Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hệ thống máy Quốc hội bị treo vì hơn 80 ĐBQH chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT

(DS&PL) -

Chỉ sau hơn 1 tiếng diễn ra phiên chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ xung quanh vấn đề đạo đức nhà giáo xuống cấp, đã có hơn 80 ĐBQH bấm nút đăng ký chất vấn.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhận được nhiều chất vấn của ĐBQH xung quanh vấn đề đạo đức nhà giáo xuống cấp. Chỉ sau hơn 1 tiếng diễn ra phiên chất vấn, đã có hơn 80 ĐBQH bấm nút đăng ký chất vấn.

Trả lời về nhiều câu hỏi của ĐBQH quan tâm đến sự xuống cấp trong đạo đức nhà giáo với nhiều vụ việc nổi cộm trong thời gian qua như: Cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng, cô giáo không nói suốt nhiều tháng, cô giáo bạo hành trẻ mầm non, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, bên cạnh những việc đã làm được, những thầy cô giáo ngày đêm đam mê, yêu nghề, mến trẻ thì xuất hiện một số thầy cô tuy không phải phổ biến, chỉ là cá thể nhưng ảnh hưởng rất ghê gớm không chỉ ngành Giáo dục mà đến cả thuần phong mỹ tục, tôn sư trọng đạo, truyền thống quý báu của dân tộc.

“Với trách nhiệm quản lý ngành, chúng tôi thực sự thấy đây là thiếu sót rất lớn. Nguyên nhân có nhiều, từ xã hội, gia đình, bản thân nhưng trong đó có trách nhiệm từ trong ngành là khâu đào tạo, bồi dưỡng, kiểm soát, tuyển chọn trong một số trường hợp chưa đến nơi đến chốn, chưa thường xuyên dẫn đến một số thầy cô không đủ năng lực, kém về phẩm chất, bộc phát”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Tuy nhiều lần nhắc đi nhắc lại về con số giáo viên vi phạm đạo đức chỉ là “một số”, nhưng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lại thừa nhận: “Số báo chí đưa lên chưa phải là hết, thực tế chắc chắn là còn nhiều”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn sáng 6/6.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, với sự phản ứng, lên án những hành vi phi nhân tính hành hạ trẻ, đã có tác động rất mạnh đến các thầy cô không đủ phẩm chất năng lực. Đây cũng là sự cảnh tỉnh rất lớn với ngành, hiệu trưởng các trường. “Trách nhiệm của hiệu trưởng các trường rất cao. Để cho một cô giáo cả kỳ học không nói gì với lớp, trước hết là hội đồng sư phạm, trách nhiệm của thầy hiệu trưởng ở đâu?”, Bộ trưởng trả lời chất vấn bằng một câu hỏi.

“Có những cô mà ĐBQH nêu, xưa nay chưa từng có. Một phần nguyên nhân là áp lực. Gần đây, cộng đồng giáo viên áp lực rất lớn về vật chất và tinh thần. Không vì những cái nhỏ, thiểu số mà đánh đồng, nhưng kiên quyết phải loại bỏ những con sâu làm rầu nồi canh”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

Giải pháp mà “Tư lệnh” ngành Giáo dục đưa ra trong vấn đề này là đào tạo. “Chương trình đào tạo giáo viên cũng phải chú trọng về đạo đức, ngay cả đạo đức trong nhà trường”, Bộ trưởng nói. Ông nêu ví dụ rất thực tế, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 đề nghị đưa môn giáo dục công dân vào, trước đó không ai để ý nhưng khi có thi thì rất quan tâm. Thầy cô, học sinh thấy hiệu quả việc này, có những nội dung quan trọng chỉ thi mới biết. Bộ trưởng cũng khẳng định, tới đây trong giáo dục phổ thông mới cũng nhấn mạnh vấn đề đạo đức, cả thời lượng và nội dung, chú trọng dạy đạo đức làm người.

“Cái gốc vấn đề là đào tạo giáo viên sư phạm. Tôi nhận trách nhiệm trong vấn đề phát triển đội ngũ giáo viên, chất lượng và số lượng. Bộ cũng tiếp tục có những tham mưu về chế độ đãi ngộ để thầy cô yên tâm hơn trong công tác giảng dạy.

Thực trạng xuống cấp đạo đức của giáo viên đã được nhiều ĐBQH đặc biệt quan tâm. Với vai trò chủ tọa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói thêm sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Vừa qua, dư luận rất bức xúc nhưng đó là những trường hợp cá biệt, không phải là phổ biến. Chúng ta đừng nhìn vào đó để đánh giá rằng, các thế hệ nhà giáo xuống cấp đạo đức. Nó rất cá biệt ở chỗ này, chỗ nọ, nhưng ĐBQH muốn nói đến trách nhiệm người đứng đầu của các cơ sở giáo dục, từ mầm non, tiểu học, THCS… Họ có biết không hay đến khi dư luận xã hội, báo chí lên tiếng mới đi vào làm rõ?

ĐBQH mong muốn ngành Giáo dục, các địa phương, cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trường mầm non, trường tiểu học có địa chỉ cụ thể, cộng đồng dân cư, có chính quyền, các ban ngành đoàn thể, mà để xảy ra vụ việc bạo hành như thế hiệu trưởng có biết không, giáo viên có biết không, chính quyền có biết không? Hay cho tới khi các phương tiện lên tiếng mới biết, xử lý? Trách nhiệm ở đây cả hệ thống, cộng đồng chứ không riêng bộ GD&ĐT”.

Sau hơn 1 tiếng phiên chất vấn với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: “Có trên 80 ĐBQH đăng ký chất vấn và tranh luận nên hệ thống máy không chịu không nổi, bị treo. Xin phép ưu tiên cho người đã chất vấn muốn tranh luận lại, chất vấn đúng câu đã trả lời, chất vấn mà như đặt câu hỏi mới thì sẽ ảnh hưởng đến các ĐBQH đang chờ”. Tuy nhiên, sự cố bị treo này đã được khắc phục ngay lập tức.

Kết thúc buổi sáng, câu hỏi chất vấn dành cho Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vẫn còn rất nhiều, nhưng buổi chiều chỉ còn 25 phút dành cho phần trả lời chất vấn của "Tư lệnh" ngành Giáo dục.

Theo Người Đưa Tin

Tin nổi bật