Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hàng trăm vỏ bình gas bị Quản lý thị trường thu giữ vì có dấu hiệu “bất thường”

(DS&PL) -

Mới đây, chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện hơn 600 vỏ bình gas có giá trị hàng trăm triệu đồng đang được mang đi bán sắt vụn.

Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội vừa phát hiện hơn 600 vỏ bình gas có giá trị hàng trăm triệu đồng đang được mang đi bán sắt vụn.

Thời gian gần đây, trên thị trường gas ở Hà Nội và một số tỉnh như: Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam… đã liên tục xuất hiện các bình gas giả được bán ra thị trường. Điều này khiến người tiêu dùng hoang mang, còn doanh nghiệp sản xuất gas uy tín thì khốn đốn với những chiêu trò ăn cắp của các công ty làm gas lậu.

Khi xảy ra sự cố, bình gas là của công ty A nhưng lại bị công ty B chiếm dụng. Nếu cơ quan chức năng không làm rõ trách nhiệm thì hầu như người tiêu dùng không được đền bù thiệt hại. Đương nhiên, người dân sẽ rơi vào cảnh tiền mất, tật mang.

Khi có vụ việc xảy ra hoặc bị phát hiện các công ty ăn cắp bình gas sẽ tìm cách phủi tay nhanh chóng. Họ nói rằng, bình này không phải của họ. Chỉ vì thương hiệu của họ quá nổi tiếng nên bị các đơn vị khác làm giả để bán ra thị trường.

Hàng trăm bình ga bị mài mòn nhãn hiệu

Theo tin trên Tuổi trẻ, ngày 25/5, Công an Tây Ninh đã thu giữ trên 6.000 vỏ bình gas các loại được Công ty TNHH TM SX Thái Dương thay quai xách, chân đế bình... Trong đó có nhiều vỏ bình gas của các doanh nghiệp khác bị mài mòn nhãn hiệu, thay thế bằng nhãn hiệu Thái Dương.

Theo Công an Tây Ninh, sau khi tái chế thành nhãn hiệu Thái Dương, các vỏ bình gas này được công ty bán lại cho khách hàng, đại lý cả trong lẫn ngoài tỉnh Tây Ninh. 

Toàn bộ vỏ bình gas trên không có kiểm định tại kho, chứng nhận chất lượng từ các cơ quan chức năng nên không đảm bảo an toàn chất lượng cho người sử dụng.

Tiếp đó, đến ngày 8/6, Chi cục Quản lí thị trường Tây Ninh lại tạm giữ thêm 220 vỏ bình gas của Công ty TNHH TM SX Thái Dương do có dấu hiệu làm giả nhãn hiệu.

Còn theo tin từ VTC, mới đây nhất, ngày 11/9, Đội Quản lý Thị trường số 17 (chi cục QLTT Hà Nội) đã phát hiện một chiếc xe tải mang BKS: 89C – 122.19 do lái xe Trương Ngọc Tân điều khiển chở 639 vỏ bình gas mang nhãn hiệu Petro Hồng Hà có dấu hiệu vi phạm.

Thời điểm kiểm tra, toàn bộ số vỏ bình gas này không còn nguyên vẹn, có dấu hiệu bị hủy hoại, các bình gas đều đã bị tháo bỏ van bình.

Số lượng bình gas bị thu giữ

Trước sự việc trên, đoàn kiểm tra của đội QLTT số 17 đã yêu cầu lái xe xuất trình giấy tờ liên quan đến lô hàng. Tuy nhiên, ngoài phiếu xuất nhập hàng của công ty CP Hải Dương Gas (địa chỉ: Lô CN5B, Khu CN Lai Vu, Kim Thành, Hải Dương) ký ngày 11/9/2017 có nội dung xuất lô hàng 700 vỏ bình gas, bán cho khách hàng Vũ Mạnh Trường với số tiền 66.310.000 đồng, cùng phiếu cân xe với nội dung cân hàng là “cân sắt vụn”, lái xe Tân không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của lô hàng trên.

Theo lời khai ban đầu của lái xe Tân, anh chỉ là lái xe thuê, còn chủ sở hữu thực sự của lô hàng trên là bà Phan Thị Hạnh (trú xã Xuân Trúc, Ân Thi, Hưng Yên). Anh Tân nhận lệnh của bà Hạnh chở số hàng này từ công ty CP Hải Dương Gas đến cơ sở nấu thép của Công ty Tân Minh (địa chỉ ở khu Thủy Lợi II, xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

Trong khi đó, chủ lô hàng là bà Phan Thị Hạnh cũng xác nhận sự việc trên và cho biết, đây là lần đầu tiên bà giao dịch với Công ty Hải Dương Gas và bà cũng không tự ý tháo bỏ van bình gas, khi lái xe nhận lô hàng thì toàn bộ số vỏ bình gas đã được tháo van. Sau đó, bà Hạnh có liên lạc lại với phía Công ty Hải Dương Gas nhưng bất thành.

Cơ quan chức năng kiểm tra số lượng bình gas bị thu giữ

Trong một diễn biến khác, đại diện Công ty Hải Dương Gas là ông Lê Văn Đức cũng đã xác nhận, toàn bộ phiếu cân, phiếu nhập xuất kho lô hàng nói trên là của công ty này. Ông Đức cũng khẳng định, 639 vỏ bình gas mang nhãn hiệu Petro Hồng Hà là của Công ty TNHH TM Trần Hồng Quân.

Trong quá trình trao đổi vỏ, Công ty Hải Dương Gas có điện thoại cho Công ty Trần Hồng Quân xuống nhận nhưng công ty này không nhận vì lý do van bình đã bị hỏng. Cũng chính từ đó, Công ty Hải Dương Gas đã tự ý tháo van của các bình gas này rồi bán lại cho bà Hạnh. Đại diện công ty này cũng cho biết, việc bà Hạnh mua lại số bình gas này để làm gì họ cũng không biết.

Tiếp đến, ngày 14/9, Đội Quản lý thị trường số 7 đã phối hợp với Đội 8 PC46 (Công an Hà Nội) kiểm tra đối với Công ty TNHH sản xuất và cung ứng vật tư Hà Nội - Vạn Lộc Gas (Lô CN4, Khu công nghiệp Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội) và người đại diện pháp luật là ông Phan Văn Hùng.

Quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện công ty này đang lưu giữ 9.000 vỏ bình gas nhãn hiệu Hồng Hà của Công ty TNHH TM Trần Hồng Quân, 6.000 vỏ bình gas nhãn hiệu Sellan, Thăng Long Đất Việt, Venus của Công ty TNHH MTV gas Venus không có hóa đơn chứng từ chứng minh xuất xứ, nguồn gốc lô hàng. Đội Quản lý thị trường số 7 cũng đã tạm giữ niêm phong số vỏ bình gas nói trên để kiểm tra làm rõ.

Ông Lê Văn Anh - đại diện Hồng Hà Gas bức xúc nói: Để sản xuất ra những chiếc bình này, chúng tôi mất chi phí khoảng 500 đến 700 nghìn đồng, trong đó 80% là chi phí cho chiếc van và thân bình, 20% còn lại là cho tai và đế gas. Phần vỏ bình của Hồng Hà Gas chúng tôi làm bằng thép SG255, dày 2.6mm theo tiêu chuẩn JIS G3116. Nếu các doanh nghiệp khác chiếm dụng bình, thay tai và đế là họ đã giảm được đến 80% chi phí sản xuất.

Chỉ tay vào một bình gas có dấu hiệu được làm giả, ông Văn Anh giải thích: Chiếc bình này được ăn cắp một cách trắng trợn. Tai, thân bình và đế đều được in chữ dập nổi là của hãng Vina Gas nhưng chúng đã in chữ Đại Lộc Gas đè lên thân bình. Không chỉ ăn cắp vỏ bình của doanh nghiệp Vina Gas, chúng còn ghi địa chỉ sản xuất và nguồn gốc xuất xứ để đánh lừa người tiêu dùng.

Chi cục Quản lý Thị trường nói gì?

Trao đổi thông tin về vụ việc, ông Nguyễn Đắc Lộc – Phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, qua thông tin của người tiêu dùng và trinh sát phòng cháy, Đội Quản lý thị trường số 17 đã phát hiện ra phương tiện vận chuyển khí hóa lỏng nói trên đi vào khu vực của những hộ kinh doanh thu gom rác thải cho nên đã chỉ đạo tổ chức kiểm tra.

“Trước mắt chúng tôi nhận thấy bà Hạnh có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa không có hóa đơn chứng từ. Chúng tôi sẽ chuyển cho cơ quan thuế để xử lí vụ việc này.

Việc công ty Hải Dương Gas bán vỏ bình cho bà Hạnh cần phải làm rõ thêm. Vì đây là tài sản có giá trị trên 60 triệu đồng mà lại đưa vào bãi phế liệu. Trước mắt có thể thấy đây là một hành vi gây lãng phí.

Còn việc có dấu hiệu hình sự hay không thì chúng tôi đang xác minh để làm rõ mối quan hệ của những người trong vụ việc này. Sau khi hoàn thiện hồ sơ, chúng tôi sẽ có cuộc họp với các cơ quan khác, nếu có dấu hiệu của việc chiếm giữ tài sản trái phép thì chúng tôi sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự” – ông Lộc nói.

Về việc tạm giữ 15.000 vỏ bình gas của công ty Vạn Lộc, đại diện chi cục QLTT Hà Nội cũng cho biết, sau khi có thông tin phản ánh, lãnh đạo chi cục QLTT Hà Nội tiếp tục phân công đội QLTT số 17 phối hợp với PC46 kiểm tra Vạn Lộc Gas ở Nguyên Khê (Đông Anh, Hà Nội). Đơn vị đã tạm giữ 15.000 vỏ bình gas mang nhãn hiệu Hồng Hà gas và 1 số nhãn hiệu khác.

“Việc có dấu hiệu hình sự hay không, đơn vị đang xác minh để làm rõ mối quan hệ của những người trong vụ việc này. Sau khi hoàn thiện hồ sơ chúng tôi sẽ có cuộc họp với các cơ quan khác, nếu có dấu hiệu của việc chiếm giữ tài sản trái phép thì chúng tôi sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự”, vị đại diện cho biết.

Ông Lộc cũng cảnh báo các doanh nghiệp, khi phát hiện các đơn vị sai phạm thì báo ngay cho cơ quan chính quyền địa phương để có phương án xử lí kịp thời.

(Tổng hợp)

Tin nổi bật