Ngày 23/4, Ngoại trưởng Hà Lan Wopke Hoekstra thông báo nước này tham gia một nhóm sơ tán công dân từ Jordan và sẽ cố gắng đảm bảo công tác sơ tán công dân diễn ra trong thời gian sớm nhất và an toàn nhất có thể.
Giao tranh đẫm máu tại thủ đô Khartoum nhiều ngày qua. Ảnh: Le Monde
Trước đó, nhiều quốc gia trong đó Pháp, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai công tác sơ tán nhân viên sứ quán và gia đình khỏi Sudan. Tuy nhiên, hoạt động này gặp nhiều khó khăn do giao tranh giữa các lực lượng sở tại.
Cùng ngày, thông báo của Bộ Ngoại giao Pháp cho biết nước này đã bắt đầu sơ tán khẩn cấp công dân và nhân viên ngoại giao khỏi Sudan. Thông báo cũng nêu rõ công dân châu Âu và những người thuộc “các nước đối tác đồng minh” cũng sẽ được hỗ trợ.
Hãng thông tấn ANSA của Italy đưa tin, Bộ Quốc phòng nước này đã sẵn sàng triển khai kế hoạch sơ tán khoảng 200 công dân ra khỏi quốc gia Đông Bắc Phi này, đồng thời lưu ý chiến dịch diễn ra tương tự hoạt động sơ tán từng được thực hiện tại Afghanistan năm 2021 song sẽ chỉ liên quan đến công dân Italy.
Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cũng thông báo đã sơ tán an toàn 91 công nhân nước này cùng công dân một số quốc gia khác, gồm Kuwait, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Ai Cập, Tunisia, Pakistan, Ấn Độ, Bulgaria, Bangladesh, Philippines, Canada và Burkina Faso.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 23/4 cho biết cơ quan chức năng đã triển khai hai máy bay ở Jeddah và một tàu tới cảng Sudan để chuẩn bị hoạt động sơ tán. Thông báo cho biết thêm: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình an ninh phức tạp và leo thang ở Sudan. Chúng tôi cũng đang phối hợp với các đối tác để bảo đảm hành lang an toàn cho công dân Ấn Độ, những người bị mắc kẹt ở Sudan và đang chờ được sơ tán.”
Thông báo đồng thời lưu ý công dân Ấn Độ chủ động liên hệ với Đại sứ quán ở Sudan để sớm có được những tư vấn cần thiết cho việc sơ tán an toàn.
Trong khi đó, theo Al Jazeera, Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) tại Cộng hòa (CH) Chad Pierre Honnorat cho biết, cơ quan này dự báo sẽ có thêm nhiều người tị nạn Sudan tới CH Chad để lánh nạn. Khoảng 10.000 đến 20.000 người đã vượt biên giới sang CH Chad chỉ một tuần sau khi giao tranh bắt đầu ở thủ đô Khartoum và các khu vực khác của Sudan.
Các cuộc giao tranh căng thẳng tại Sudan nổ ra từ 15/4 giữa hai bên là lực lượng quân đội và lực lượng bán quân sự RSF. Dù các nỗ lực và thỏa thuận kêu gọi ngừng bắn liên tiếp được đưa ra, các cuộc tấn công vẫn khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Mộc Miên (T/h)