Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hành trình đổi mạng sống lấy "cụ" sâm Ngọc Linh hơn 100 năm tuổi

(DS&PL) -

Trong những lần tìm sâm, không ít người đã phải bỏ mạng, thế nhưng cũng không phải không có người may mắn gặp “cụ” sâm hơn 100 năm tuổi.

Để tìm kiếm được những gốc sâm quý, người dân phải đi bộ nhiều ngày liền trong rừng. Họ chống chọi với biết bao khó khăn, đêm ngủ lo ngay ngáy thú rừng “hỏi thăm”. Trong những lần tìm sâm, không ít người đã phải bỏ mạng, thế nhưng cũng không phải không có người may mắn gặp “cụ” sâm.

“Mót” sâm rừng

Nhiều đồng bào trên núi Ngọc Linh cho biết, khi “sốt” sâm, người người, nhà nhà đều vào rừng. Không chỉ đàn ông mà cả phụ nữ lẫn trẻ em đều vào rừng tìm sâm. Từng con suối, hòn đá bị bới tìm. Lẽ tự nhiên, khi bị tận diệt, sâm dần hết.

Ông Hồ Văn Vinh - ngụ xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, trước đây, sâm rừng nhiều nhưng bây giờ rất hiếm. Chừng 3 năm trở lại đây, ông không còn nhìn thấy sâm núi chừng 500g trở lên nữa. Thi thoảng, người dân vào rừng, trúng mánh cũng chỉ tìm được những củ sâm bằng ngón chân cái.

Nhiều đoàn vào rừng cả tháng, vượt từ ngọn núi này đến ngọn núi khác, chịu không biết bao nhiêu khổ cực nhưng ra về tay không. Người dân chán nản nên bỏ dần thói quen vào rừng tìm sâm. Mặc dù vậy, hiện vẫn còn một số người nuôi hy vọng tìm được sâm để đổi đời.

A Tiên cho biết: “Thói quen rồi, không vào rừng tìm sâm thì chẳng biết phải làm gì khác để kiếm tiền. Ở đây, đồng bào khó khăn, mỗi ngày kiếm được vài chục đến trăm nghìn là giá trị lắm rồi”. Trước thông tin, sâm trong rừng đã hết, A Tiên khẳng định: “Vẫn còn, chưa hết đâu. Nhưng giờ ít lắm, phải vào rừng sâu mới tìm thấy”.

A Tiên chia sẻ: “Thật ra, bây giờ, mọi người đi mót sâm là nhiều. Gọi là mót vì đi tìm lại những nơi trước đây đã đào hết sâm, còn coi cây nào sót lại hay không”.

Theo A Tiên, đồng bào Xê Đăng, Ca Dong tụ tập thành từng toán chừng 10 người, xách gạo, muối, thức ăn... Họ lên đường từ lúc tờ mờ sáng, đi chừng 2 đến 3 ngày mới đến chỗ đóng trại. Sau đó, họ tỏa ra nhiều nơi để tìm. Nếu tìm được, họ sẽ chia nhau thành quả. Nhiều lúc, vì muốn tìm được sâm, có nhóm phải lặn lội vào rừng sâu, tìm đến những cung đường hiếm người đặt chân vào. Thậm chí, có những nhóm lặn lội sang hẳn bên kia núi Ngọc Linh thuộc tỉnh Kon Tum để tìm. Thế nhưng, không ít lần, họ trở về tay trắng.

A Tiên cười cho biết, trước đây, có thời gian, đồng bào thấy chán nản vì số lượng sâm tìm được ngày càng ít. Tuy nhiên, cách đây chưa lâu, thông tin cha con ông Hồ Văn Hạnh ở làng Tu Cring, xã Trà Linh trúng củ sâm gần 1kg, tuổi đời hơn 100 năm bán được số tiền lớn lại thổi bùng ước mơ tìm được sâm của người dân. Do đó, nhiều đoàn người lại tiếp tục vào rừng lùng sục nhưng vẫn không nhận được nhiều thành quả.

Bỏ mạng giữa rừng sâu

Anh Hồ Văn Đài (ngụ làng Tắk Ngo, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) cho biết, ước mơ giàu có từ gốc sâm rừng đã khiến không ít người đổi cả mạng sống. Vào tháng Ba 5 năm trước, khi cơn sốt lên cao nhưng sâm đã cạn, lúc này, mỗi kg sâm có giá 30 đến 50 triệu đồng. Đó là số tiền mơ ước của người dân nơi đây. Do đó, mọi người kéo nhau vào rừng lùng sục.

Anh Hồ Văn Dinh cũng nối bước. Anh Dinh theo chân đồng bào, lội 5 ngọn núi, mất 3 ngày mới đến được chỗ cắm trại. Nơi này vẫn còn khá hoang sơ, cây cối um tùm, có nhiều gốc gỗ lớn tầm hai, ba người ôm. Cả đoàn tin rằng, lần này sẽ tìm được nhiều sâm.

Sau một đêm nghỉ ngơi, khi mặt trời vừa qua kẽ lá cũng là lúc mọi người tỏa ra tìm sâm. Anh Dinh trên tay chiếc rựa, vai đeo ba lô lầm lũi bước vào rừng sâu. Theo lời hẹn, 3 ngày sau, mọi người lại tụ tập tại lán trại để xem thành quả. Mọi người chờ hoài nhưng vẫn không thấy anh Dinh trở về. Nghi ngờ có điều chẳng lành, cả đoàn lại tỏa ra tìm suốt gần một tuần nhưng vẫn bặt vô âm tín. Khi lương thực đã cạn, mọi người đành trở về. Đến nay, phu sâm này vẫn mất tích. Riêng ngọn núi ấy, người dân Xê Đăng, không ai tìm đến nữa.

Trong các cuộc trò chuyện, người dân vẫn còn nhắc về sự “ra đi” của anh em Hồ Văn Thinh và Hồ Văn Vui. Gần 10 năm trước, anh em Thinh vì không muốn chia sâm với người khác nên họ xách gạo, muối vào rừng.

Trước khi đi, anh Thinh vẫn còn nói đùa với mọi người: “Sẽ tìm được củ sâm lớn nhất từ trước đến nay mới trở về”. Vài tháng trôi qua, hai người vẫn bặt vô âm tín. Lúc đầu, mọi người vẫn còn bàn tán về sự ra đi của hai anh em này. Theo thời gian, nỗi nhớ về họ cũng vơi dần. Ba năm sau, tưởng chừng người dân tại xã Trà Linh đã quên mất anh em Thinh thì một nhóm phu sâm phát hiện hai bộ xương bên một gốc cây.

Nhờ vào chiếc rựa đã gỉ khắc tên, mọi người mới nhận diện, hai bộ xương ấy chính là anh em Thinh và Vui... Người dân ở đây quyết định không đưa hai bộ xương ấy trở về vì: “Họ đã thuộc về núi rừng thì cứ để họ an nghỉ ở đó”. Đến bây giờ, khi nhắc câu chuyện này, đôi mắt của đồng bào nơi đây vẫn còn hiu hắt.

Cơ duyên của Giàng

Theo lời chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến gia đình ông Hồ Văn Hạnh (làng Tu Cring, xã Trà Linh). Ông Hạnh đón tiếp nhóm khách lạ với nụ cười tươi. Trước đó, không ít người đồn đoán về việc ông Hạnh tìm được củ sâm nặng gần 1 kg, tuổi đời hơn 100 năm và bán được 200 triệu đồng. Trước thông tin này, ông phân trần: “Đúng là cha con tôi tìm được một củ sâm như thế. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ bán được 90 triệu đồng”.

Anh Chiêu và cha may mắn từng tìm được cụ sâm.

Ông kể, người dân ở đây mỗi khi rảnh rỗi lại vào rừng tìm sâm. Giữa tháng 6/2016, ông cùng con trai là Hồ Văn Chiêu dắt díu nhau vào rừng. Cha con ông đi suốt 7 tiếng, đến một ngọn đồi lưng chừng dãy núi Ngọc Linh. Lùng sục suốt một ngày liền, cha con ông phát hiện một cây sâm có củ nặng khoảng 50g. Lần ấy, ông đưa củ sâm bán cho người phụ nữ bán tạp hóa Nguyễn Thị Hồng Th. với giá 1 triệu đồng. Trong lúc trao đổi, chị Th. nghi, khu vực tìm được củ sâm này vẫn còn nhiều cây sâm có giá trị khác và động viên cha con ông Hạnh nên trở lại tìm.

Hình ảnh "cụ" sâm vẫn được anh Chiêu lưu giữ.

Tối ấy, ông Hạnh bàn với con trai quay trở lại khu rừng. Cuối tháng, hai cha con lại lội bộ 7 giờ đồng hồ đường rừng. Nhờ những dấu hiệu đã đánh dấu trước đó, cha con ông Hạnh tìm về đúng chỗ cũ. Sau một ngày tìm, hai người vẫn không phát hiện cây sâm nào. Trong lúc mệt, họ ngồi nghỉ dưới một gốc cây cổ thụ. Chàng trai tuổi 17 bất ngờ phát hiện cây sâm cạnh chỗ mình ngồi vui mừng nói với cha. Ông Hạnh quay sang, nhìn kỹ thì thấy có 5 nhánh sâm nên ngỡ là 5 gốc sâm. Ngay lập tức, họ lấy dụng cụ, vạch lá ra đào. Ông bất ngờ phát hiện, củ sâm có đến 5 nhánh. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ đào, cha con ông sở hữu gốc sâm cổ dài gần 1m với rất nhiều đoạn. Trong đó, có một phần củ đã bị chuột rừng ăn.

Sau đó, cha con ông Hạnh mang về, bán cho chị Th. với giá 90 triệu đồng. Riêng chị Th., thông qua facebook, “mai mối” bán cho một người ở TP.HCM giá 250 triệu đồng với giao kèo “phải mang vào tận nơi”. Lúc di chuyển, một nhánh sâm bị gãy nên người này từ chối giao nhận. Sau đó, chị Th. tiếp tục giao kèo với một đại gia khác và bán gốc sâm này với giá 200 triệu đồng.

Anh Chiêu cho biết, không hối tiếc khi mình là người vất vả, lặn lội vào rừng nhưng chỉ thu được 90 triệu đồng, trong khi đó, chị Th. chỉ đứng giữa làm “cò” nhưng lại thu lợi 110 triệu đồng. “Chính chị Th. là người động viên cha con tôi quay trở lại khu rừng ấy để tìm sâm. Tìm được “cụ” sâm là cái duyên cũng là phần thưởng thần núi và Giàng ban tặng. Chúng tôi được hưởng chừng ấy là được rồi”, anh Chiêu chia sẻ.

Già làng Hồ Văn Suốt (làng Đắk Ngo, xã Trà Linh) tâm sự: “Ngày sâm còn nhiều, người dân ở đây chẳng ai biết chính xác giá trị. Khi sâm được mua bán nhiều, người dân chỉ nghĩ đến việc làm sao vào rừng hái thật nhiều để bán được nhiều tiền. Nhưng, cũng không ít người mãi nằm lại ở rừng trong những chuyến tìm sâm. Đến bây giờ, những người dân vào rừng tìm sâm vẫn còn rất lo lắng vì thú dữ”

Huy Cường - Nhâm Thân

Tin nổi bật