(ĐSPL) - Ngày 14/2, hàng nghìn người dân đã được vào viếng ông Nguyễn Bá Thanh, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương, tại nhà riêng.
Theo thông báo của ban tổ chức lễ tang, thời gian được vào viếng ông Nguyễn Bá Thanh là lúc 14h30 chiều 14/2. Tuy nhiên, mới 12 giờ trưa, đã có hàng nghìn người đến trước cổng nhà ông Thanh xếp hàng đợi đến giờ để vào viếng.
Hàng ngàn người đã đến viếng ông Nguyễn Bá Thanh. Mặc dù trời nắng nhưng không ai quản ngại. |
Đến 13h30, người dân xếp hàng ngay ngắn bên phải cửa nhà ông Nguyễn Bá Thanh, rất nhiều người mang theo vòng hoa để kín cả một khu đất trước nhà ông. Theo ghi nhận của PV báo Đời sống và Pháp luật, mới đầu giờ chiều nhưng tất cả các bãi giữ xe miễn phí cho người dân vào tham dự đám tang đã bắt đầu kín chỗ.
Đúng 14h30, các cơ quan ban ngành, đoàn thể cùng người dân được vào viếng ông Nguyễn Bá Thanh. Hàng nghìn người nối đuôi nhau chầm chậm tiến vào ngôi nhà số 198 Cách Mạng Tháng Tám, mang theo một nỗi tiếc thương vô hạn. Tất cả mọi người đều lặng lẽ, giữ trật tự. Tuy người vào viếng rất đông nhưng không gây ra một sự xáo trộn nào.
Hai cụ già xếp hàng cùng nhau vào viếng ông Nguyễn Bá Thanh. |
Đến viếng ông Nguyễn Bá Thanh vào 14/2 có cô giáo Nguyễn Thị Bằng (86 tuổi) - nguyên Hiệu phó trường học sinh miền Nam Đông Triều, Quảng Ninh. Cô là người từng giảng dạy cho sinh viên miền Nam, trong đó có ông Nguyễn Bá Thanh.
Những người học trò của cô cũng là bạn cùng lớp với ông Thanh ngày xưa cho biết: “Do tuổi cao nên hiện tại sức khỏe của cô Bằng không được tốt. Nhưng khi nghe tin ông Nguyễn Bá Thanh lâm bệnh và qua đời, bà đã yêu cầu mọi người đưa mình tới căn nhà số 198 Cách Mạng Tháng Tám để thắp nén hương trước hương hồn ông”.
Cô Bằng chia sẻ: “Nghe tin ông Thanh qua đời, tôi rất đau buồn. Không chỉ có tôi mà người dân cả nước đều đau buồn. Tết năm nào dù có bận rộn với công việc nhưng ông Thanh vẫn sắp xếp thời gian để đến thăm cô và họp lớp cùng bạn bè. Nhưng năm này cô đã vĩnh viễn mất đi một người học trò giỏi giang và ngoan hiền”.
Người nước ngoài cũng đến đám tang của ông Bá Thanh. |
Đến viếng ông Nguyễn Bá Thanh còn có ông Hồ Văn Long, người đồng bào Cơtu (73 tuổi, trú thôn Phú Túc xã Hòa Phú huyện Hòa Vang) cho biết: “Ông và người đồng bào Cơtu vô cùng thương tiếc khi nghe được tin ông Thanh mất, nhưng do bà con không đủ kinh phí để xuống viếng thăm, nên ông đại diện bà con xuống đây thắp nén hương để bày tỏ lòng thành kính, lòng biết ơn vô hạn trước anh linh của ông Nguyễn Bá Thanh”.
Ông chia sẻ thêm: “Cuộc sống của đồng bào dân tộc Cơtu trước kia vô cùng khó khăn nhưng được ông Nguyễn Bá Thanh quan tâm xây nhà, làm đường, bắt điện, cho heo, cho trâu, bò và cho tiền ăn tết nên hiện nay, đời sống của bà con Cơtu đã đỡ khổ hơn trước. Ông Thanh là ân nhân của đồng bào Cơtu, chúng tôi không bao giờ quên ông được”.
Ông Đặng Văn Long, 57 tuổi, trú tại Hòa Xuân, Cẩm Lệ, xúc động đem đến một bài thơ và một đoạn văn nói về công lao của ông Nguyễn Bá Thanh với người dân Đà Nẵng. |
Đến 17h, người dân vẫn tiếp tục đến viếng ông Nguyễn Bá Thanh rất đông. Càng đến cuối buổi chiều, dòng người xếp hàng cứ kéo dài mãi. Mọi người chỉ lo không kịp được vào viếng ông. Gần 18h, dòng người vẫn đổ về căn nhà của ông tại số 198 Cách Mạng Tháng Tám xếp hàng để được vào bên trong phúng viếng.
Trong tâm trạng tiếc thương vô hạn, ông Đặng Văn Long (57 tuổi, trú Cẩm Chánh, Hòa Xuân, Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) đã viết một bài văn và một bài thơ nói về nói về công lao của ông Nguyễn Bá Thanh với người dân Đà Nẵng.
Nhiều người dân chia sẻ, nếu ngày 14/2 hết giờ vào phúng viếng mà chưa đến lượt, ngày mai họ sẽ quay lại để được thắp nén nhang cho ông Nguyễn Bá Thanh.