Như tin tức báo Đời sống và Pháp luật đã đưa, vào ngày 29/10 vừa qua, một sự cố hàng không vô cùng nghiêm trọng đã xảy ra khi một chiếc máy bay của Vietnam Airlines suýt va chạm với một chiếc máy bay quân sự trên vùng trời Tân Sơn Nhất (TP.HCM).
Trước sự cố hy hữu và đặc biệt nghiêm trọng trên, cựu phi công Nguyễn Thành Trung - nguyên Phó tổng giám đốc Hãng hàng không Vietnam Airlines, người nhiều năm là cơ trưởng Boeing 777-200 cho rằng, nguyên nhân là do hiệp đồng bay giữa người chỉ huy khu quân sự và người chỉ huy của hàng không dân dụng kíp trực đó chưa được nhịp nhàng.
Cựu phi công Nguyễn Thành Trung đề xuất nên chuyển hoạt động huấn luyện quân sự từ Tân Sơn Nhất sang sân bay Biên Hòa. |
“Nếu hai máy bay đó mà đâm vào nhau thì thực sự hậu quả sẽ nghiêm trọng vô cùng. Vì vậy, khi đã để xảy ra sự cố này thì chỉ huy hai bên nên ngồi với nhau, rút kinh nghiệm làm sao để trong quá trình chỉ huy có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ về mặt thời gian, khoảng cách” – cựu phi công Nguyễn Thành Trung nêu quan điểm.
Lý giải thêm về hoạt động của các máy bay quân sự tại sân bay Tân Sơn Nhất, ông Trung cho biết, từ trước đến nay, sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ được dùng cho máy bay dân dụng mà dùng cho cả quân sự.
“Thời gian dài trước, mật độ hàng không dân dụng không nhiều nên việc huấn luyện bay quân sự không gây ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cường độ bay dân dụng dày đặc hơn. Hai bên quân sự và dân dụng vẫn có thể phân cách với nhau để hoạt động, nhưng hoạt động bình thường thì được còn nếu đưa huấn luyện quân sự vào thì không được ổn lắm” – ông Trung phân tích rõ.
Theo kinh nghiệm của người cựu phi công này, thì những khi huấn luyện thường do học trò bay mà những người này lại chưa có nhiều kinh nghiệm, vì vậy không nên đưa vào một sân bay quốc tế có mật độ bay dày đặc như Tân Sơn Nhất.
“Hiện nay Biên Hòa, Vũng Tàu có sân bay lớn, cường độ ít, nếu bên quân sự muốn huấn luyện thì nên chuyển đến đó” – nguyên Phó tổng giám đốc Hãng hàng không Vietnam Airlines đề xuất.
Về sự cố máy bay dân dụng và máy bay quân sự suýt đâm nhau trên vùng trời Tân Sơn Nhất, ông Trung cho biết đây không phải lần đầu máy bay của Vietnam Airlines suýt đâm vào máy bay quân sự, có thể chỉ là do những lần trước sự việc xảy ra cũng nhẹ nhàng nên người ta không công bố.
Ngoài sự cố hai máy bay suýt đâm nhau, vừa rồi, hàng không Việt Nam còn xảy ra sự cố hy hữu khi đài kiểm soát không lưu tại sân bay Tân Sơn Nhất bất ngờ bị mất điện khiến hoạt động tại đây bị tê liệt, hơn 50 máy bay đang hoạt động trên bầu trời không thể hạ cánh.
Phân tích rõ hơn về sự cố hy hữu này, cựu phi công Nguyễn Thành Trung cho biết, hầu hết các nước trên thế giới đều có hệ thống dự phòng hoàn toàn tự động, thậm chí, không chỉ 1 mà có tới hệ thống dự phòng tự động số 2, đảm bảo điện cấp cho khu vực này lúc nào hoạt động cũng tốt.
“Sự cố nghiêm trọng này nếu xảy ra chỉ vài phút thôi thì không sao, nhưng nó kéo dài đến hàng tiếng đồng hồ thì cũng rất đáng lo ngại. Tôi không dám khẳng định có phải Việt Nam là nước đầu tiên hay không nhưng đúng là lần đầu tiên tôi nghe thấy sự cố như thế này xảy ra” – ông Trung cho hay.
Theo ông Trung, bên cạnh việc quy trách nhiệm cụ thể đối với các cá nhân liên quan tới sự cố này, thì cần kiểm tra nghiêm ngặt các thiết bị và cần có quy trình vận hành, bảo dưỡng thường xuyên.