa cơ, thất thế.
Hay không cần làm những điều to tát, chỉ đơn giản dắt cụ bà qua đường, đỡ xe người bị tai nạn, phụ nhặt đồ đạc cho người bị té xe... và đó là những hành động rất chi nhỏ nhặt như không vứt rác bừa bãi ra đường, không dán và vẽ bậy làm mất mỹ quan đô thị, không hút thuốc lá nơi công cộng... Tựu chung ý thức được những hành vi của mình trước những điều xấu xa và tội lỗi chứ không cần phải làm gì lớn lao. Mỗi người hãy là một “hiệp sĩ” dưới sự giám sát, quản lý và chỉ huy của luật pháp luật, khi ấy cái xấu mới được triệt tiêu vĩnh viễn.
Tình người luôn hiện hữu, cái tốt luôn trường tồn. Cái chết của hai “hiệp sĩ” là hồi chuông cảnh tỉnh cho các lực lượng chức năng trong việc kiểm soát và trấn an các loại tội phạm góp phần mang đến sự yên vui cho mọi nhà.
Phong Lan