Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hi hữu chuyện tử tù bịa chuyện để được hoãn thi hành án: Nghìn lẻ chiêu trò đối phó!

(DS&PL) -

Từ vụ tử tù Vy Bế Ngoạt ở Đắk Lắk khi bị đưa đi thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc, hắn đã bịa ra câu chuyện mình chính là nhân chứng của một vụ án giết người khác

Từ vụ tử tù Vy Bế Ngoạt ở Đắk Lắk khi bị đưa đi thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc, hắn đã bịa ra câu chuyện mình chính là nhân chứng của một vụ án giết người khác hòng trì hoãn việc thi hành án. Từ sự việc hi hữu này dư luận đặt ra câu hỏi, vậy tử tù có những chiêu trò gì để đối phó với cơ quan chức năng? Làm thế nào để xử lý và triệt tiêu những tình huống đó?

Mưu mô xảo quyệt

Công an tỉnh Đắk Lắk vừa kết thúc điều tra vụ tử tù Vy Bế Ngoạt (SN 1975, ngụ tại huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) khai là nhân chứng của một vụ án giết người xảy ra vào năm 2009. Theo đó, quá trình điều tra, công an xác định, từ một vụ tai nạn chết đuối, Ngoạt đã bịa ra vụ án mạng do chính người thân mình thực hiện.

Đại diện PC45 Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Trước sự chứng kiến của luật sư, đại diện VKSND cùng các chứng cứ, tài liệu thu thập được, tử tù Vy Bế Ngoạt đã thừa nhận việc hắn khai ra vụ giết người là bịa đặt, nhằm hoãn thi hành án tử hình. Cơ quan điều tra đã có thông báo kết luận gửi Hội đồng thi hành án tỉnh Đắk Lắk để tiếp tục thi hành án tử hình đối với tử tù Ngoạt”.

Trước đó, hồ sơ vụ án cho thấy, vào tháng 10/2013, Ngoạt đã gây ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng khi giết hại 2 cháu bé hàng xóm vì bị phát hiện đang bắt trộm vịt. Ngày 11/6/2014, TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên phạt Ngoạt tử hình về tội Giết người. Ngoạt kháng cáo xin giảm nhẹ án. Ngày 22/9/2014, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm tuyên y án tử hình đối với Ngoạt.

Tử tù Vy Bế Ngoạt

Ngày 9/8/2017 vừa qua, Hội đồng thi hành án tỉnh Đắk Lắk tổ chức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc đối với Ngoạt. Khi được nói lời sau cùng, tử tù này khai mình là nhân chứng trong một vụ án giết người khác xảy ra tại địa bàn huyện Krông Pắk vào năm 2009. Do đó, Hội đồng thi hành án đã quyết định tạm hoãn tiêm thuốc độc đối với Ngoạt, giao công an điều tra làm rõ thông tin tử tù này vừa khai.

Trao đổi với PV, Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, Đội trưởng đội Thanh tra pháp luật - Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra (PC44) Công an Hà Nội phân tích: Tâm lý của tử tù trong những ngày chờ thi hành án thường rất sợ chết. Thực ra đó cũng là bản năng của con người. Khi đối diện với cái chết thì bản năng sống trỗi dậy, họ tìm mọi cách để đối phó với việc bị tử hình. Quá trình chờ thi hành án, họ chỉ nằm để nghĩ hết các chiêu trò, mọi cách để chống đối bằng cách chạy trốn, điển hình như vụ 2 tử tù Nguyễn Văn Tình và Lê Văn Thọ vừa rồi. Để thoát án, tử tù không từ bất cứ việc gì, kể cả thực hiện những điều không tưởng nhất. Ví dụ như dùng một miếng sắt nhỏ để đục cả một bức tường trại giam dày dặn hay dùng 1 con dao lam để cưa cả 1 cái cùm sắt... Bản năng sống đã thúc giục một số tử tù bỏ trốn.

“Nếu không trốn được thì một số tử tù lại đối phó bằng cách lợi dụng chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước để kéo dài thời gian sống càng lâu càng tốt. Ví dụ như tự làm mình bị thương. Về nhân đạo, không ai đưa một người đang ốm đau, thương tích đi thi hành án tử hình. Hoặc có đối tượng lại gây ra các sự việc rất nghiêm trọng như gây án mới ở trong trại, để theo quy định của pháp luật, cơ quan tố tụng phải xem xét, xử lý hành vi phạm tội mới của đối tượng và việc đó có thể trì hoãn việc thi hành bản án tử hình. Do đó, nhiều tử tù rất liều lĩnh, sẵn sàng tấn công phạm nhân ở cùng buồng, thậm chí chống đối cán bộ quản giáo và những người mà đối tượng tiếp xúc được”, Thượng tá Hùng chia sẻ.

Cũng theo vị Đội trưởng đội Thanh tra pháp luật, riêng đối với tội phạm nữ, nhiều đối tượng đã lợi dụng chính sách khoan hồng của Nhà nước là không kết án tử hình hoặc không thi hành án tử hình đối với người đang mang thai, hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên tìm mọi cách để có thai. Trước đây đã từng xảy ra một số vụ như thế. Có những đối tượng không làm được những việc đó thì lại nghĩ ra cách khác để kéo dài sự sống như cung cấp thông tin giả để cơ quan chức năng phải mất thời gian xác minh, ví dụ như trường hợp tử tù Vy Bế Ngoạt ở Đắk Lắk. Hoặc kể cả trường hợp tử tù tìm cách tự sát để đỡ chịu áp lực khi bị đưa ra thi hành án... Cán bộ quản giáo chỉ cần sơ hở trong tích tắc là có thể xảy ra điều không tưởng!

Cuộc đấu trí cuối cùng

Luật sư Cao Văn Tỉnh (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: “Để “đấu trí” với các chiêu trò như đã nói ở trên thì cơ quan chức năng, đặc biệt là cán bộ quản giáo phải rất vất vả để quản lý, giáo dục, động viên tử tù xác định được lỗi của họ, xác định hình phạt của pháp luật dành cho họ là thỏa đáng và chấp hành hình phạt của pháp luật. Đội ngũ cán bộ ở các trại tạm giam cũng chịu nhiều áp lực, ngày đêm canh gác để ứng phó với chiêu trò của các đối tượng phạm tội, đặc biệt là tử tù, áp lực công việc khá lớn. Nếu để xảy ra chuyện gì với phạm nhân thì rất phức tạp.

Vì thế, các cán bộ chiến sĩ liên quan trực tiếp đến công tác quản lý, giáo dục, thi hành án phải hết sức cố gắng, khắc phục khó khăn, tăng cường các biện pháp về cảm hóa, giáo dục, động viên tử tù. Theo chính sách, mặc dù bị kết án tử hình nhưng tử tù vẫn có thể được tạo điều kiện gặp người thân mỗi tháng 1 lần. Việc thi hành chính sách trọn vẹn để đối tượng không cảm thấy bức xúc, quậy phá. Cũng có trường hợp bị giam lâu mà chưa thi hành án tử hình thì tâm lý cũng căng thẳng, gây tư tưởng chống phá”.

Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng phân tích thêm, theo quy định của pháp luật, tử tù cũng có quyền tự thú hoặc tố giác tội phạm. Trước khi bị đưa ra thi hành án mà đối tượng khai ra việc bản thân phạm tội hoặc khai ra hành vi phạm tội của người khác, theo quy định của pháp luật thì các cơ quan chức năng vẫn phải tiến hành xác minh. Vì thế, có trường hợp tử tù lợi dụng quyền được tự thú hoặc tố giác tội phạm để đối phó như Vy Bế Ngoạt. Khi đó, không còn cách nào khác, các đơn vị chức năng phải tích cực xác minh theo quy định của pháp luật về xử lý tin báo tố giác tội phạm. Nếu có căn cứ thì khởi tố điều tra theo quy định của pháp luật. Còn nếu thông tin tự thú hoặc tố giác của đối tượng không đúng, không có căn cứ thì cũng nhanh chóng kết luận để không mất thời gian xử lý những thông tin hoang báo đó và cũng để việc thi hành án được tiến hành nhanh chóng, nghiêm túc.

Đại tá Nguyễn Viết Hòa, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45 Công an Nghệ An) cho biết: Tất cả các vụ đưa đi thi hành án, nếu tử tù khai ra thông tin có cơ sở về một người khác phạm tội nghiêm trọng hơn bản thân anh ta (cùng trong vụ án đó) thì sau khi vụ án mở rộng điều tra, điều tra lại hoặc điều tra bổ sung, nếu đúng là người bị tử tù khai ra đã phạm tội nặng hơn, thì có thể tử tù đó được xem xét giảm án. Còn nếu đối tượng khai ra mà thông tin không đúng, chỉ là bịa ra nhằm mục đích hoãn thi hành án thì hội đồng thi hành án đó sẽ bác thông tin và thi hành án bình thường, chứ không thể thoát án tử hình được. Ngay cả việc khai báo thêm thông tin mới mà có cơ sở thì cũng còn phải xem xét về mức án.

Không thể cứ khai lung tung là được!

“Với đối tượng đã bị kết án tử hình rồi thì pháp luật cũng không có chế tài nào nghiêm khắc hơn đối với tử tù, chỉ có trách nhiệm của cơ quan chức năng thôi, giải quyết tin báo tố giác tội phạm phụ thuộc vào sự nhanh nhạy, kinh nghiệm nghiệp vụ của các cán bộ cơ quan điều tra. Vụ việc tử tù Vy Bế Ngoạt vừa rồi, cơ quan điều tra cũng nhanh chóng kết luận đó là hoang báo, có căn cứ để tiếp tục thi hành án tử hình đối với Ngoạt. Đồng thời cũng phải tuyên truyền việc này cho các đối tượng khác thấy rằng không thể cứ khai lung tung mà lừa được cơ quan điều tra”, một điều tra viên cao cấp nhận định.

Chí Công

Tin nổi bật