Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

"Hiệp sĩ" đường phố: Không thể để những "anh hùng tự phát" ngăn cái ác lộng hành

(DS&PL) -

Theo luật sư, mô hình hiệp sĩ đường phố nên được khuyến khích, phát triển. Tuy nhiên, cần đưa hoạt động của các nhóm hiệp sĩ đường phố vào khuôn khổ, dưới sự quản lý.

Luật sư cho rằng, mô hình “hiệp sĩ đường phố” nên được khuyến khích, phát triển. Tuy nhiên, cần phải đưa hoạt động của các nhóm “hiệp sĩ đường phố” vào khuôn khổ, dưới sự quản lý của công an địa phương.

Vụ việc nhóm "hiệp sĩ" đường phố ở quận Tân Bình (TP.HCM) bị nhóm trộm xe máy tấn công khiến 2 người chết, 3 người bị thương xảy ra vào tối 13/5 đang khiến dư luận vô cùng xót xa xen lẫn sự kính phục, cảm kích trước hành động dũng cảm, chính nghĩa của các anh.

Bên cạnh đó, sự việc này cũng dấy lên những lo ngại về cách thức hoạt động của các nhóm “hiệp sĩ đường phố”. Làm việc như "nhiệm vụ" của lực lượng công an song các “hiệp sĩ” không được đào tạo, được trang bị công cụ hỗ trợ... tính mạng có thể bị ảnh hưởng bất kỳ lúc nào.

Chỉ bằng lòng nhiệt huyết, không công cụ hỗ trợ, không lương nhưng dám xả thân bắt cướp, các "hiệp sĩ" được người dân tin cậy, nhiều tổ chức đoàn thể, thậm chí cả công an tuyên dương, ca ngợi. Phong trào "hiệp sĩ" cũng vậy mà phát triển, lan rộng.

"Hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải trong một lần đối đầu với hai kẻ trộm có súng - Ảnh Trí thức trẻ

Theo Lao động, ở Bình Dương nổi tiếng có Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm (CLB PCTP). Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, CLB này đã “phá” được gần 40 vụ trộm cắp, còn năm 2017 “phá” được 97 vụ. CLB và các thành viên nhận được tới 47 bằng khen của các cơ quan, ban ngành vì thành tích dũng cảm bắt cướp.

Bình Dương tuy là cái nôi hình thành nên mô hình “hiệp sĩ” từ 2003 và tội phạm rất "ngán", nhiều “hiệp sĩ” vẫn gặp nguy hiểm.

Điển hình, năm 2011 “hiệp sĩ” Tô Trí Dũng, thành viên CLB PCTP phường Phú Hòa bị một tên cướp dây chuyền đạp xuống đường gãy xương bả vai.

Năm 2015, “hiệp sĩ” Nguyễn Phúc Nhân (thành viên CLB PCTP phường Phú Hòa) bị tên trộm xe rút dao đâm trọng thương đầu và chân rồi trốn thoát. Ngay cả “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải "khét tiếng" của CLB này cũng hàng chục lần bị đâm, bị ngã, thương tích đầy người.

Theo Infonet, còn ở TP.HCM, trong những năm qua, trước tình hình tội phạm đường phố diễn biến phức tạp, đã có nhiều nhóm “hiệp sĩ đường phố” được thành lập.

Theo anh Nguyễn Văn Minh Tiến, “hiệp sĩ” từng nhận được bằng khen của Thủ tướng Võ Văn Kiệt về thành tích bắt cướp, hầu hết các nhóm “hiệp sĩ đường phố” tại TP.HCM hiện nay hoạt động theo kiểu tự phát. Các thành viên không được tập huấn nghiệp vụ, trang bị kiến thức pháp luật một cách chính thức từ cơ quan chức năng.

“Hiệp sĩ đường phố” truy đuổi cướp tại TP.HCM - Ảnh: Khám phá

Trong khi đó, “hiệp sĩ” Lâm Hiếu Long, Trưởng nhóm “hiệp sĩ” của trang Facebook “Đội săn bắt cướp TP.HCM” cho hay, do tự thân vận động nên mỗi lần tham gia bắt tội phạm cả nhóm đều hội ý để đưa ra phương án an toàn và đúng pháp luật.

Nắm bắt thế mạnh lan toả thông tin rộng rãi của Facebook, nhóm “hiệp sĩ” của anh Lâm Hiếu Long đã thành lập trang “Đội săn bắt cướp TP.HCM” trên mạng xã hội này. Theo anh Long, mục đích của trang này là để chia sẻ thông tin các đối tượng nghi vấn cũng như hướng dẫn người dân những cách đề phòng, đối phó với tội phạm trộm cướp thông qua các video clip nhóm tự quay.

Các “hiệp sĩ” như anh Tiến và anh Long mong muốn mô hình “hiệp sĩ đường phố” tại TP.HCM sẽ được tổ chức một cách quy củ hơn, các nhóm được đào tạo nghiệp vụ võ thuật và kiến thức pháp luật bài bản hơn để hạn chế tối đa rủi ro khi tham gia truy bắt tội phạm.

Trao đổi trên Infonet, theo luật sư Nguyễn Thuý Lệ Huyền (Đoàn Luật sư TP.HCM), đối với những địa phương có tình hình tội phạm trộm cướp đường phố phức tạp như TP.HCM, ngoài lực lượng công an địa phương và cảnh sát hình sự thì mô hình “hiệp sĩ đường phố” nên được khuyến khích, phát triển.

Tuy nhiên, luật sư Lệ Huyền cho rằng, cần phải đưa hoạt động của các nhóm “hiệp sĩ đường phố” vào khuôn khổ, dưới sự quản lý của công an địa phương. Để từ đó các “hiệp sĩ” được tập huấn nghiệp vụ, trang bị kiến thức pháp luật nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cũng như tránh lạm quyền, bảo kê cho tội phạm.

Trao đổi trên Thanh Niên, anh Phạm Tiến Học, Đội trưởng Đội săn bắt cướp Thị xã La Gi (Bình Thuận) chia sẻ: "Mới đọc thấy thông tin những "đồng đội" của mình ở TP.HCM gặp nạn thì cũng ớn ớn thật. Nhưng sau đó tự trấn an mình là không có gì phải lung lay ý chí cả. Có biết bao vụ tai nạn giao thông mỗi ngày, chẳng lẽ vì thế mà không dám ra đường tham gia giao thông. Tương tự, dù công việc bắt cướp có nguy hiểm, anh em vừa gặp nạn, nhưng mình không lùi bước, mà càng quyết tâm ngăn chặn, truy bắt tội phạm, giúp cuộc sống thêm bình yên".

"Hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải, trưởng nhóm Hiệp sĩ Bình Dương, chia sẻ: "Khi hay tin về vụ việc, chúng tôi rất buồn. Nhưng không có nghĩa là dừng lại công việc đã theo đuổi hàng chục năm trời. Tôi cũng trấn an anh em, đồng đội không được nhụt chí. Phải mạnh mẽ hơn nữa để trấn áp các loại tội phạm".

Anh Hải cũng kể sáng 14/5, các thành viên trong nhóm Hiệp sĩ Bình Dương cũng đang "đi làm", theo dõi hành tung những kẻ xấu.

Anh Lâm Hiếu Long, Đội trưởng Đội săn bắt cướp TP.HCM cho biết: "Đặc thù công việc của anh em "hiệp sĩ" là rất nguy hiểm. Đây không phải là lần đầu tiên "hiệp sĩ" bị sự cố, bị tấn công. Chỉ có điều đây là lần đầu tiên gặp thương vong nhiều nhất. Vậy nên anh em chúng tôi khi đã chọn làm việc săn bắt cướp giúp xã hội bình yên hơn thì sẽ không bao giờ chùn bước. Vì nếu chùn bước thì cướp giật càng lộng hành".

Anh Long nói thêm: "Qua vụ việc này, tôi hy vọng những 'hiệp sĩ' trên cả nước cần nâng cao nghiệp vụ tay nghề, luôn trau dồi hằng ngày. Bên cạnh đó phải cẩn thận cao độ. Phải mưu trí hơn. Và phải đoàn kết, phối hợp nhịp nhàng với đồng đội khi săn bắt cướp để tránh những hậu quả đáng tiếc".

Cự Giải (T/h)

Tin nổi bật