Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hàng loạt nhà đầu tư đến Đắk Nông: Lập dự án để phá rừng, bán đất

(DS&PL) -

Sau khi được UBND tỉnh cho thuê đất rừng, nhiều "nhà đầu tư" đã tìm cách phá rừng lấy đất trồng cao su hoặc rao bán với giá từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng một dự án.

Sau khi được UBND tỉnh cho thuê đất rừng, nhiều "nhà đầu tư" đã tìm cách phá rừng lấy đất trồng cao su hoặc rao bán với giá từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng một dự án. Hiệu quả kêu gọi đầu tư chưa thấy nhưng hàng nghìn hécta rừng đã bị xóa sổ.

Thuê rừng để phá

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đăk Nông vừa bắt tạm giam Hoàng Trọng Hiếu - trú xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM - về tội hủy hoại rừng. Hiếu là Chủ tịch HĐQT, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phương Linh Đăk Nông.

Theo điều tra ban đầu, năm 2012, Công ty Phương Linh Đăk Nông ký hợp đồng liên doanh với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Tín (doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND tỉnh có chức năng bảo vệ, phát triển và kinh doanh rừng) để thực hiện dự án phát triển rừng, trồng cao su trên đất rừng.

Trong khi dự án chưa được phê duyệt, Hoàng Trọng Hiếu đã thuê DNTN Hùng Lĩnh, Công ty TNHH Đỉnh Nghệ và một cá nhân tiến hành san ủi trái phép hơn 39ha rừng tự nhiên tại tiểu khu 1507 thuộc huyện Tuy Đức với danh nghĩa... cải tạo rừng tự nhiên.

Cũng trong tuần đầu tháng 8.2014, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an Đăk Nông đã báo cáo UBND tỉnh về một dự án gây thiệt hại gần 400ha rừng tự nhiên. Năm 2006, UBND tỉnh cho Công ty CP Chế biến lâm sản Thăng Long thuê 516ha rừng tại tiểu 1678 thuộc huyện Đăk Song để bảo vệ rừng tự nhiên, trồng rừng nguyên liệu.

Nhưng sau khi thuê rừng, ông Bùi Văn Tiêm - Giám đốc Công ty này đã không triển khai dự án, không tổ chức bảo vệ rừng mà chỉ giữ chỗ chờ thời. Do dự án không có hiệu quả, tháng 7.2013, tỉnh ra quyết định thu hồi, giao cho UBND huyện Đăk Song quản lý. Quá trình bàn giao, mới đây cơ quan chức năng phát hiện có 396,6ha rừng bị xóa sổ và bao chiếm trái phép.

Hình minh họa.

Không phá được thì... bán

Ngoài các dự án không hiệu quả, chủ đầu tư cố ý phá rừng, Công an tỉnh cũng vừa bắt tạm giam hàng loạt giám đốc lừa đảo, rao bán đất rừng.

Năm 2009, DNTN Đại Phát Lộc ký hợp đồng liên doanh với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Tín trên diện tích 398ha tại tiểu khu 1525 - xã Đăk Ngo, huyện Tuy Đức - để phát triển rừng và trồng cây công nghiệp.

Do không có năng lực tài chính nên Đại Phát Lộc xin điều chỉnh giảm còn 159ha, đồng thời xin chuyển từ hình thức liên doanh sang thuê đất - tức UBND tỉnh thu hồi đất rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Tín, cho DNTN Đại Phát Lộc thuê.

Đến năm 2012, khi thủ tục chưa hoàn tất, bà Lương Thị Thắm - Giám đốc DNTN Đại Phát Lộc - đã bán toàn bộ diện tích rừng này cho ông Trần Huy Hoàng - trú huyện Bù Đăng (Bình Phước) với giá 5,5 tỷ đồng.

Cũng từ việc thuê đất rừng của nhà nước, bà Phạm Thị Thu Hiền - Giám đốc Công ty TNHH Bảo Châu - đã bán 200ha đất rừng tại tiểu khu 1537 thuộc xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức cho bà Đỗ Thanh Vân - ở phường 10, quận Gò Vấp, TP.HCM - và một số cá nhân với giá 26 tỷ đồng. Mới nhận được 8,1 tỷ đồng, bà Hiền đã bỏ trốn ra nước ngoài.

Sau một thời gian bị truy nã ráo riết, mới đây Phạm Thị Thu Hiền đã đến Công an tỉnh Đăk Nông đầu thú. Tại khu vực dự án của 2 đơn vị này, rừng tự nhiên đã bị phá với diện tích lớn do không được quản lý, bảo vệ.

Từ chủ trương kêu gọi đầu tư, chỉ trong vài năm, hàng nghìn hécta rừng ở Đăk Nông đã bị "cạo trọc" không thương tiếc, bị các DN và cá nhân mua bán lòng vòng.

Ông Đỗ Ngọc Duyên - Giám đốc Sở NNPTNT Đăk Nông - thừa nhận, mục đích của nhiều DN là lấy đất trồng cao su chứ không phải bảo vệ rừng, một số DN không có năng lực tài chính nên chưa xong thủ tục đã bán lại kiếm lời. Đây là hạn chế lớn làm giảm hiệu quả kêu gọi đầu tư, làm mất rừng, mất đất với diện tích lớn.

Từ kêu gọi đầu tư, chỉ trong vài năm, hàng nghìn hécta rừng ở Đăk Nông đã bị "cạo trọc" không thương tiếc.

Tin nổi bật