Chỉ trong vòng 24h, hai vụ xả súng đã liên tiếp xảy ra tại Chicago, Mỹ, khiến 2 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Hiện trường một vụ xả súng tại Mỹ. Ảnh minh họa: Getty |
Truyền thông Mỹ đưa tin, một vụ xả súng đã diễn ra vào đêm 19/7 tại Chicogo, Mỹ , 7 người đã bị bắn, trong đó 2 người đã thiệt mạng sau khi được đưa đến bệnh viện.
Sau đó, một vụ xả súng khác tiếp tục xảy ra tại thành phố này trong ngày hôm sau khiến 14 người bị thương. Nạn nhân nhỏ tuổi nhất là một bé gái 14 tuổi.
Theo Reuters, kết quả khảo sát thời gian gần đây của nhiều tổ chức quốc tế khiến nhiều người không khỏi “giật mình”. Theo đó, LHQ ước tính năm 2018, khoảng 14.611 người Mỹ đã chết vì súng đạn.
Con số này cho thấy không một quốc gia phát triển nào trên thế giới phải đối mặt với mức độ bạo lực súng đạn cao như Mỹ.
Tỷ lệ này cao gấp sáu lần so Canada, hơn bảy lần so Thụy Điển và gần 16 lần so Đức. Còn theo các cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ), một trung tâm chuyên khảo sát các vấn đề xã hội, dân số nước này chiếm chưa tới 5% dân số toàn cầu, nhưng sở hữu khoảng 45% vũ khí tư nhân của thế giới.
Sau nhiều vụ xả súng kinh hoàng, công chúng tại Mỹ tiếp tục lên án việc sở hữu súng đạn và phản đối mạnh mẽ hoạt động của Hiệp hội Súng trường quốc gia Mỹ (NRA).
Người Mỹ chiếm chưa tới 5% dân số thế giới, nhưng sở hữu khoảng 45% tất cả vũ khí tư nhân của thế giới. Ảnh: AP |
Gần gần đây, nhiều dự luật nhằm kiểm soát vũ khí cũng đã được đề xuất. Đầu tháng 2 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua Dự luật An toàn súng đạn quy mô lớn, cho phép mở rộng việc kiểm tra lai lịch đối với gần như mọi trường hợp mua bán súng. Tuy nhiên, dự luật đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ tại Thượng viện, nơi đảng Cộng hòa nắm đa số
Mặc dù súng đạn không phải là yếu tố duy nhất làm gia tăng bạo lực, vì còn nhiều các yếu tố khác như nghèo đói, đô thị hóa và rượu, song các nhà nghiên cứu cho biết tỉ lệ sở hữu súng cao của Mỹ là lý do chính khiến Mỹ phải đối mặt với các vụ bạo lực súng nhiều hơn so với các nước phát triển khác.
Để đối phó với vấn đề này, Mỹ sẽ không chỉ phải giảm khả năng tiếp cận súng của người dân, mà còn phải giảm số lượng súng trên cả nước. Cũng phải nói thêm rằng kết quả cuộc điều tra của Kaiser Family Foundation vừa công bố cho thấy chính sách về súng đạn là chủ đề quan trọng thứ ba đối với cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11 tới, sau vấn đề chăm sóc sức khỏe và kinh tế.
Mộc Miên (T/h)