Theo báo Hàn Quốc, cơ sở hạt nhân dưới lòng đất do Mỹ phát hiện là cơ sở ngầm chưa được Triều Tiên công bố. Đây được cho là nguyên nhân khiến Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un không thể đi đến thỏa thuận cuối cùng trong Hội nghị thượng đỉnh lần 2.
Báo Korea Joongang Daily (Hàn Quốc) ngày 5/3 dẫn các nguồn tin thông thạo hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai cho biết, cơ sở hạt nhân thứ hai của Triều Tiên mà Tổng thống Donald Trump muốn xóa bỏ là cơ sở làm giàu uranium cấp độ cao bí mật dưới lòng đất ở Bungang.
Tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội vào tuần trước, ông Trump nói rằng Mỹ biết rõ “từng cm” của Triều Tiên. Cũng theo Tổng thống Trump, trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, ông đã “nêu ra nhiều điểm” mà ông nghĩ rằng “Triều Tiên bất ngờ” khi biết Mỹ đã nắm rõ. Tổng thống Trump đã đề cập tới những yêu cầu mà Mỹ đặt ra cho Triều Tiên về việc phi hạt nhân hóa, trong đó không chỉ dừng lại ở tổ hợp hạt nhân Yongbyon.
|
Vị trí các cơ sở hạt nhân Bungang và Yongbyon của Triều Tiên. (Ảnh: Korea Joongang Daily) |
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho, người tổ chức cuộc họp báo vào nửa đêm tại khách sạn Melia sau hội nghị thượng đỉnh, cũng xác nhận rằng phía Mỹ đã “đòi thêm một vấn đề nữa” ngoài việc dỡ bỏ cơ sở Yongbyon, điều mà Triều Tiên không thể chấp thuận. Báo Hàn Quốc phỏng đoán việc dỡ bỏ cơ sở ngầm tại Bungang có thể chính là “vấn đề” mà Mỹ đòi hỏi từ Triều Tiên trong các cuộc đàm phán, mặc dù Bình Nhưỡng không hề đề cập tới cơ sở tại Bungang.
“Mâu thuẫn về việc xóa bỏ một cơ sở thứ hai được cho là vấn đề then chốt khiến ông Trump bước ra khỏi (hội nghị) mà không ký một thỏa thuận, vốn được kỳ vọng cao, với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 28/2”, Korea Joongang Daily nhận định.
Theo các nguồn tin, cơ sở hạt nhân ở Bungang do Mỹ phát hiện là cơ sở ngầm chưa được Triều Tiên công bố. Vị trí của cơ sở này nằm ở phía tây nhà ga Bungang và cùng khu vực với cơ sở hạt nhân Yongbyon nổi tiếng ở tỉnh Bắc Pyongan của Triều Tiên.
“Cơ sở Bungang nằm ngay phía đông bắc của cơ sở Yongbyon hiện thời. Triều Tiên dường như đã xây dựng một nhà máy làm giàu uranium cấp độ cao ngầm dưới lòng đất để tránh bị bên ngoài phát hiện”, một nguồn tin tiết lộ.
Theo các nguồn tin, Mỹ yêu cầu Triều Tiên gộp cơ sở hạt nhân ở Bungang vào cam kết dỡ bỏ Yongbyon do vị trí nằm gần các cơ sở làm giàu uranium. Triều Tiên dường như vẫn bất ngờ về việc Mỹ phát hiện ra vị trí của cơ sở ngầm ở Bungang và không đồng ý đưa Bungang vào cam kết dỡ bỏ Yongbyon.
Về mặt kỹ thuật, Bungang nằm tách rời Yongbyon, tuy nhiên hai cơ sở này chỉ cách nhau một vài km. Cơ sở hạt nhân ở Bungang đã cho thấy lập trường khác biệt của Mỹ và Triều Tiên.
Các nguồn tin cũng tiết lộ rằng cơ sở ở Bungang lớn hơn nhiều so với những cơ sở mà Triều Tiên từng cho phép tiến sĩ Siegfried Hecker, một giáo sư tại Đại học Stanford và là cựu giám đốc phòng thí nghiệm vũ khí Los Alamos ở New Mexico, quan sát trong chuyến thăm của ông Hecker tới cơ sở Yongbyon vào năm 2010.
Các quan chức tình báo tại Hàn Quốc và Mỹ ước tính, cơ sở Bungang có thể đặt tới hơn 10.000 máy ly tâm, nghĩa là gấp khoảng 5 lần so với cơ sở Yongbyon.
Không chỉ vậy, hãng thông tấn Yonhap ngày 5/3 đưa tin, các cơ quan tình báo Hàn Quốc đã nhận thấy những dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang khôi phục một phần bãi phóng tên lửa Tongchang-ri mà nước này đã dỡ bỏ.
Cụ thể, Yonhap cho biết, Triều Tiên, dưới sức ép trong nhiều năm qua nhằm thúc giục nước này từ bỏ chương trình hạt nhân, đang lắp lại một mái vòm và một cửa tại cơ sở trên.
Trong một cuộc họp ngắn với ủy ban tình báo Quốc hội Hàn Quốc, Cơ quan Tình báo quốc gia nước này khẳng định "tin tức mà Mỹ có được cũng giống như (thông tin) của chúng tôi".
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 về vấn đề phi hạt nhân hóa giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un hồi tuần trước đã kết thúc mà không có tuyên bố nào được đưa ra do những bất đồng liên quan tới mức độ Triều Tiên sẵn sàng hạn chế chương trình hạt nhân của mình cũng như Mỹ sẵn sàng nới lỏng trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.
Hôm 4/3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ cử một phái đoàn tới Triều Tiên trong vài tuần tới.
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gọi các quan chức tìm cách tái khởi động đàm phán Mỹ - Triều.
Nguyễn Phượng (T/h)