Chiều ngày 17/6, ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại nhiều tuyến đường trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) như Cầu Giấy, Trần Quốc Hoàn, Duy Tân, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Huyên, Thành Thái… vẫn đang còn ùn ứ rác thải sinh hoạt.
Một số nơi, rác được chất đống trên các hàng dài xe gom rác, chiếm dụng lòng lề đường, gây ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện. Rác thải sinh hoạt bị lưu cữu song nhiều nơi lại không được che phủ bạt. Đặc biệt, cũng từ đây, nước rỉ rác chảy lênh láng ra đường, bốc mùi khó chịu.
Theo phân luồng vận chuyển rác thải trên địa bàn thành phố, rác thải sinh hoạt của 12 quận và 5 huyện: Thanh Trì, Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh được thu gom, vận chuyển về Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) với khối lượng tiếp nhận trung bình 5.000 - 5.500 tấn/ngày.
Theo một số công nhân môi trường đang túc trực tại những điểm tập kết rác thải sinh hoạt, nguyên nhân dẫn đến rác thải bị ùn ứ, chưa thể vận chuyển hết do dự án nhà máy điện rác Sóc Sơn (thuộc khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn, trên địa bàn huyện Sóc Sơn) chậm tiến độ, chưa đốt rác theo kế hoạch, trong khi đó bãi chôn lấp rác thải đã quá tải.
Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, từ ngày 12 đến hết 16/6, Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn tiếp nhận xử lý bằng phương pháp chôn lấp trung bình khoảng 4.829 tấn/ngày - đêm, thấp hơn trung bình 5 tháng đầu năm khoảng 219 tấn/ngày - đêm.
Rác thải ùn ứ trên đường Phạm Hùng, TP. Hà Nội. Ảnh: Báo Hà Nội Mới.
Ngày 17/6, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân các quận chỉ đạo nhà thầu duy trì vệ sinh môi trường thực hiện thu gom, vận chuyển toàn bộ khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn về Khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, Sóc Sơn theo quy định.
Ủy ban Nhân dân các quận chỉ đạo nhà thầu phối hợp chặt chẽ với Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) trong việc tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt tại Khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, đảm bảo khu xử lý vận hành an toàn, hiệu quả.
Đối với khối lượng chất thải rắn sinh hoạt chưa vận chuyển về khu xử lý do các yếu tố khách quan, Ủy ban Nhân dân các quận chỉ đạo nhà thầu có phương án đảm bảo vệ sinh môi trường không gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, đảm bảo an toàn giao thông, mỹ quan đô thị.
Sở Xây dựng Hà Nội giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật tăng cường công tác quản lý, vận hành, tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt tại các khu xử lý tập trung, đặc biệt là khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn đảm bảo công tác tiếp nhận liên tục, an toàn; báo cáo sở các nội dung vượt quá thẩm quyền để được chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời.
Về nguyên nhân tồn đọng rác thải, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, theo kế hoạch, từ năm 2021, Nhà máy Điện rác Sóc Sơn sẽ được đưa vào vận hành, lượng rác chôn lấp sẽ chỉ còn 1.900 tấn/ngày (thay vì 5.000- 5.500 tấn/ngày như hiện nay), theo báo Hà Nội Mới.
Tuy nhiên, Nhà máy Điện rác Sóc Sơn đã không được đưa vào vận hành đúng tiến độ kế hoạch, nên khối lượng rác phải xử lý bằng chôn lấp thực tế đã vượt rất nhiều so với khối lượng được giao trong gói thầu. Trong khi đó, mấy ngày qua, mưa to kéo dài làm xuống cấp tuyến đường vận hành khu vực tiếp nhận rác trong bãi rác Nam Sơn. Điều kiện hạ tầng kỹ thuật xuống cấp đã dẫn đến các xe vận chuyển rác ra vào bãi khó khăn, dẫn đến không vận chuyển được hết rác thải trên địa bàn.
Về vấn đề rác thải tồn đọng trên đường, Phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) thông tin, trong nhiều văn bản chỉ đạo, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện chủ động bố trí các điểm tập kết, điểm trung chuyển rác thải trong điều kiện khu xử lý ùn ứ; che phủ bạt, phun khử khuẩn nếu để lưu cữu nhiều ngày.
Tuy nhiên, ngoại trừ Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) có các điểm trung chuyển tiếp nhận rác, nhiều quận, huyện chưa quan tâm, chưa bố trí đúng theo hướng dẫn. "Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ kiểm tra việc thu gom, vận chuyển rác thải nhằm chấn chỉnh tình trạng trên", lãnh đạo Phòng Hạ tầng kỹ thuật cho hay.
Bích Thảo (T/h)