Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hàng loạt thương vụ ngân hàng thâu tóm công ty tài chính

(DS&PL) -

Hàng loạt ngân hàng đã và đang lên kế hoạch mua lại công ty tài chính nhằm hướng tới thị trường cho vay tiêu dùng nhiều tiềm năng.

Hàng loạt ngân hàng đã và đang lên kế hoạch mua lại công ty tài chính nhằm hướng tới thị trường cho vay tiêu dùng nhiều tiềm năng.

Xu hướng này được thể hiện rõ qua kỳ đại hội cổ đông 2014 khi hàng loạt các ngân hàng xin ý kiến cổ đông mua công ty tài chính làm công ty con. Mới đây nhất là trường hợp Hội đồng quản trị Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội (SHB) xin các cổ đông thông qua việc nhận sáp nhập một công ty tài chính để tái cấu trúc đơn vị này thành công ty con trực thuộc ngân hàng.

Tương tự, trong đại hội cổ đông mới đây, Phó chủ tịch Maritimebank Đào Trọng Khanh cũng hé lộ khả năng lập công ty tài chính chuyên biệt để phát triển cho vay tiêu dùng.

Trước đó, vào cuối tháng 10/2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận việc Ngân hàng Phát triển TP.HCM mua lại Công ty tài chính Việt-Société Générale (SGVF) và đổi tên thành Công ty tài chính HDBank, vốn điều lệ 550 tỷ đồng, do HDBank sở hữu 100\%, hay như vụ hợp nhất giữa Tổng công ty tài chính PVFC với Ngân hàng Phương Tây...

Chia sẻ về lý do muốn mua lại công ty tài chính, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển cho rằng đây là cơ hội để SHB phát triển mảng dịch vụ ngân hàng phục vụ tiêu dùng, một trong những dịch vụ có xu hướng phát triển mạnh trong giai đoạn hiện nay, đem lại nhiều nguồn thu giá trị gia tăng. Hơn nữa, SHB xây mục tiêu đến 2015 trở thành ngân hàng bán lẻ đa năng và 2020 sẽ là tập đoàn tài chính. Do đó, từ bây giờ SHB cần chuẩn bị một đội ngũ chuyên nghiệp về tài chính và đầu tư.

Phó tổng giám đốc của HDBank Lê Thành Trung cũng chia sẻ, việc mua lại công ty tài chính là để thâm nhập mảng tín dụng tiêu dùng, vốn được đánh giá còn nhiều dư địa phát triển tại Việt Nam.

Trước làn sóng mới này, một số công ty tài chính "chưa bị nhà băng thâu tóm" lo ngại khả năng cạnh tranh sẽ không công bằng. Bởi theo quy định, các công ty tài chính chỉ được thực hiện một số nghiệp vụ cho vay, đầu tư... thay vì toàn bộ các nghiệp vụ như các ngân hàng thương mại. Điều này đã hạn chế đáng kể khả năng huy động vốn của những định chế này.

 

Thị trường đang hình thành xu hướng ngân hàng sở hữu công ty tài chính.

Do đó, lãnh đạo một công ty tài chính tại TP.HCM cho biết, khác với ngân hàng, họ không được huy động lãi suất 6-8\% từ dân cư, nguồn vốn sử dụng chủ yếu là vay lại từ các nhà băng trong nước và thế giới. Riêng chi phí huy động vốn đầu vào đã ước chừng trên dưới 20\% một năm. Bên cạnh đó, kênh sinh lợi thứ hai của hệ thống tài chính gặp nhiều trắc trở, đó là việc bị giới hạn tỷ lệ đầu tư.

"Nay các ngân hàng mua công ty tài chính, liệu cơ quan chức năng có giám sát được việc ngân hàng lấy tiền huy động lãi suất thấp rồi cho công ty tài chính con vay giá rẻ, sau đó công ty con này lại cho khách vay với giá cao và hưởng chênh lệch lớn", ông băn khoăn.

Trước lo ngại trên, lãnh đạo một ngân hàng đang sở hữu một công ty tài chính cho rằng sự nhập nhằng ấy khó xảy ra. Vì theo ông, hiện nay Ngân hàng Nhà nước giám sát khá chặt chẽ vấn đề này. Do đó, ngân hàng mẹ muốn uỷ thác vốn cho công ty tài chính con cũng phải tuân theo quy định hiện hành và không có chuyện ưu đãi lãi suất so với các công ty tài chính bên ngoài.

"Nói chung, tất cả các hoạt động từ khoản thu, chi... của công ty tài chính trực thuộc ngân hàng đều hạch toán một cách độc lập và không khác gì so với một công ty tài chính bên ngoài", ông nhấn mạnh.

Điểm khác ở đây theo ông, khi một công ty tài chính là đơn vị trực thuộc của ngân hàng, sẽ nhận được sự hỗ trợ về mặt công nghệ, cách quản lý chuyên nghiệp... từ nhà băng. Ngược lại, phía ngân hàng khi mua công ty tài chính có thể tiếp cận được tất cả các khách hàng tiềm năng từ họ để phát triển mảng bán lẻ cho nhà băng...

Tiến sĩ Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM nhận xét, xưa nay chuyện lãi lớn của các ngân hàng chủ yếu nhờ nghiệp vụ chính là huy động-cho vay, mà tăng trưởng cho vay hiện nay bị ngưng trệ do mảng tín dụng doanh nghiệp bị bế tắc. Do đó, nhiều nhà băng đã chuyển hướng sang khách hàng cá nhân.

"Việc phát triển tài chính cá nhân ở những công ty tài chính lại càng có nhiều lợi thế hơn, do biên độ lãi suất cho vay lớn hơn, hạn mức tăng trưởng rộng hơn. Do đó, việc các nhà băng mua lại công ty tài chính có thể xem như họ đang đón đầu cơ hội", ông Chí nói.

Ngoài mục đích đẩy mạnh cho vay cá nhân, theo ông Chí, các ngân hàng mua công ty tài chính còn nhằm mục đích uỷ thác vốn cho những đơn vị này triển khai các thương vụ đầu tư. Bởi ngoài chức năng cho vay, các công ty tài chính còn được phép thực hiện một số hoạt động khác như góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng khác, đầu tư cho các dự án theo hợp đồng, kể cả làm đại lý phát hành trái phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá cho các doanh nghiệp.

Ông Chí cũng cho rằng, việc ngân hàng lấn sân sang lĩnh vực tài chính có thể giúp đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, giúp kích cầu nền kinh tế. Còn đối với lo ngại ngân hàng sẽ ăn chênh lãi biên cao khi một đầu thì huy động tiền gửi từ dân khá thấp, đầu kia cho vay ra với lãi suất cao chót vót, vượt xa lãi suất cho vay thông thường có thể khó tránh khỏi trên thực tế. Do đó, cần có chính sách quản lý chặt chẽ hơn để hạn chế vấn đề này.

Ngoài ra, ông Chí cũng cảnh báo về vấn đề nợ xấu đối với các ngân hàng khi tiếp quản các công ty tài chính. Bởi việc lãi suất cho vay dạng này tuy cao nhưng bù lại, họ sẽ phải đối mặt với rủi ro khá lớn.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, đến cuối năm 2013, nợ xấu của khối công ty tài chính và cho thuê tài chính cao nhất hệ thống, lần lượt là 21,96\% và 37,53\%.

Để hạn chế "vết xe đổ" của các công ty tài chính hoạt động không hiệu quả, ông Đỗ Quang Hiển cho rằng sẽ lựa chọn một công ty tài chính lành mạnh, không có nợ khó đòi để tiến hành sáp nhập nhằm đảm bảo quyền lợi của cổ đông.

Theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước thì trong năm nay cơ quan này sẽ tiến hành tái cơ cấu toàn bộ các công ty tài chính để tạo ra các "thể trạng" hoạt động lành mạnh hơn.

Tin nổi bật