Đêm ngày 30/4, hàng ngàn du khách và người dân địa phương đổ về tham quan, mua sắm, ăn uống tại chợ đêm Đà Lạt. Một số người bung dù hoặc mặc áo mưa nhưng đa số vẫn đầu trần dạo bộ ở chợ đêm và khu vực lân cận dưới làn mưa phùn. Gần 200 quầy sạp đầy ứ hàng hóa tất bật phục vụ du khách tại chợ đêm; tiếng rao và mời chào râm ran.
Cảnh tượng đông nghịt tại khu vực chợ đêm Đà Lạt tối ngày 30/4.
Theo ghi nhận của PV Tri Thức Trực Tuyến, vào khoảng 19h, dòng người bắt đầu đổ về chợ đêm Đà Lạt. Đây là một địa điểm ăn uống không thể bỏ qua với những món ăn vặt như xiên nướng, bánh tráng nướng...
Các khu vực ăn uống ngay trong chợ đông nghịt người. Các món nướng, lẩu thu hút nhiều thực khách trong thời tiết se lạnh tại Đà Lạt.
Gian hàng thịt xiên nướng, sữa đậu nành, bánh tráng nướng bên cạnh Hồ Xuân Hương thu hút nhiều người xếp hàng chờ, khách ăn ngồi kín chỗ.
Sáng ngày 1/5, ông Lê Anh Kiệt, Trưởng phòng Văn hóa thông tin TP. Đà Lạt, Lâm Đồng, cho biết mặc dù thời tiết không thuận lợi, mưa phùn do ảnh hưởng của áp thấp trên Biển Đông, nhưng trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, TP. Đà Lạt ước tính đón gần 29.000 lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng; trong đó có gần 23.000 lượt khách đăng ký lưu trú, theo báo Thanh Niên.
Càng về khuya, chợ đêm Đà Lạt và các con đường xung quanh càng nhộn nhịp và tấp nập hơn.
Cũng theo ông Kiệt, so với đêm 30/4 năm ngoái (2021), TP. Đà Lạt đón 39.000 lượt khách, năm nay giảm khoảng 36%. Nguyên nhân bởi chiều 29/4, khi biết áp thấp nhiệt đới gây mưa ở nhiều địa phương trong cả nước, hàng chục khách sạn ở Đà Lạt bị hủy phòng vì du khách lo ngại thời tiết xấu kéo dài.
Tình trạng ùn ứ có xảy ra nhưng không quá nghiêm trọng.
Du khách che ô dưới trời mưa phùn.
Tuy dịp lễ này địa bàn Đà Lạt có mưa, nhưng tại Quảng trường Lâm Viên, hồ Xuân Hương, các khu du lịch nổi tiếng tại Đà Lạt như Vườn hoa Thành phố, Thung lũng Tình Yêu, thác Datanla; Đường hầm điêu khắc… vẫn nhộn nhịp du khách.
Bích Thảo (T/h)
Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến, Tiền Phong, Pháp luật & Bạn đọc