Những trường đại học tuyển sinh theo phương thức xét học bạ cùng các điều kiện kèm theo
Theo TTXVN, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội yêu cầu điều kiện đăng ký xét tuyển học bạ Trung học Phổ thông đối với các ngành đào tạo giáo viên là: Học sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024 có hạnh kiểm tất cả 6 học kỳ cấp Trung học Phổ thông đạt loại Tốt và học lực 3 năm đạt từ Giỏi trở lên.
Riêng đối với ngành sư phạm tiếng Pháp, nếu thí sinh là học sinh hệ song ngữ tiếng Pháp thì điều kiện về học lực là lớp 12 đạt loại Giỏi; đối với ngành sư phạm Công nghệ, điều kiện về học lực là lớp 12 đạt loại Giỏi.
Học sinh đăng ký xét tuyển vào đại học. Ảnh: Dân Trí
Đối với các ngành khác (ngoài sư phạm), thí sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024 có hạnh kiểm tất cả 6 học kỳ và học lực 3 năm cấp Trung học Phổ thông đạt từ Khá trở lên.
Xét tuyển học bạ cũng là một trong các phương thức xét tuyển được Trường Đại học Giao thông Vận tải duy trì năm nay. Trường sử dụng kết quả học tập Trung học Phổ thông để xét tuyển với hầu hết các ngành tuyển sinh.
Điều kiện là thí sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông có tổng điểm ba môn học trong tổ hợp xét tuyển (điểm trung bình lớp 10 cộng điểm trung bình lớp 11 cộng điểm trung bình lớp 12) cộng điểm ưu tiên (nếu có) từ ngưỡng điểm được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trở lên (ngưỡng điểm được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào từng ngành sẽ thông báo chi tiết sau), trong đó điểm của ba môn trong tổ hợp xét tuyển không có điểm trung bình môn nào dưới 5,50 điểm.
Với thí sinh dùng tổ hợp xét tuyển có môn tiếng Anh có thể sử dụng chứng chỉ IELTS từ 5.0 trở lên (còn hiệu lực đến ngày xét tuyển) thay thế cho điểm học bạ môn tiếng Anh và được quy đổi theo quy định của nhà trường.
Năm 2024, Trường Đại học Ngoại thương dự kiến tuyển 4.130 sinh viên cho trụ sở chính ở Hà Nội và hai cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh. Trường sử dụng các phương thức tuyển sinh tương tự năm ngoái. Trong đó, trường xét học bạ Trung học Phổ thông với ba nhóm thí sinh: tham gia kỳ thi học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật quốc gia; đạt giải ba trở lên kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố; là học sinh trường chuyên.
Điểm mới là với phương thức sử dụng điểm học bạ, Trường Đại học Ngoại thương yêu cầu thí sinh phải đạt tối thiểu 24 điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông trở lên, theo tổ hợp xét tuyển.
Trường Đại học Thương Mại cũng dành chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào tổng điểm trung bình 3 năm Trung học Phổ thông của các môn trong tổ hợp xét tuyển, đối với các thí sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông từ các trường chuyên trọng điểm trên toàn quốc.
Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Trên thực tế, kết quả học tập ở bậc Trung học Phổ thông là một trong các kênh thông tin quan trọng để đánh giá năng lực, khả năng học tập… của thí sinh. Quy chế tuyển sinh yêu cầu các cơ sở đào tạo có trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong việc xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh. Các trường cũng cần phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hằng năm theo các phương thức, tổ hợp xét tuyển khác nhau.
Nhiều trường đại học nhận hồ sơ xét tuyển bằng học bạ đợt một từ tháng 1.
Ở miền Bắc, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) thông báo nhận hồ sơ xét tuyển từ ngày 10 đến 31/1.
Năm nay, USTH dự kiến tuyển 1.050 sinh viên, tăng 100 chỉ tiêu so với năm 2023. Nhà trường tổ chức 3 đợt tuyển sinh trong đó 2 đợt trước kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và một đợt sau kỳ thi tốt nghiệp.
Với phương thức liên quan tới học bạ, trường kết hợp điểm học tập THPT và phỏng vấn. Để nộp hồ sơ, thí sinh phải có điểm trung bình cộng các môn toán, lý, hóa, sinh, tin của năm lớp 11 và học kỳ I hoặc cả năm lớp 12 (tùy đợt) từ 8,8-9,2/10 trở lên. Riêng ngành dược học, ngoài điều kiện này, thí sinh cần có thêm chứng chỉ tiếng Anh IELTS tối thiểu 5.0 hoặc TOEFL iBT 35 điểm.
Nhiều trường đại học miền Nam cũng đã bắt đầu nhận hồ sơ từ đầu tháng 1. Điểm chung là các trường có nhiều đợt xét tuyển học bạ, kéo dài đến cuối năm. Mỗi trường, ngành có thể đưa ra các điều kiện riêng, đặc biệt ở nhóm sức khỏe, giáo dục mầm non, tiểu học, nghệ thuật.
Nhiều trường đại học nhận hồ sơ xét tuyển bằng học bạ đợt một từ tháng 1. Ảnh minh họa
Trường Đại học Văn Lang (VLU) bắt đầu mở cổng nhận hồ sơ đăng ký tuyển sinh theo phương thức xét kết quả học tập THPT (học bạ) đợt 1 từ 15/1.
Thí sinh có thể xét tuyển vào 60 ngành đào tạo bậc đại học hệ chính quy (chương trình tiêu chuẩn) và 14 chương trình đào tạo đặc biệt.
Đối với thí sinh xét tuyển vào các ngành năng khiếu (vẽ, âm nhạc, sân khấu điện ảnh), ngoài hồ sơ học bạ THPT, thí sinh xét tuyển cần bổ sung kết quả thi năng khiếu.
Thí sinh xét tuyển vào các ngành sức khỏe cần đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (NTTU) nhận hồ sơ xét tuyển học bạ sớm từ ngày 2/1. Trường cho biết dành 40% chỉ tiêu xét tuyển năm nay theo phương thức này.
Thí sinh cần đạt được một trong các tiêu chí: điểm trung bình 3 học kỳ THPT (được chọn môn học có điểm cao nhất), hoặc điểm tổ hợp ba môn xét tuyển ở lớp 12 đạt từ 18 trở lên, hoặc điểm trung bình cả năm lớp 12 tối thiểu 6/10.
Thí sinh xét tuyển vào các ngành y khoa, dược học, giáo dục mầm non cần đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Theo đề án tuyển sinh dự kiến năm 2024, năm nay, NTTU dự kiến có khoảng 10.000 chỉ tiêu với 4 phương thức xét tuyển.
Trường Đại học Gia Định (GDU) năm nay tuyển 2.024 sinh viên, trong đó có 60% từ xét học bạ. Thí sinh gửi hồ sơ từ 5/1 nếu có tổng điểm trung bình ba học kỳ (lớp 11 và học kỳ I lớp 12) đạt từ 16,5 trở lên.
Theo TS Mai Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông GDU, xét tuyển bằng học bạ là phương thức chính của trường vì được thí sinh quan tâm, giảm áp lực thi cử và đa dạng cơ hội chọn ngành, nghề.
Trường Đại học Văn Hiến nhận hồ sơ xét tuyển học bạ THPT năm 2024 đợt một từ ngày 2/1 đến hết ngày 10/5. Trường có tới 4 hình thức xét học bạ vào 34 ngành đào tạo.
Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM dành 70% chỉ tiêu để xét tuyển bằng học bạ. Thí sinh có thể dùng điểm học tập lớp 12 theo tổ hợp ba môn hoặc điểm trung bình ba học kỳ (lớp 11 và học kỳ I lớp 12), tối thiểu từ 18 điểm trở lên.
Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức xét tuyển sáu đợt học bạ kéo dài đến 30/11. Trường sử dụng 2 phương thức xét học bạ là xét điểm trung bình ba học kỳ (2 học kỳ lớp 11 và học kỳ I lớp 12) và xét theo tổng điểm học bạ lớp 12 của ba môn trong tổ hợp xét tuyển.
Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU) mở đăng ký xét học bạ đợt một cho 36 ngành đào tạo từ ngày 6/1. Thí sinh có thể lựa chọn xét 3 học kỳ hoặc tổ hợp điểm ba môn lớp 12 với tổng điểm từ 18 trở lên (đã bao gồm điểm ưu tiên).
ThS Trần Thúy Trâm Quyên, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho hay, lần đầu tiên HIU cấp học bổng 100% học phí kỳ I, trị giá 12,5 triệu đồng cho tất cả tân sinh viên 28 ngành. Thí sinh sẽ đóng học phí hai học kỳ còn lại trong năm, khoảng 42,5 triệu đồng.
Thí sinh xét tuyển vào Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) có thể nộp hồ sơ đợt một từ ngày 8/1 đến 31/3.
Năm nay, trường dành 50% chỉ tiêu (6.250) để xét học bạ, theo hai nhóm: tổng điểm trung bình 3 môn của lớp 12 và tổng điểm trung bình ba học kỳ (lớp 11 và học kỳ I lớp 12).
Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn sẽ xét tuyển kết quả học tập của ba học kỳ (lớp 11 và học kỳ I lớp 12). Thí sinh cần xếp loại hạnh kiểm học kỳ I lớp 12 từ khá trở lên; tổng điểm trung bình 3 học kỳ từ 6 và tổng điểm 3 môn tổ hợp xét tuyển từ 18 điểm trở lên.
Ngoài ra, trường xét riêng điểm học bạ lớp 12. Thí sinh phải có hạnh kiểm khá, điểm trung bình cả năm tối thiểu 6,5 và tổng điểm ba môn thuộc tổ hợp xét tuyển đạt từ 20 điểm trở lên. So với các năm trước, yêu cầu này cao hơn.
Thí sinh có thể nộp trực tiếp hồ sơ đăng ký xét học bạ, gửi qua bưu điện hoặc trực tuyến trên website các trường, thông tin trên báo Dân Trí.
Vừa qua, một số trường đã công bố những thông tin để xem xét các phương thức tuyển sinh tương quan như thế nào với kết quả học tập của sinh viên ở bậc đại học. Từ kết quả phân tích này, các trường sẽ điều chỉnh phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu dành cho các phương thức… một cách hợp lý, khoa học, có căn cứ.
Các trường đại học, các ngành đào tạo có mức độ cạnh tranh cao cần có sự đối sánh công bằng, cần một mặt bằng chung tin cậy ở mức cao để xét tuyển, từ cao xuống thấp. Do vậy, các trường có thể sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông hoặc cần kỳ thi tuyển sinh riêng như đánh giá tư duy, đánh giá năng lực. Với các trường đào tạo những ngành đặc thù thì cần các kỳ thi năng khiếu riêng…
Trong khi đó, với những trường đào tạo các ngành không cạnh tranh quá cao thì thí sinh đạt một ngưỡng kết quả học tập (thể hiện qua điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông hay học bạ) là có thể vào học được. Các em cũng không gặp phải khó khăn gì khi theo học.
Thùy Dung (T/h)