Hôm nay, 25/8/2021, báo chí và các phương tiện truyền thông tràn ngập những bài viết kỷ niệm ngày sinh lần thứ 110 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Đại tướng sinh ngày 25/8/1911). Vậy là ký ức ùa về trong tôi.
Vào thập niên 90, tôi có may mắn hai lần được phỏng vấn, đúng hơn là được trò chuyện với Đại tướng, mỗi lần cũng kéo dài đến 2-3 tiếng. Cả hai lần phỏng vấn đều không theo một khung văn bản khuôn sáo nào khiến tôi hiểu rằng, được trò chuyện cởi mở với một trí tuệ lớn, một nhân cách lớn, sẽ giúp mình học hỏi thêm nhiều tri thức, mở mang góc nhìn nhân sinh rộng lớn và sâu sắc hơn.
Đặc biệt, trong cuộc trò chuyện lần thứ hai với Đại tướng, tôi đã đưa ra một câu hỏi khá "nhạy cảm” và Đại tướng đã vui vẻ trả lời. Nhiều năm sau nhớ lại, tôi vẫn nghĩ rằng đây là câu hỏi phỏng vấn “liều lĩnh” nhất trong đời làm báo nhiều quăng quật và bầm dập của tôi. Thế mới biết tuổi trẻ nhiệt huyết và không ngại dấn thân sẽ luôn là niềm nhớ khôn nguôi trong mỗi người cầm bút. Sau này, khi không thể tìm lại thời gian đã mất, chúng ta mới cảm nhận hết sự tiếc nuối ấy.
Với tôi, khoảnh khắc này là vô giá.
Lần đầu tôi được gặp và phỏng vấn Đại tướng tại nhà riêng của ông là vào cuối năm 1992, nhân dịp 22/12. Khi đó, tôi 24 tuổi, làm báo Thanh Niên được 2 năm.
Trong suy nghĩ của một gã lang bang mới bước chân vào nghề, việc được đến nhà riêng Đại tướng để phỏng vấn giống như một giấc mơ. Đêm hôm trước, gã nghĩ đủ mọi thứ, mọi câu hỏi và mọi tình huống ứng xử. Vậy mà sáng hôm sau, khi cùng một đồng nghiệp đàn anh ở báo Tiền Phong đến tư gia của Đại tướng, gã vẫn “tim đập chân run”.
Cuộc phỏng vấn đầu tiên này diễn ra gần 2 tiếng đồng hồ. Chúng tôi say mê lắng nghe câu chuyện của Đại tướng về trận Điện Biên Phủ và đại thắng mùa Xuân năm 1975. Vị Tổng tư lệnh, người anh cả của QĐND Việt Nam, Bí thư Quân ủy Trung ương suốt 2 cuộc kháng chiến của dân tộc không nói về vai trò cá nhân của ông, nhưng lại lý giải rất sâu sắc về những quyết định sáng suốt của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, dẫn đến 2 chiến công chói lọi nhất trong lịch sử đương đại của đất nước.
Ông kể chi tiết những tình huống và quyết định mang tính “cân não” trong chiến dịch Điện Biên Phủ, khi chúng ta thay đổi kịp thời từ chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh (theo ý kiến của chuyên gia “bạn”) sang đánh chắc - thắng chắc, không tiếc thời gian công sức kéo pháo vào rồi lại kéo pháo ra. Nhờ vậy mà, sau “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, Quân đội nhân dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” (Tố Hữu) và hạn chế tối đa tổn thất xương máu của chiến sĩ. Ông cũng nói về tình huống ngược lại trong đại thắng mùa Xuân 1975 - khi chúng ta bỏ qua lời khuyên đánh lâu dài, đánh trường kỳ của “bạn”- để quyết đoán tận dụng thời cơ đối phương rút khỏi cao nguyên trung phần theo cách “tùy nghi di tản” mà đưa ra quyết sách “thần tốc, táo bạo, bất ngờ” rồi “thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa”, làm nên chiến thắng 30/4 lịch sử.
Cuộc trò chuyện kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ, đến khi đại tá Nguyễn Huyên (Thư ký của Đại tướng) có ý nhắc nhở về sức khoẻ của Đại tướng, chúng tôi đành phải miễn cưỡng kết thúc cuộc phỏng vấn. Đại tướng rất ý nhị bảo Đại tá Huyên cầm máy ảnh của tôi chụp mấy bức hình kỷ niệm. Hồi đó, máy ảnh cơ Praktica lắp phim Fuji hoặc Kodak được coi là chiếc máy ảnh “thần thánh” của giới phóng viên đầu thập niên 90.
Lần đầu tiên được phỏng vấn, đúng hơn là được trò chuyện với vị Đại tướng mà huân công và uy vọng từ lâu đã vượt ra khỏi bờ cõi nước Việt, gã phóng viên trẻ là tôi không kìm được cảm xúc, phóng bút viết hơn 10 ngàn từ. Sếp của gã - một nhà báo kỳ cựu cực kỳ nóng tính gọi điện chửi thề: “Mầy làm báo kiểu gì mà không biết tiết chế câu chữ, viết dài lê thê vậy thì đăng làm sao mậy?. Đương nhiên là dù sếp chửi thề như vậy, nhưng rồi bài phỏng vấn vẫn được đăng kín 2 trang A3, rút làm bài chủ trang nhất (dù đã bị-được cắt đi gần 1/2 số chữ). Khi đó tôi cũng không nghĩ rằng 6 năm sau, tôi lại có cơ duyên được gặp và trò chuyện với Đại tướng một lần nữa. Chỉ khác là lần này tôi không còn là một gã phóng viên mới vào nghề, mà đã bước qua tuổi 30 “tam thập nhi lập” được vài tháng, đồng thời cũng vừa được bổ nhiệm làm Phó Tổng biên tập một tờ báo của cơ quan ngang bộ khoảng hơn... một tuần. Cuộc trò chuyện lần này có thời gian dài hơn (khoảng 3 tiếng) và người phỏng vấn cũng chỉ có tôi - một mình, một bút, một ghi âm... và một máy ảnh Canon bán tự động, thay cho chiếc Praktica cơ “thần thánh”.
Bức ảnh kỷ niệm trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tôi còn nhớ, lúc đăng ký phỏng vấn Đại tướng là khoảng trung tuần tháng 11/1998, và nơi tôi làm việc vẫn là báo Thanh Niên. Tôi cũng không ngờ rằng, chưa đầy nửa tháng sau đó, số phận đẩy đưa tôi về làm Phó Tổng biên tập một tờ tuần báo mới tinh, vừa được cấp giấy phép: Tờ Gia đình và Xã hội, cơ quan ngôn luận của Uỷ ban Quốc gia Dân số - Kế hoạch hoá gia đình.
Cầm “tờ A4” do chị Trần Thị Trung Chiến - Bộ trưởng, chủ nhiệm Uỷ ban ký vừa được một tuần, thì nhận được cuộc điện thoại của Đại tá Huyên thông báo đã sắp xếp được lịch phỏng vấn. Tôi đành thú thật với Đại tá Huyên là đã chuyển công tác. Nghe xong, Đại tá Huyên đồng ý cho phép tôi được thực hiện cuộc phỏng vấn với tư cách báo Gia đình và Xã hội. “Được lời như cởi tấm lòng”, tôi bắt đầu suy nghĩ về nội dung cuộc phỏng vấn, làm sao đưa được những câu hỏi sinh động hơn so với nội dung đã đăng ký trong văn bản.
Là Phó Tổng biên tập kiêm thư ký Toà soạn của một tờ báo vừa ra đời (Tổng Biên tập là một... nhà thơ chuyên nghiệp, toà soạn chỉ có vài người làm báo theo kiểu “tập san bao cấp” chuyển sang và vài sinh viên báo chí vừa mới tốt nghiệp hoặc gần tốt nghiệp), tôi đang lo sốt vó chuẩn bị cho số báo đầu tiên ra mắt. Đây là cơ hội vàng để có bài “đinh” cho số 1. Vậy là tôi “nai nịt súng ống” gồm: Ghi âm, máy ảnh, bút, sổ và... lên đường.
Đặc biệt, trong cuộc trò chuyện lần thứ hai với Đại tướng, tôi đã đưa ra một câu hỏi khá "nhạy cảm” và Đại tướng đã vui vẻ trả lời. Nhiều năm sau nhớ lại, tôi vẫn nghĩ rằng đây là câu hỏi phỏng vấn “liều lĩnh” nhất trong đời làm báo nhiều quăng quật và bầm dập của tôi. Thế mới biết tuổi trẻ nhiệt huyết và không ngại dấn thân sẽ luôn là niềm nhớ khôn nguôi trong mỗi người cầm bút. Sau này, khi không thể tìm lại thời gian đã mất, chúng ta mới cảm nhận hết sự tiếc nuối ấy. |
Cũng như lần trước, cuộc trò chuyện với Đại tướng diễn ra trong một không khí cởi mở và thân tình đến mức đôi lúc tôi ngỡ ngàng. Lắng nghe vị Đại tướng huyền thoại, tôi mới thấu hiểu cảm giác nhỏ bé của kẻ hậu sinh khi diện kiến bậc trí giả có trí tuệ mênh mông. Thời gian như khói mây, cảm nhận vừa như phút chốc mà đã gần 3 tiếng trôi qua. Giống như 6 năm trước đó, Đại tá Huyên ghé tai tôi nhắc nhở, đã đến lúc ngừng cuộc phỏng vấn để giữ gìn sức khỏe cho Đại tướng. Tuy Đại tướng vẫn còn rất hào hứng với câu chuyện, nhưng tôi đành tiếc nuối xin phép được chụp ảnh kỷ niệm với ông. Đại tướng vui vẻ nhờ Đại tá Huyên cầm máy ảnh của tôi chụp vài bức ảnh, nhờ vậy mà tôi có được những tấm hình vô cùng quý giá đối với tôi, được lưu giữ đến tận bây giờ.
Lắng nghe Đại tướng trao đổi, cảm nhận được sự bình dị và minh triết toát ra trong thần thái của vị Đại tướng huyền thoại, tôi chợt nghĩ: Tại sao không nhân cơ hội này hỏi về một vấn đề vẫn được dư luận coi là “tế nhị” trong sự nghiệp của ông? Tôi đang chuẩn bị cho ra mắt tờ báo của Uỷ ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hoá gia đình, tiền thân là Uỷ ban Quốc gia Dân số và sinh đẻ có kế hoạch - cơ quan mà Đại tướng là người lãnh đạo đầu tiên. Hỏi ông về chuyện này chắc sẽ không đến mức thất thố. Nếu có được nội dung này, bài phỏng vấn Đại tướng đăng trên tờ báo của ngành Dân số sẽ có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Vậy là “một liều ba bảy cũng liều”, tôi đánh bạo phỏng vấn Đại tướng một câu “ngoài đề cương”: “Là người phụ trách đầu tiên đối với Uỷ ban Dân số Kế hoạch hoá gia đình (khi đó gọi là Uỷ ban Quốc gia Dân số và sinh đẻ có kế hoạch), Đại tướng có thể cho biết suy nghĩ và quan điểm cá nhân đối với lĩnh vực này?”.
Đại tướng nói ngay: “Khi tôi được giao phụ trách lĩnh vực này, có rất nhiều dư luận khác nhau. Thực ra, đây là một lĩnh vực quan trọng, trước đây trực tiếp do anh Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) phụ trách. Sau này, tôi làm Phó Thủ tướng phụ trách Khoa học -Y tế-Giáo dục, nên anh Tô chuyển giao lại công việc đó cho tôi phụ trách luôn. Đó cũng là một công việc của tổ chức giao phó, mình vui vẻ nhận và cũng luôn quan niệm rằng, phải hết sức để làm tốt”.
Bài phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tiêu đề: “3 giờ với người lữ hành đi qua thế kỷ” là bài phỏng vấn đầu tiên, đăng trên số báo đầu tiên của báo Gia đình và Xã hội. Hơn 20 năm đã qua, bể dâu canh cải, Uỷ ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hoá Gia đình đã sáp nhập với Uỷ Ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em thành Uỷ ban Quốc gia Gia đình và Trẻ em, sau đó lại tiếp tục phân tách, một phần nhập vào bộ Y tế, một phần nhập vào bộ Lao Động – Thương binh và Xã hội. Còn Gia đình và Xã hội - tờ báo đầu tiên mà tôi “cầm trịch” nội dung cũng vừa mới sáp nhập vào báo Sức khoẻ và Đời sống của bộ Y tế. Tôi cũng đã qua nhiều bầm dập trong nghề báo, và cơ bản không còn cơ hội “nai nịt súng ống” đi tác nghiệp như thuở nào, nhưng kỷ niệm về hai lần phỏng vấn Đại tướng vẫn là những dấu ấn khó mờ phai trong ký ức làm báo của tôi.
Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi thắp ký ức như một nén tâm nhang tưởng niệm huyền thoại, vừa tự mình kính vọng Đại tướng, vừa nhớ nhung một thời trai trẻ dấn thân.
Nguyễn Tiến Thanh
Bài đăng trên ấn phẩm Tạp chí Đời sống& Pháp luật số Thứ 5 (137)