(ĐSPL) - Vừa gặp Lương Thế Vinh, cô Đào đã đem lòng say đắm nhưng rồi mối tình đã kết thúc đau buồn bằng sự quyên sinh thương tâm của cô trước cú sốc vị tân Trạng nguyên đã có vợ.
Cô Đào yêu đơn phương
Trạng nguyên Lương Thế Vinh ngoài tài học còn là một người yêu thích âm nhạc và đặc biệt là thích xem hát chèo. Khi còn thanh niên, đêm đêm, hễ làng nào nổi lên tiếng trống chèo là Lương Thế Vinh tìm đến xem. Không những mê chèo, Trạng Lường còn thông thạo cách chơi các loại nhạc cụ phục vụ môn nghệ thuật này.
Trạng nguyên Lương Thế Vinh. Ảnh minh họa. |
|
Có lần một phường chèo về trình diễn ở làng Si (một làng gần với quê Lương Thế Vinh). Sắp đến giờ biểu diễn thì đột nhiên người kéo nhị trong gánh chèo bị ốm đột ngột mà không có người thay thế. Khán giả và cả đoàn chèo đang xôn xao chưa có cách gì thì Lương Thế Vinh mạnh bạo len vào xin kéo nhị thay. Thật ngạc nhiên là Lương Thế Vinh kéo nhị rất tốt và đã giúp đoàn chèo hoàn thành đêm diễn.
Theo tài liệu Trạng Lường – Lương Thế Vinh của nhà nghiên cứu Bùi Văn Tam (Nxb Văn hóa dân tộc phát hành), cô Đào trong buổi diễn đó đã diễn rất hay được nhiều người tán thưởng. Diễn xong, cô đã tìm gặp Lương Thế Vinh và biết chàng là một cậu khóa sinh sắp đi thi. Cô đem lòng yêu mến nhưng chỉ ấp ủ trong lòng không dám thổ lộ vì e ảnh hưởng đến đường khoa danh của chàng.
Thế rồi mấy năm không gặp, Lương Thế Vinh đi thi và đỗ Trạng nguyên. Ngày về vinh quy bái tổ, cô Đào cũng theo gánh hát đến làng hát mừng. Lúc ấy cô mới biết Thế Vinh đã lấy vợ là con gái của thầy dạy học chàng. Cô Đào tủi phận đã quyên sinh và để lại một bài thơ tuyệt mệnh.
Sự tình đến tai Trạng Lường, người rất thương xót mới cho lập một miếu thờ ở đầu làng để hương khói cho cô Đào. Theo nhà nghiên cứu Bùi Văn Tam, trước kia ngôi miếu vẫn còn ở Giáp nhất làng Cao Hương (thuộc huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định ngày nay).
Tơ duyên vội phai với cô gái phố Hàng Đào
Ngoài mối tình trên, khi Lương Thế Vinh lên kinh thành dự kỳ thi Hội, chàng còn có một mối tình với một cô gái tài hoa ở phố Hàng Đào. Lúc đó Lương Thế Vinh ở trọ để ôn luyện và chuẩn bị dự thi. Với tiếng tăm về tài năng sáng chói, Lương Thế Vinh đã lọt vào mắt xanh của nàng Thi Liệu, con gái một gia đình danh giá ở phố này. Trai tài gái sắc từ đó mà nảy nở tình yêu ngày càng sâu nặng.
Chuẩn bị đến kỳ thi, Lương Thế Vinh phải trở lại quê để sửa soạn. Trước khi về, chàng có bàn bạc với nàng Thi Liệu, muốn nhân dịp này sẽ thưa chuyện với bố mẹ ở quê cùng họ hàng về việc trăm năm của hai người. Tuy vậy nàng tỏ ra băn khoăn, do dự và lựa lời xin chàng suy nghĩ thêm. Trước khi Lương Thế Vinh ra về, nàng lại đưa cho chàng một bài thơ tứ tuyệt bằng chữ Hán tạm dịch là:
Tay cầm búa sắc vượt rừng sâu
Một gã tiều phu chẳng đợi lâu
Lưng giắt ngang đao thong thả bước
Cửa vuông, trong cửa đón yêu nhau
Ẩn ý của bài thơ là Lương Thế Vinh hãy thi cử đỗ đạt thì mới có thể tính chuyện hôn nhân. Phút chốc Lương Thế Vinh chợt hiểu bấy lâu nay nàng Thi Liệu chỉ say mê danh vọng chứ chưa hẳn là vì mình mà gắn bó. Nghĩ vậy nên chàng bèn theo vần bài thơ mà họa lại. Bài thơ của Thế Vinh là:
Cần gì vất vả tới rừng sâu
Thử hỏi ngày xuân được bấy lâu
Giữa hội chẳng cần đao dẫu quý
Kinh kỳ đâu thiếu kẻ yêu nhau
Vậy là ý chàng đã quyết, chàng không tin rằng giữa đất kinh kỳ ai ai cũng chỉ ham danh vọng giàu sang. Đó cũng là một lời chia tay ý nhị đối với nàng Thi Liệu. Sau đó, năm 1463, Lương Thế Vinh đỗ Trạng nguyên trong kỳ thi Đình dưới triều vua Lê Thánh Tông và thành gia thất với con gái người thày học.