Sửa quy chế thi tốt nghiệp THPT; Đánh đập chó mèo bị phạt đến 3 triệu đồng; Áp dụng thẻ bảo hiểm mẫu mới;... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 4/2021.
Hàng loạt chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 4/2021 - Ảnh minh họa |
Áp dụng thẻ bảo hiểm mẫu mới
Từ ngày 1/4/2021, Quyết định 1666/QĐ-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam chính thức có hiệu lực.
Theo đó, thẻ bảo hiểm y tế mẫu mới sẽ chính thức được áp dụng thay thế cho mẫu thẻ cũ.
Thẻ mới, mã số thẻ chỉ còn 10 chữ số; thẻ có kích thước nhỏ gọn như một thẻ ATM; thẻ được ép plastic sau khi in. Mặt sau của thẻ có các thông tin về nơi cấp, đổi thẻ; hướng dẫn kiểm tra chi phí khám, chữa bệnh - những thông tin mà mẫu thẻ trước đây không hề có.
Những trường hợp sẽ được cấp thẻ bảo hiểm mẫu mới gồm:
- Người mới tham gia bảo hiểm y tế.
- Người cần cấp lại thẻ do thẻ cũ bị mất
- Cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do bị rách, hỏng, thay đổi thông tin trên thẻ.
Sửa quy chế thi tốt nghiệp THPT
Theo thông tư 05 của bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT, nhiều nội dung về điều kiện dự thi tốt nghiệp năm 2021 sẽ được thay đổi so với năm trước. Cụ thể:
- Nếu không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại yếu về hạnh kiểm ở lớp 12, thí sinh phải được UBND cấp xã nơi cư trú xác nhận việc chấp hành chính sách pháp luật và các quy định của địa phương để được trường phổ thông nơi học lớp 12 xác nhận đủ điều kiện dự thi về xếp loại hạnh kiểm.
- Thí sinh được bảo lưu điểm của bài thi độc lập đạt từ 5 điểm trở lên. Trước đây, thí sinh chỉ được bảo lưu với điều kiện có bài thi độc lập hoặc điểm môn thi thành phần của bài thi tổ hợp từ 5 điểm trở lên.
- Thí sinh bị đình chỉ thi chỉ được ra về khi hết thời gian của buổi thi. Trước đây, trường hợp này được ra về sau khi hết 2/3 thời gian làm bài thi tự luận và sau khi hết giờ làm bài thi trắc nghiệm.
Những thay đổi trên bắt đầu có hiệu lực từ 27/4.
Đánh đập chó mèo bị phạt tới 3 triệu đồng
Từ ngày 20/4/2021, Nghị định 14/2021 quy định xử phạt hành chính về chăn nuôi của Chính phủ có hiệu lực. Theo đó, quy định mức phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm nguyên tắc đối xử nhân đạo đối với vật nuôi.
Cụ thể, khoản 1 Điều 29 của Nghị định 14/2021 nêu rõ: Phạt tiền từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi.
Riêng với cơ sở giết mổ tập trung, nếu đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ; không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ cũng sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng.
Ngoài ra, Nghị định cũng chỉ rõ, với mô hình chăn nuôi nông hộ (chăn nuôi nhỏ lẻ tại hộ gia đình), nếu không có biện pháp xử lý phân, nước thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và gây ảnh hưởng đến người xung quanh sẽ bị phạt từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Bên cạnh đó còn buộc phải khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả khắc phục…
Bổ sung một loại phí hải quan
Thông tư 14/2021 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí hải quan và lệ phí hàng hoá, phương tiện vận tải quá cảnh của Bộ Tài chính có hiệu lực từ 15/4/2021.
Theo đó, Thông tư đã bổ sung một loại phí hải quan mới là phí cấp, cấp lại sổ tạm quản (sổ ATA) đối với hàng hóa tạm xuất, tái nhập theo Nghị định 64/2020/NĐ-CP.
Mức thu phí hải quan cấp sổ ATA là 1.000.000 đồng/sổ và phí cấp lại sổ ATA là 500.000 đồng/sổ.
Ngoài bổ sung loại phí nêu trên, mức thu các loại phí khác vẫn được giữ nguyên như trước đây, trong đó có: Phí hải quan đối với hàng xuất, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh: 200.000 đồng/tờ khai; Lệ phí đối với phương tiện quá cảnh đường bộ (ô tô, đầu kéo, máy kéo): 200.000 đồng/phương tiện…
Cũng theo Thông tư này, phí hải quan sẽ được miễn đối với các trường hợp như: Hàng viện trợ nhận đạo, viện trợ không hoàn lại; Hàng xuất, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 01 triệu đồng trở xuống hoặc có số tiền thuế phải nộp dưới 100.000 đồng…
Cự Giải (T/h)