Ngày càng có nhiều người trẻ Hàn Quốc sẵn sàng chi 2 triệu đồng một đêm để được trải nghiệm cuộc sống ngục tù, thậm chí tại đây họ còn thấy tự do hơn ở ngoài.
Một "tù nhân" dùng bữa ăn trong phòng rộng 5m2. Ảnh: Reuters |
Nằm ở Hongcheon, tỉnh Gangwon, cách thủ đô Seoul khoảng 60km, trung tâm Prison Inside Me (tạm dịch: Nhà tù trong tôi) ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu lạ lùng này.
“Ở trong nhà tù này mang lại cho tôi một cảm giác tự do”, Park Hye-ri, một nhân viên văn phòng 28 tuổi đã trả 90 USD (hơn 2 triệu đồng) để có 24 giờ bị nhốt trong một nhà tù mô phỏng.
Từ năm 2013, cơ sở “Nhà tù trong tôi” ở Hongcheon đã đón nhận hơn 2.000 tù nhân, nhiều người trong số họ là nhân viên văn phòng và sinh viên bị những đòi hỏi từ môi trường công việc và học tập của Hàn Quốc gây căng thẳng.
“Tôi đã quá bận rộn. Tôi không nên ở đây ngay lúc này, vì công việc cần tôi. Nhưng tôi quyết định dừng lại và nhìn nhận bản thân mình để hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn”, “tù nhân” Park chia sẻ khi cô ngồi trong một căn phòng rộng chỉ vỏn vẹn 5m2.
Tách biệt hoàn toàn với sự ồn ào, náo nhiệt, trung tâm này nổi bật giữa những ngọn đồi bởi màu sơn xám ảm đạm. Có tất cả 28 phòng giam ở đây. Bên trong mỗi phòng gồm một nhà vệ sinh nhỏ, tấm thảm yoga, chiếc bàn con, sổ tay ghi chép, bút viết và ô cửa sổ hướng về ngọn đồi kế bên.
Ngoài việc nhốt mình trong không gian chật chội, những người tham gia ở tù sẽ phải tuân theo một số quy tắc nghiêm ngặt như không điện thoại di động, không đồng hồ, không gương soi, không nói chuyện với những người khác. Thực đơn ở đây bao gồm khoai lang hấp, chuối cho bữa tối và cháo trắng vào bữa sáng.
Tù nhân hoàn toàn cách ly điện thoại di động hoặc đồng hồ. Ảnh: Reuters |
Cửa phòng sẽ bị khóa trái từ bên ngoài, tuy nhiên khách hàng được hướng dẫn cách tháo chốt trong trường hợp thực sự cần phải ra ngoài. Theo Noh Ji-Hyant - đồng sáng lập ra Prison Inside Me thì rất hiếm trường hợp cần phải thoát ra trước hạn. Bởi lẽ với họ, thế giới bên ngoài mới thực sự là ngục tù.
Prison Inside Me không chỉ là một nơi để giam cầm. Các "tù nhân" ở đây có thể chọn tham dự các lớp học tâm linh, phục hồi tinh thần. Nhưng đa số chọn ngồi thiền trong phòng, tự nhìn nhận lại bản thân hơn.
"Ban đầu thì rất ngột ngạt, vì tôi không được làm gì cả. Nhưng mặt khác, nó lại giúp tôi có thời gian để nhìn nhận lại bản thân, tự nói chuyện với chính bản thân mình," - Park Woo-sub, một "tù nhân" từng sử dụng dịch vụ này cho biết.
Nền kinh tế phát triển với các ngành xuất khẩu và công nghệ cao dẫn đầu đã tạo cho Hàn Quốc một môi trường làm việc cực kỳ cạnh tranh. Điều này khiếp áp lực trong cuộc sống tăng đáng kể và tỷ lệ tự tử vì áp lực cuộc sống cũng tăng theo.
Theo kết quả khảo sát 36 quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), năm 2017, người Hàn Quốc làm việc trung bình 2.024 giờ, xếp thứ 3 chỉ sau Mexico và Costa Rica.
Để giúp mọi người có số giờ làm việc ít hơn và kiếm được nhiều tiền hơn, chính phủ đã tăng mức lương tối thiểu và ra chính sách về giờ làm việc cắt giảm từ 68 xuống còn 52. Tuy nhiên, các chính sách dường như lại phản tác dụng và khiến họ làm nhiều việc hơn.
Mô hình "Nhà tù trong tôi" được xây dựng ở Hongcheon, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters |
Các tù nhân cũng có thời gian ra ngoài tận hưởng không khí trong lành. Ảnh: Reuters |
Hoàn thành dịch vụ, các "tù nhân" sẽ được nhận một chứng chỉ. Ảnh: Reuters |
Nhà tù giả giúp các "tù nhân" thoát khỏi guồng quay mệt mỏi của cuộc sống và công việc. |
NGUYỄN QUỲNH (T/h)