Reuters đưa tin ngày 5/12, trích dẫn các nguồn tin thân cận trong nhóm quyền lực của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, cho biết: "Ukraine sẽ phải nhượng bộ một phần đất đai của mình cho Nga theo kế hoạch mà chính quyền của ông Trump có thể sẽ sớm đề xuất".
Cũng theo nguồn tin, các đề xuất của 3 cố vấn chủ chốt, bao gồm cả phái viên Nga - Ukraine sắp tới của ông Trump, cựu tướng Keith Kellogg, có một số điểm chung, bao gồm cả việc loại bỏ tư cách thành viên NATO của Ukraine khỏi bàn đàm phán.
Ông Trump hiện vẫn chưa thành lập một nhóm làm việc để xây dựng một kế hoạch hòa bình cho Ukraine nhưng sẽ sớm thực hiện điều này.
Các đề xuất của chính quyền Tổng thống Trump trong tương lai cũng bao gồm việc xem xét việc cấp thêm vũ khí cho Ukraine, thậm chí sẽ dừng viện trợ quân sự nếu Kiev không đồng ý đàm phán và sẽ tăng viện trợ nếu Moscow từ chối đàm phán.
Các cố vấn của ông Trump thừa nhận rằng việc để đạt được một giải pháp thì còn nhiều phụ thuộc vào sự tiếp xúc trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo Mỹ, Nga và Ukraine.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty
Hồi cuối tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay, Ukraine có thể đi tới một thỏa thuận ngừng bắn với Nga nếu phần lãnh thổ Ukraine do Kiev kiểm soát được đặt dưới sự bảo vệ của NATO.
Tuy nhiên, ông Kuleba cho rằng, NATO không còn cung cấp các đảm bảo an ninh như trước và về cơ bản khối quân sự này phải dựa vào thiện chí của Mỹ để bảo vệ chính mình.
Theo European Pravda, mới đây, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Table.Briefings, cựu Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã bày tỏ tin tưởng rằng, việc Ukraine nhượng bộ lãnh thổ cho Nga là chấp nhận được để chấm dứt xung đột.
Tuy nhiên, ông Stoltenberg nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Ukraine nhận được những đảm bảo an ninh để đổi lấy các nhượng bộ lãnh thổ tạm thời. Ông nói thêm, điều đó có thể là tư cách thành viên NATO của Ukraine cũng có thể là những cách khác để trang bị vũ khí và hỗ trợ Ukraine.
"Nếu ranh giới ngừng bắn có nghĩa là Nga tiếp tục kiểm soát tất cả các vùng lãnh thổ Ukraine đã sáp nhập, thì điều đó không có nghĩa là Ukraine phải từ bỏ lãnh thổ mãi mãi", ông Stoltenberg nói.
Cựu Tổng thư ký NATO ủng hộ tuyên bố của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy về việc từ chối nhượng bộ Nga trong trường hợp ngừng bắn, nhưng ông tin là điều này khó có thể xảy ra vào lúc này do tình hình trên chiến trường.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, theo ông Tony Brenton, cựu đại sứ Anh tại Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang "chơi một trò chơi rất có tính toán" khi kêu gọi đặt các vùng lãnh thổ do Ukraine kiểm soát nằm dưới sự bảo trợ của NATO nhưng không có gì đảm bảo Ukraine sẽ là bên thắng cuộc.
"Ông ấy biết rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump sắp gây sức ép lên cả Ukraine và Nga. Ông ấy đã sắp xếp để có thứ gì đó đề nghị với ông Trump về kế hoạch chấm dứt xung đột", ông Brenton phân tích.
Hiện Nga đang tiến quân ở Donbass với tốc độ nhanh nhất kể từ khi xung đột nổ ra và hiện nắm quyền kiểm soát khoảng 18% lãnh thổ Ukraine. Trong khi đó, tại Kursk, lực lượng Kiev cũng đang bị đẩy lùi về bên kia biên giới sau khi Moscow mở đợt phản công lớn trong thời gian gần đây.
Áp lực quân sự từ phía Nga, cộng thêm khả năng dòng chảy viện trợ từ Mỹ bị cắt đứt sau khi ông Trump trở lại Nhà Trắng đã buộc Ukraine phải đảo ngược các quyết định trước đó nhằm tháo gỡ nút thắt hiện tại.