Hôm nay, Triều Tiên và Hàn Quốc đã tổ chức cuộc đối thoại quân sự cấp cao đầu tiên sau 10 năm.
Binh sĩ Triều Tiên tại Panmunjom tháng 10/2017. - Ảnh: AFP. |
Ngày 14/6, Triều Tiên và Hàn Quốc đã tiến hành đàm phán quân sự cấp cao, thảo luận cách thức làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Đây là cuộc đàm phán quân sự cấp cao đầu tiên giữa hai miền Triều Tiên kể từ tháng 12/2007.
Phía Hàn Quốc sẽ gồm 5 đại biểu, do Thiếu tướng Kim Do-gyun dẫn đầu, trong khi đó, đoàn đại biểu Triều Tiên sẽ do Trung tướng An Ik-san dẫn dầu cùng 4 quan chức khác.
“Chúng tôi có kế hoạch thảo luận về các vấn đề như xoa dịu căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên cũng như sắp xếp các cuộc găp gỡ cấp bộ quốc phòng như một phần nỗ lực nhằm thúc đẩy điều khoản quân sự đã được hai nhà lãnh đạo đồng thuận trong Tuyên bố chung Panmunjom”, ông Kim cho biết.
Các quan chức quân sự hai miền tham gia đàm phán cũng có thể tập trung thảo luận việc khôi phục đường dây liên lạc quân sự hai miền, tổ chức đàm phán quân sự thường xuyên và thiết lập đường dây nóng giữa các lãnh đạo quân sự.
Cuộc đàm phán ban đầu dự kiến được tổ chức vào tháng 5 nhưng bị Triều Tiên hủy bỏ nhằm phản đối các cuộc tập trận chung thường niên Mỹ - Hàn. Sau cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều ngày 12/6, Tổng thống Trump tuyên bố dừng tập trận chung với Hàn Quốc, nói rằng hoạt động đó rất tốn kém và Washington phải trả phần lớn chi phí. Ông cũng nói rằng tập trận quân sự "mang tính khiêu khích và không thích hợp".
Theo Tuyên bố Panmunjeom, Triều Tiên và Hàn Quốc nhất trí nỗ lực làm giảm căng thẳng và "loại bỏ một cách thực tế nguy cơ chiến tranh" trên bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, hai miền cũng nhất trí tổ chức các cuộc họp thường xuyên giữa giới chức quân sự, trong đó có việc tổ chức cuộc họp giữa hai bộ trưởng quốc phòng, nhằm thảo luận và giải quyết ngay vấn đề quân sự nổi lên giữa hai nước.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)