Do triều cường lên đột ngột nên dây neo bị đứt, làm hai sà lan có tải trọng gần 100 tấn bất ngờ lật nghiêng, đè chìm một chiếc thuyền đang đậu trên kênh Tàu Hủ.
Báo Tiền Phong đưa tin, vào khoảng 9h30 ngày 19/6, xà lan chở máy múc đang tiến hành lấy đất bùn dưới kênh Tàu Hủ - Bến Nghé đoạn gần cầu Móng thuộc địa bàn quận 1 giáp quận 4, TP Hồ Chí Minh.
Trong lúc thi công, xa lan bất ngờ bị đứt cáp neo, đổ nghiêng xuống và va đập với một xà lan khác cùng một thuyền chở cát đậu cạnh bên.
Nhận được tin báo, lực lượng chức năng quận 1 cùng Thanh tra giao thông và CSGT đường sông có mặt tại hiện trường, xử lý vụ việc theo quy định.
Xà lan chở cần cẩu bị nghiêng và đè lên một chiếc thuyền trên kênh Bến Nghé. Ảnh: báo Dân Việt |
Theo báo Thanh niên, rất may khi sự cố xảy ra, công nhân đã kịp thời rời khỏi sà lan nên không có thiệt hại về người. Tuy nhiên, một phần máy móc và thiết bị của sà lan bị chìm trong nước.
Sà lan gặp sự cố là của Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam (Công ty Trung Nam), đang thi công các hạng mục trong công trình chống ngập trên tuyến kênh Tàu Hủ.
Đại diện Công ty Trung Nam cho biết nguyên nhân ban đầu được xác định do triều lên, dây neo bị tuột khiến sà lan va vào thuyền và khung giằng.
Theo đại diện công ty Trung Nam, phương án khắc phục hiện tại là trục vớt sà lan, thuyền khi triều rút. Nhà đầu tư dự kiến cần khoảng 3 ngày để xử lý vụ việc. Đồng thời cũng khẳng định tai nạn này không ảnh hưởng đến tiến độ thi công chung của toàn dự án.
Để khắc phục sự cố, đại diện chủ đầu tư cho hay, khi triều rút sẽ trục vớt xà lan và thuyền. Chủ đầu tư đang làm việc với các đơn vị tư vấn và đơn vị thi công để đưa ra phương án khắc phục về mặt kỹ thuật. Dự kiến nhà đầu tư mất khoảng 3 ngày để xử lý vụ này.
Báo Dân Việt thông tin thêm, được biết, Dự án chống ngập 10 nghìn tỷ đồng là một trong những dự án chống ngập quy mô lớn tại TP.Hồ Chí Minh, trong đó có hạng mục chính là xây dựng các cống kiểm soát triều lớn quy mô lớn như: cống Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định.
Mục tiêu của dự án nhằm kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.
(Tổng hợp)