(ĐSPL) - Hai tảng đá nằm hai bên cổng của ngôi đền Đuổm, nơi thờ Tù trưởng Dương Tự Minh, người có công lớn trong việc bảo vệ, giữ gìn bờ cõi nước Đại Việt có hình thù vô cùng kỳ lạ và giữ vị trí quan trọng trong tổng thể kiến trúc của ngôi đền.
Hai tảng đá canh huyệt mộ phong thuỷ?
Trong kiến trúc của người Việt, theo truyền thống khi chọn đất để xây đền, chùa...hay bất cứ một công trình có ý nghĩa tâm linh nào thì điều đầu tiên người Việt Nam quan tâm là phong thủy của khu đất. Bởi, có quan niệm cho rằng, thế đất tự nhiên không chỉ tạo nên vẻ đẹp tâm linh, sự linh thiêng của ngôi đền, chùa...mà còn mang lại may mắn.
Kiến trúc đền Đuổm, ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, nơi thờ Tù trưởng Dương Tự Minh và hai người vợ của ông là công chúa Diên Bình (con vua Lý Nhân Tông) và Thiều Dung (con vua Lý Anh Tông) cũng được xây dựng dựa trên thuyết phong thuỷ (lưng tựa sơn, chân đạp thuỷ, tả thanh long, hữu bạch hổ, long mạch... đầy đủ). Xét theo quan niệm phong thuỷ, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đền Đuổm hội tụ tất cả yếu tố của một thế đất thiêng.
Trong đó, nhiều người nhận xét và đánh giá cao sự có mặt của hai tảng đá tự nhiên với hình thù kỳ lạ nằm án ngữ ngay trước cổng đền. Hai tảng đá này được người dân ví von là tảng đá có hình Hàm Long với tảng đá có hình chân Hổ nằm đối xứng nhau. Theo quan sát của PV, tảng đá hình Hàm Long nằm bên tả (bên trái khi đứng từ đền nhìn ra quốc lộ 3). Nó là phiến đá có hình vòm, cao, nhô ra phía trước. Trong khi đó, ở phía đối diện là một phiến đá nhô cao, rộng. Trên phiến đá này in hình vết chân năm ngón to, in sâu và theo quan niệm nó được gọi là vết chân hổ.
Người quản lý ngôi đền này cho rằng, đây là hai tảng đá tự nhiên chứ không phải là hai tảng đá mà người dân dựng khi xây chùa. Chính vì thế, người dân vùng đất Phú Lương tự hào, xem đó là nét độc đáo nhất, không thể trộn lẫn của đền Đuổm với bất cứ một ngôi đền nào khác ở Việt Nam. Một số người quan niệm, hai phiến đá này không chỉ đóng vai trò là tả thanh long, hữu bạch hổ mà còn đóng vai trò là hai con vật linh thiêng, đứng canh cổng, bảo vệ sự tôn nghiêm của đền.
Cũng liên quan đến hai tảng đá có hình thù độc đáo ở cổng đền Đuổm, không ít nhà phong thuỷ đã cho rằng, chiếu theo thuyết phong thuỷ, thì thế đất của đền Đuổm cho thấy, đây là một nơi lý tưởng để đặt huyệt mộ. Thế đất này thiêng và hiếm có. Câu chuyện về hai khối đá rồng, hổ án ngữ ở cổng ra vào đền Đuổm có giá trị tâm linh khi nhiều câu chuyện kể lại rằng, đương thời, khi còn sống Dương Tự Minh đã tự chọn nơi đây làm chốn an nghỉ cuối đời của mình. Do đó, ông đã dời về đây sinh sống khi tuổi già và trước khi mất, ông dặn người thân, chôn cất ông vào đúng huyệt mộ đã chọn trước. Lý do mà ông chọn nơi đây làm huyệt mộ cho chính mình, đó chính là sự có mặt của hai tảng đá với hình thù kỳ lạ trên.
Tảng đá hình miệng long. |
Truyền thuyết về huyệt mộ phong thủy dành cho "anh hùng cái thế"
Cũng xung quanh ngôi cổ mộ đặc biệt, người dân nơi đây, bao đời nay vẫn truyền lại cho nhau nhiều giai thoại về chủ nhân của huyệt mộ phong thuỷ độc đáo này. Chuyện xưa kể rằng, vị tù trưởng nức danh trong lịch sử Dương Tự Minh có khả năng tàng hình, xuất quỷ nhập thần. Theo chuyện xưa kể lại thì, Dương Tự Minh xuất thân từ gia đình nghèo khó, bố mẹ ông hiếm muộn, về già mới sinh thành ra ông. Ông lớn lên siêng năng, sáng dạ, trong một lần gặp được vị tiên già, nhờ cảm mến tài năng của cậu nên vị tiên đã cho cậu một chiếc áo gấm. Chiếc áo này, ai mặc lên người thì người khác chỉ nghe được giọng nói chứ không nhìn thấy được thân thể mình.
Kể từ khi có chiếc áo tàng hình, Dương Tự Minh quyết định dùng chiếc áo này đi trộm của những nhà giàu, của vua để chia cho người nghèo khổ. Bằng hình thức này, ông đã cứu đói cho không biết bao nhiêu bản làng. Cũng từ đó, người dân các mường, các động, các bản làng yêu quý Tự Minh. Ngược lại, nhà vua vô cùng căm tức, vàng trong kho của nhà vua cứ theo ngày tháng mà cạn kiệt trong khi vẫn không tìm thấy nguyên nhân. Cuối cùng, một cái bẫy đã được mắc sẵn, bởi có người đã phát hiện ra một hiện tượng trùng lặp khó hiểu. Ngày mất vàng cũng là ngày xuất hiện một con bướm trắng bay vào kho. Theo lệnh của nhà vua thì một cái bẫy đã được giăng sẵn để bắt bằng được con bướm trắng. Cuối cùng, con bướm đó chính là Dương Tự Minh. Truyền thuyết lý giải rằng, do chiếc áo gấm tiên tặng mặc lâu ngày bị rách vai, mẹ của ông lấy miếng vải vá vào nên khi mặc thì bị lộ. Dương Tự Minh chủ quan nên không để ý, đành bị bắt.
Cũng theo truyền thuyết, trong lúc Tự Minh chờ ngày được đưa ra pháp trường xử tử thì ở vùng biên cương kẻ thù xâm lăng kéo sang quấy phá đất nước. Chúng đốt nhà, cướp của, chém giết đàn bà, con trẻ vô cùng dã man. Thế giặc mạnh như chẻ tre, nhà vua sợ hãi vì chẳng mấy chốc sẽ tràn đến kinh đô. Nhiều tướng tài được cử đi đánh giặc nhưng không thấy trở về. Vận nước như ngàn cân treo sợi tóc, Tự Minh quên mình là một tử tù, chàng nhất thiết xin đòi gặp vua để xung phong ra trận giết giặc, lập công chuộc tội.
Bán tín bán nghi, nhưng vì hào kiệt không còn, vận nước nan nguy, vua đành chấp nhận giao cho chàng binh mã và vũ khí ra trận. Nhờ có chiếc áo tàng hình, Tự Minh tả xung hữu đột. Quân giặc khiếp sợ vì tự nhiên thấy đồn bị cháy, quân lính không hiểu sao bị chết như ngả rạ, nhưng không thể nào nhìn thấy đối phương đâu. Đội quân của chúng nhanh chóng bị náo loạn, tranh nhau chạy, giẫm đạp lên nhau chết nhiều vô kể. Tự Minh chiến thắng trở về, nhà vua vui mừng khôn xiết. Vua không chỉ tha cho Tự Minh tội chết mà còn gả công chúa, còn giao cho chàng quản lý cả một vùng biên cương rộng lớn. Dưới sự cai quản của mình, nhân dân sống trong vùng đất chàng quản lý được hưởng cuộc sống thái bình, no đủ.
Tảng đá in hình chân hổ. |
Câu chuyện truyền thuyết về người anh hùng Dương Tự Minh là cách lưu nhớ công ơn của ông trong dân gian. Trên thực tế, trong chính sử ghi lại, cho thấy, Dương Tự Minh là một người có công lớn và là người may mắn được vua gả cho hai vị công chúa. Theo đó, Dương Tự Minh là một vị Tù trưởng người Tày, nổi danh khắp vùng Đông Bắc thời bấy giờ. Các vua nhà Lý đã phải dựa vào ông, mở rộng và cai quản lãnh thổ vùng này. Việc Dương Tự Minh được làm phò mã và cai quản vùng đất rộng lớn, bao gồm các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Cao Bằng, một phần Lạng Sơn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc ngày nay. ông được vua Lý gả cho hai nàng công chúa.
Theo đánh giá của giới sử học, thì Tù trưởng Dương Tự Minh là người có công lớn trong việc ổn định bờ cõi lãnh thổ đất nước thời nhà Lý. ông có công lớn, giúp dân ổn định cuộc sống. Chính vì vậy, Tù trưởng Dương Tự Minh được người dân vùng biên viễn xem như một vị thần có tên là Cao Sơn Đại Vương. Đến nay, có đến hàng trăm địa danh lập đền thờ ông và ghi nhớ công trạng của ông. Hàng năm, người dân huyện Phú Lương, Thái Nguyên tổ chức lễ hội vào mồng 6 tháng Giêng âm lịch và đây được xem là lễ hội truyền thống lớn nhất tỉnh Thái Nguyên thu hút hàng nghìn lượt khách tham gia.
Bom rơi trúng điện nhưng không nổ?! Xung quanh câu chuyện về hai tảng đá phong thuỷ trấn yểm đền, cùng với sự thiêng liêng của chủ nhân ngôi mộ cổ, người dân nơi đây còn lưu truyền lại nhiều câu chuyện trùng hợp kỳ lạ. Theo đó, thời chiến tranh chống Pháp, ngôi đền này bị máy bay rải bom. ông Khương, thủ từ đền Đuổm kể lại, đền nằm sát cạnh quốc lộ 3 lại có cây cối um tùm nên quân Pháp phán đoán, có thể là nơi bộ đội ta trú ẩn. Thậm chí, mục đích của quân Pháp là muốn phá ngôi đền này, vì trước đây, bãi Đuổm là nơi diễn ra lễ thành lập Sư đoàn 308 - sư đoàn đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đợt giội bom hôm đó đã phá hủy hoàn toàn kiến trúc phía trước của đền. Nhưng có một điều không thể lý giải là trong lúc nhiều quả bom khác đều nổ thì quả bom rơi đúng chính giữa phía trước điện lại không nổ. Gần 60 năm trôi qua, quả bom đó vẫn nằm trong lòng đất, đến năm 2008, khi chính quyền trùng tu ngôi đền, công binh đến rà phá mới phát hiện được quả bom này. Họ đào lên và ai nấy cũng ngạc nhiên không hiểu được phép màu nào khiến nó có thể “nằm im” một thời gian lâu như vậy. |