Sử dụng các dữ liệu này, những kẻ cực đoan đang kêu gọi tiến hành 1 chiến dịch quấy rối trong khi chia sẻ thuyết âm mưu về đại dịch Covid-19.
Theo nhóm tình báo SITE- tổ chức chuyên theo dõi các nhóm khủng bố và cực đoan trên mạng, gần 25.000 địa chỉ email và mật khẩu thuộc về các thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), Quỹ Bill & Melinda Gates cũng như nhiều tổ chức khác ở tuyến đầu của cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 đã bị đăng tải trên mạng.
SITE cho hay, các thông tin bị đánh cắp đã được công bố vào 2 ngày 19 và 20/4, gần như ngay lập tức được sử dụng để kích động sự quấy rối và thù ghét của những kẻ cực đoan.
Tòa nhà của WHO ở Geneva, Thụy Sỹ. Ảnh: Reuters |
Rita Katz - Giám đốc điều hành của SITE cho biết: “Sử dụng các dữ liệu này, những kẻ cực đoan đang kêu gọi tiến hành 1 chiến dịch quấy rối trong khi chia sẻ thuyết âm mưu về đại dịch Covid-19. Việc phát tán những email được cho là bị đánh cắp này là 1 phần của kế hoạch kéo dài nhiều tháng qua nhằm vũ khí hóa dịch bệnh Covid-19”.
Theo thống kê của SITE, địa chỉ email và mật khẩu bị đăng tải có 9.938 thông tin được cho là thuộc về Cơ quan Y tế quốc gia Mỹ, 6.857 thông tin thuộc về Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), 5.120 của Ngân hàng Thế giới (WB) và 2.732 thông tin thuộc về WHO.
Quỹ từ thiện Gates, cũng là nạn nhân của tin tặc, tuần trước tuyên bố sẽ quyên góp 150 triệu USD để chống lại Covid-19 sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ rút hàng triệu USD tiền tài trợ trong cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Vụ tấn công mạng cũng nhằm vào Viện Virus học Vũ Hán của Trung Quốc. Mỹ đang điều tra liệu nguồn gốc của virus có bắt nguồn từ phòng thí nghiệm của cơ sở này hay không.
Trong thông báo hôm 22/4, Cơ quan Y tế quốc gia Mỹ cho biết sẽ đưa ra hành động thích hợp để ngăn chặn việc đe dọa an ninh mạng. Trong khi đó WHO, WB và Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ vẫn chưa đưa ra thông tin nào. FBI cũng từ chối bình luận.
Phát ngôn viên của Twitter, Katie Rosborough cho biết “Chúng tôi nhận thức được hoạt động của nhóm người dùng đã đăng tải dữ liệu này và đang thực hiện ngăn chặn theo quy tắc của chúng tôi, đặc biệt là chính sách bảo mật thông tin cá nhân. Chúng tôi cũng đang xóa hàng loạt các URL liên kết đến trang web chứa bộ dữ liệu được đề cập”.
Theo thống kê từ hơn 500 triệu mật khẩu bị rò rỉ trong các vụ vi phạm dữ liệu khác nhau năm 2019, công ty bảo mật NordPass, ‘password’ là cụm mật khẩu phổ biến thứ 4 chỉ sau các mật khẩu ‘12345’, ‘123456’, và ‘123456789’.
Có đến 830.846 người đặt mật khẩu là ‘password’, Bên cạnh đó nhiều người cũng đặt mật khẩu là tên của họ. Kiểu mật khẩu chứa tên nữ phổ biến bao gồm Nicole, Jessica, Hannah, v.v. cũng được tìm thấy nhiều trong các vụ vi phạm dữ liệu.
Vũ Đậu (T/h)