Báo Pháp luật TP.HCM đưa tin, ngày 15/10, ông Hà Tiến, Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum), cho biết đã yêu cầu cơ quan công an vào cuộc điều tra vụ việc hai giáo viên trên địa bàn bị lừa đảo số tiền rất lớn.
Cụ thể, hai giáo viên bị lừa, gồm thầy LVL (Trường THCS thị trấn Đăk Hà, xã Hà Mòn) bị lừa, chiếm đoạt 1,1 tỷ đồng và cô HTTS (Trường THPT Trần Quốc Tuấn) bị lừa 270 triệu đồng.
Phòng GD&ĐT báo cáo sự việc giáo viên bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên UBND huyện Đăk Hà. Ảnh: Báo Pháp luật TP.HCM.
Theo tường trình của thầy L, khoảng 9h ngày 5/10, có một người lạ tự xưng tên Nguyễn Văn Tài, Trung úy Công an tỉnh Kon Tum gọi điện báo số căn cước công dân của thầy bị người ở Hà Nội đánh cắp và sử dụng mở tài khoản ngân hàng buôn bán ma túy. Hiện vụ việc đang được Bộ Công an vào cuộc điều tra, thu giữ nhiều heroin và 20 tỷ đồng.
Sau đó, người này liên tục dùng năm số điện thoại khác nhau để liên hệ và yêu cầu thầy L cung cấp thông tin cá nhân và người thân gia đình. Đồng thời, yêu cầu thầy L không được báo sự việc cho ai biết do vụ việc đang được Bộ Công an tra, mọi thông tin phải bí mật.
Tiếp đó, người này đe dọa và đưa ra hai phương án cho thầy L chọn, thứ nhất là nộp vào tài khoản ít nhất một tỉ đồng để minh oan; thứ hai là bị Bộ Công an bắt giam để phục vụ điều tra, thời hạn bị giam giữ ít nhất là 90 ngày.
Để không ảnh hưởng đến người thân trong gia đình cũng như được minh oan, dưới sự dẫn dắt và gây áp lực của nhóm đối tượng lừa đảo này, thầy Lâm đã vay mượn 1 tỷ 100 triệu đồng gửi vào tài khoản của mình.
Tường trình của thầy LVL, Trường THCS thị trấn Đăk Hà, xã Hà Mòn. Ảnh: Báo Pháp luật TP.HCM.
Chưa dừng lại, đối tượng này còn yêu cầu thầy L nộp thêm 200 triệu đồng để cán bộ công an thuê luật sư bào chữa giúp. Do không còn tiền, sự việc bức bí quá nên thầy L báo cho vợ thì mới biết đã bị lừa.
Theo VOV, thầy giáo Nguyễn Văn Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Đăk Hà nơi thầy Lê Văn Lâm đang công tác cho biết: "Khi mà thầy Lâm báo cáo thì tôi Hiệu trưởng nhà trường ngay lập tức tôi động viên thầy Lâm là lên báo Công an huyện. Về phía của tôi là tôi báo với Đảng ủy, Ủy ban. Sáng hôm nay là thầy Lâm lên chỗ Công an tỉnh”.
Cùng với thầy giáo LVL, cô giáo HTTS, Trường THPT Trần Quốc Tuấn cũng vừa bị các đối tượng lừa đảo trên mạng chiếm đoạt 270 triệu đồng.
Báo Thanh niên cho biết, theo đơn trình báo của bà HTTS (giáo viên Trường THPT Trần Quốc Tuấn), khi bà tìm việc làm thêm trên mạng xã hội thì biết đến một trang bình chọn ca sĩ.
Ngày 9/10, bà S. tham gia đăng ký vào trang này. Nhiệm vụ bà S. phải thực hiện là nộp tiền vào ứng dụng để đổi điểm bình chọn cho ca sĩ. Sau mỗi lần bình chọn, bà S. sẽ nhận lại số tiền hoa hồng theo quy định. Ban đầu, bà S. nộp 300.000 nghìn đồng, sau đó số tiền bình chọn lớn dần, lên đến 100 triệu đồng.
Sau khi nộp 100 triệu đồng, nhưng không nhận được tiền hoa hồng, bà S. liền liên hệ với kẻ lừa đảo yêu cầu trả lại tiền. Kẻ lừa đảo yêu cầu bà S. phải nộp hơn 220 triệu đồng thì mới trả lại số tiền đã nộp. Qua trao đổi, kẻ lừa đảo nói sẽ cho mượn 50 triệu đồng, còn bà S. phải nộp hơn 170 triệu đồng.
Đơn trình báo của bà HTTS, giáo viên Trường THPT Trần Quốc Tuấn. Ảnh: Báo Pháp luật TP.HCM.
Vì không có tiền, bà S. phải vay để nộp 170 triệu đồng vào tài khoản trên với mong muốn lấy lại tiền đã nộp trước đó. Tuy nhiên, sau khi bà S. nộp xong, nhóm lừa đảo cho biết bà S. nộp sai với tên đăng ký ban đầu nên cần nộp thêm hơn 275 triệu đồng để được thanh toán lại 800 triệu đồng.
Đến lúc này bà S. mới nhận ra mình bị lừa nên đã đến cơ quan công an trình báo về sự việc.
Qua điều tra ban đầu, chỉ trong ngày 9/10, bà S. 7 lần nộp tiền vào tài khoản của nhóm lừa đảo tổng cộng gần 320 triệu đồng. Bà S. được 5 lần nhận lại hoa hồng, trong đó thấp nhất 50.000 nghìn đồng, cao nhất 2,355 triệu đồng.
Việc các thầy cô giáo ở huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum dính bẫy lừa đảo không chỉ thiệt hại về kinh tế của cá nhân mà còn khiến đơn vị nơi thầy cô công tác thêm việc, thêm trách nhiệm.
"Sau khi cô bị như vậy thì nhà trường nắm bắt thông tin, cử ngay bên Công đoàn nhà trường luôn kèm cặp cô kể cả buối tối đó luôn để động viên tinh thần cô tránh xảy ra những tình huống có thể dẫn tới những hành động không phải. Định hướng cho cô trong vấn đề liên hệ với các cơ quan chức năng và nhà trường vẫn tiếp tục động viên cũng như theo dõi cô để cô an tâm”, thầy giáo Mai Xuân Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn, cho biết.
Bà Lê Thị Nhung, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đăk Hà, xác nhận trên địa bàn có hai trường hợp giáo viên bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Bước đầu, phòng đã nắm bắt thông tin, riêng trường hợp thuộc quản lý phòng thì đã nhận được báo cáo tường trình của giáo viên.
"Sự việc này, phòng đã báo cáo lên huyện và cấp trên nắm tình hình. Đồng thời, có văn bản gửi đến các trường học trên địa bàn, khuyến cáo cán bộ, viên chức, người lao động và học sinh thận trọng, tránh bị lừa đảo trên không gian mạng”, bà Nhung nói.
Về nguyên nhân dẫn đến việc nhiều thầy cô giáo trên địa bàn huyện dính bẫy lừa đảo trên mạng, bà Lê Thị Nhung, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, cho rằng có rất nhiều lý do.
"Mặc dù đã được khuyến cáo rồi từ cơ quan chức năng, đặc biệt là từ công an. Tuy nhiên vẫn có tình trạng giáo viên tin vào những lời dụ dỗ, lôi kéo. Có lẽ thầy cô chưa xác định được đối tượng đấy nhằm mục đích gì?
Thứ hai có thể thầy cô đang cần một khoản tiền nào đó để trang trải cho cá nhân hoặc gia đình nên là tham gia việc đấy. Thứ ba trong nội dung lừa đảo thầy cô nghĩ là mình bị rơi vào tình huống đó thật nên là làm theo hướng dẫn đấy để rồi là chuyển tiền", bà Nhung cho hay.
Như Quỳnh (T/h)