Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hiện thực phũ phàng ở châu Âu: Doanh nghiệp kiếm lời từ lạm phát, người dân "vật lộn" chi trả hóa đơn

(DS&PL) -

Theo các nhà kinh tế, câu chuyện mới về lạm phát tập trung vào biên lợi nhuận có thể giúp một số thành viên Hội đồng điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có lý do để phản đối việc tiếp tục tăng lãi suất.

Reuters đưa tin ngày 2/3 (giờ địa phương), các nhà hoạch địch chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã phải đối mặt với hiện thực phũ phàng rằng những doanh nghiệp tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang thu lợi từ lạm phát cao trong khi người lao động và người tiêu dùng phải chi trả hóa đơn. 

Hình ảnh bên ngoài tòa nhà Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), ở Frankfurt (Đức), ngày 21/7/2022. Ảnh: Reuters.

Câu chuyện kinh tế vĩ mô phổ biến trong 9 tháng qua là giá cả mọi thứ từ năng lượng, thực phẩm cho đến chip máy tính đều tăng mạnh, dẫn đến chi phí tăng ở các công ty thuộc 20 quốc gia của Eurozone

Đứng trước tình hình này, ECB đã phản ứng bằng cách tăng lãi suất cao nhất trong vòng 4 thập kỷ nhằm hạ nhiệt nhu cầu,  khi họ phải đối mặt với nguy cơ giá tiêu dùng cao hơn sẽ đẩy tiền lương lên và tạo ra vòng xoáy lạm phát. 

Số liệu cho thấy biên lợi nhuận của các công ty đang tăng lên. Việc các công ty có thể tăng giá bán vượt chi phí có thể khiến công chúng phẫn nộ. Tuy nhiên, lạm phát do biên lợi nhuận doanh nghiệp tăng có xu hướng tự điều chỉnh, khi các công ty cuối cùng sẽ hãm đà tăng giá để tránh mất thị phần.

Theo các nhà kinh tế, câu chuyện mới về lạm phát tập trung vào biên lợi nhuận có thể giúp một số thành viên Hội đồng điều hành ECB có lý do để phản đối việc tiếp tục tăng lãi suất.

Paul Donovan, nhà kinh tế trưởng tại UBS Global Wealth Management, cho biết: "Rõ ràng là việc mở rộng lợi nhuận đã đóng một vai trò lớn hơn trong câu chuyện lạm phát ở châu Âu suốt 6 tháng qua. ECB đã thất bại khi giải thích về những hành động của họ trong bối cảnh câu chuyện lạm phát tập trung vào lợi nhuận nhiều hơn". 

Theo các cuộc khảo sát được công bố bởi ECB và Viện nghiên cứu kinh tế Ifo của Đức, các doanh nghiệp đang dự đoán mức tăng giá nhỏ hơn khi triển vọng về chi phí và nhu cầu trở nên ít rõ ràng hơn. 

Một số quốc gia châu Âu như Hy Lạp đã đưa ra các biện pháp kiềm chế lạm phát đối với các mặt hàng thiết yếu trong khi Pháp và Tây Ban Nha đang tranh luận về những giải pháp tương tự.

Nhà kinh tế trưởng Philip Lane của ECB chia sẻ Reuters: “Tính kinh tế của khả năng sinh lời cho thấy chúng ta có thể thấy nhiều khả năng lợi nhuận sẽ bị siết chặt hơn. Các công ty châu Âu biết rằng nếu họ tăng giá quá nhiều, họ sẽ bị mất thị phần".

Tại Mỹ, việc mở rộng tỷ suất lợi nhuận bắt đầu sớm hơn và đã bắt đầu đảo ngược, mặc dù chậm và không đồng đều. Khác với Mỹ, không có dữ liệu lợi nhuận chính thức của các công ty ở Eurozone. Thay vào đó, các tài khoản quốc gia và báo cáo thu nhập từ những công ty niêm yết đang được sử dụng làm đại diện để vẽ nên bức tranh lạm phát. 

Ví dụ, các công ty hàng tiêu dùng ở Eurozone đã tăng tỷ suất lợi nhuận hoạt động lên trung bình 10,7% vào năm 2022, tăng 1/4 so với năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch COVID-19 trên toàn cầu và cuộc xung đột ở Ukraine, dữ liệu của công ty Refinitiv cho thấy.

106 công ty được đưa vào cuộc khảo sát bao gồm khu nghỉ dưỡng Pháp Pierre et Vacances, nhà sản xuất ô tô Stellantis, tập đoàn Hermes đến nhà bán lẻ Bắc Âu Stockmann.

Tính toán của ECB dựa trên dữ liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu Eurostat cho thấy, không phải chi phí lao động hay thuế, lợi nhuận của các công ty mới là yếu tố chiếm phần lớn trong áp lực giá nội địa ở Eurozone kể từ năm 2021. 

Tiền lương đã tăng chậm hơn nhiều so với lạm phát, đồng nghĩa với mức sống của người lao động trung bình ở Euro giảm 5% so với năm 2021, theo tính toán của ECB.

Các nhà kinh tế cho biết, điều này hoàn toàn trái ngược với tình hình lạm phát do tiền lương gây ra vào những năm 1970. 

Bích Thảo (Theo Reuters) 

Tin nổi bật