Thông tấn xã Việt Nam đưa tin, ít nhất 10 học sinh đã bị thiệt mạng và 106 em bị thương trong vụ giẫm đạp vào sáng 22/1 tại trường trung học song ngữ Etoug-Ebe ở thủ đô chính trị Yaoundé của Cameroon.
Nhiều em bị thương đã được đưa đến cơ sở y tế. Ảnh: Camer/TTXVN
Báo cáo của cơ quan chức năng cho biết, vụ giẫm đạp xảy ra khi những học sinh đi học muộn lao tới cổng trường vốn đã đóng trước đó và biến vụ việc thành thảm kịch.
Nhiều em bị thương đã được đưa đến cơ sở y tế gần đó.
Cơ quan chức năng đã nhanh chóng có mặt để đối phó với tai nạn bất ngờ này. Đồng thời các đội y tế, cơ quan thực thi pháp luật và nhiều nhà tâm lý học đã được điều động ngay đến hiện trường để ứng cứu.
Hiện trường vụ giẫm đạp tại trường trung học Etoug-Ebe ở thủ đô Yaoundé, Cameroon ngày 22/1/2024. Ảnh: TTXVN
Bàn ghế bị gẫy hỏng sau vụ giẫm đạp. Ảnh: THX/TTXVN
Ít nhất 10 học sinh đã bị thiệt mạng và 106 em bị thương trong vụ giẫm đạp. Ảnh: THX/TTXVN
Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Ảnh: THX/TTXVN
Hồi tháng 10/2023, một vụ giẫm đạp đã xảy ra tại quận Gopalganj thuộc bang Bihar (Ấn Độ), là nơi hàng trăm người tụ tập để cầu nguyện trong Lễ hội Durga Puja.
Thảm kịch khiến ít nhất 3 người thiệt mạng và khoảng 14 người khác bị thương. Cảnh sát địa phương cho biết: "Một em nhỏ đã bị thương khi tham gia lễ hội này. Khi mọi người tìm cách đưa em nhỏ này tới bệnh viện, bất ngờ xảy ra vụ giẫm đạp. Hai phụ nữ và một trẻ nhỏ đã thiệt mạng do bị chèn ép và giẫm lên người", báo VTV News đưa tin.
Theo báo VnExpress, các chuyên gia thường so sánh lực tác động trong một đám đông dày đặc với chuyển động sóng trên đại dương. Trong một đám đông quá tải, các tương tác vật lý giữa con người với nhau tạo ra lực truyền từ cơ thể này sang cơ thể khác, tạo ra những đợt sóng và vòng xoáy chuyển động không thể kiểm soát được gọi là "nhiễu động đám đông" hoặc "rung chấn đám đông", có thể khiến mọi người chao đảo và vấp ngã.
Khi một người ngã trong đám đông có thể tạo ra hiệu ứng domino. Những người xung quanh đột nhiên mất một điểm tựa, ngã nhào theo và chồng chất lên nhau, khiến những người ở lớp dưới cùng rất dễ thiệt mạng do ngạt.
Họ cũng có thể phải chịu nhiều tổn thương khác như gãy xương, tổn thương tim phổi, chấn thương cột sống hay xuất huyết nội tạng. Những người kẹt trong đám đông nói rằng sức ép còn khiến chân tay họ tê liệt. Khi bị tổn thương, các mô cơ sẽ giải phóng protein và chất điện giải vào máu, gây hại cho tim hoặc thận, có khả năng đe dọa tính mạng.
Các tốt nhất là cố gắng di chuyển theo đường chéo để không bị ngược với những người khác đồng thời vẫn tiến về rìa của đám đông.
Vân Anh (T/h)