Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hà Nội: Trồng cây dưới gầm đường sắt để… làm gì?

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Hai hàng cây với khoảng 100 cây xanh được trồng ngay dưới gầm đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đoạn thuộc phố Yên Lãng, gây bất ngờ cho nhiều người.

(ĐSPL) - Hai hàng cây với khoảng 100 cây xanh được trồng ngay dưới gầm đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đoạn thuộc phố Yên Lãng, gây bất ngờ cho nhiều người. Thế nhưng, giải thích về việc này, đại diện công ty cây xanh Hà Nội lại cho hay, đó là kinh nghiệm học từ nước ngoài.

Học nước ngoài, trồng cây dưới gầm đường sắt?

Những ngày này, người dân sinh sống trên phố Yên Lãng (Đống Đa, Hà Nội) không khỏi ngạc nhiên trước sự việc hàng cây xanh mọc dưới gầm tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Theo ghi nhận của PV, trên tuyến phố Yên Lãng, đoạn dài khoảng 300m, ngay dưới dải phân cách gầm đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, hai hàng cây cao lớn với khoảng 100 cây xanh đã được trồng.

Điều đáng nói, nhiều cây xanh mới trồng, thậm chí đã chạm nóc bê tông của tuyến đường sắt, số còn lại cũng “chới với” chạm đến trần đường tàu. Việc trồng cây kỳ lạ của Hà Nội khiến nhiều người dân sống ven phố cũng như những người qua lại không khỏi ngạc nhiên đặt câu hỏi vì sao Hà Nội trồng cây dưới gầm đường sắt trên cao?

Nhiều người dân thắc mắc về cách trồng cây độc nhất vô nhị của Hà Nội.

Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, cô Nguyễn Thị Hương - một người dân sống trên phố Yên Lãng cho hay, hàng cây trên mới được trồng cách đây vài ngày và gây cho người dân nhiều bỡ ngỡ. Cũng theo cô Hương, cách trồng cây kỳ lạ này khiến người dân cả phố phải thắc mắc, phì cười: “Chúng tôi phải phì cười vì không biết họ có kiến thức trồng cây không? Trồng như thế thì cây phát triển thế nào?”.

Anh Phan Tuyến, một người qua đường bày tỏ: “Trồng cây như thế là bất hợp lý? Liệu khi cây lớn lên có ảnh hưởng đến đường tàu, ảnh hưởng đến hoạt động của tàu?”. Nhiều người khác thì đặt nghi vấn “không biết có phải Hà Nội trồng cây để cho đủ chỉ tiêu?”.

Đem thắc mắc về việc trồng cây có một không hai trên liên hệ với công ty TNHH MTV Công viên – cây xanh Hà Nội, chúng tôi lại nhận được lời khẳng định của ông Vũ Kiên Trung - Tổng Giám đốc rằng: Việc trồng cây dưới gầm đường tàu là học từ nước ngoài.

Theo ông Vũ Kiên Trung, ở các nước như Nhật, Trung Quốc, Singapore và những thủ đô phát triển trên thế giới, câu chuyện trồng cây ở gầm đường sắt trên cao, gầm cầu vượt là câu chuyện bình thường. “Những nơi ấy, bằng kỹ thuật hiện đại, họ phủ xanh hết cả đường sắt, cầu vượt... tạo ra hàng cây rất đẹp. Ở các nước tiên tiến họ làm được thì mình cũng làm được” – vị lãnh đạo công ty TNHH MTV công viên - cây xanh Hà Nội khẳng định với PV báo ĐS&PL.

Cũng theo ông Trung, đây là chủ trương của TP, đơn vị chỉ thực hiện và công ty có xe chuyên dụng, để khống chế chiều cao liên tục. “Bây giờ mình cắt tỉa liên tục chứ không như trước nên không lo ngại”, Tổng Giám đốc công ty nói. Cũng theo đơn vị này, loại cây trồng ở tuyến trên là cây chiêu liêu. Vị này cho biết, cây chiêu liêu như bàng, lá tán nhỏ đẹp và việc trồng cây như thế đã được nghiên cứu.

Dấu hỏi về mục đích

Trao đổi cùng PV báo ĐS&PL, chuyên gia sinh học nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng cho biết, cây chiêu liêu còn được gọi là cây bàng Đài Loan. Đây là loại cây tán đẹp, lá nhỏ và có thể hoàn toàn khống chế được chiều cao. Cũng theo chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, loại cây này thường được trồng nhiều ở phía Nam và phù hợp với khí hậu Hà Nội. Cây này mới đây được đưa vào trồng ở các đô thị.

Theo đó, chiêu liêu là cây gỗ trung bình, rụng lá mùa khô, cao 10-20cm, đường kính 40-80cm. Tán cây phân tầng, nhiều cành lá như cây bàng. Vỏ thân màu xám nhạt, nứt sâu 4-8mm tạo thành các hình chữ nhật không đều; thịt vỏ dày 1,5-1,8cm, có nhiều lớp đỏ và nâu xen kẽ; khi mới chặt có ít dịch vỏ màu đỏ nhạt, vị chát. Cũng cần nói thêm, cây chiêu liêu có cụm hoa hình chùm bông, nhiều hoa, ở các nách lá gần đầu cành, dài 5-10cm, trục cụm hoa có lông.

Đánh giá về cách trồng cây ngay dưới gầm đường sắt trên cao, chuyên gia – TS.Nguyễn Tiến Hiệp (trung tâm Bảo tồn Thực vật Việt Nam) cho biết: “Thông thường ở gầm cầu vượt hay đường sắt, thì họ trồng cây ưa bóng như hoa, cỏ chứ không ai trồng những cây gỗ lớn”.

Ông Hiệp cũng giải thích thêm, loại cây nói trên là cây bàng Đài Loan và tên gọi chiêu liêu là tên gọi địa phương. “Loại cây này tán thưa, cây này là cây nhập vào”, chuyên gia Hiệp nói. Về việc cây chiêu liêu hay bàng Đài Loan được trồng gầm đường sắt, ông Hiệp nói: “Có thể họ có nghiên cứu khác nên chưa thể đưa ra bình luận”.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn cho biết: “Sở GTVT Hà Nội sẽ kiểm tra xem việc trồng cây như thế có ảnh hưởng đến công trình và việc hoạt động của đường tàu sau này không? Tuy nhiên, nếu các cây nói trên mà mọc cao thì đơn vị trồng cây phải cắt tỉa để tránh ảnh hưởng”.

Theo tìm hiểu của PV, cây chiêu liêu có tên gọi khác là cây Kha Tử, cây chiêu liêu xanh, cây tiếu, cây sang hay cây Bana. Đây là một loại cây thây gỗ trung bình. Cây có tán rộng có thể trồng trong khuôn viên ngoại thất hay trong các khu đô thị, vỉa hè đường phố. Tán cây phân nhiều tầng giống cây bàng hay cây hoa sữa. Cây thường mọc hoang và được trồng nhiều ở các tỉnh miền Nam nước ta.

Cũng trao đổi với PV, GS. TS. Lê Đình Khả, hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam cho biết: Trong trồng cây đô thị, chúng ta phải có tầm nhìn 7-10 năm. Việc Hà Nội trồng cây dưới gầm cầu đường sắt trên cao là rất kỳ lạ, bởi, theo tôi cây chiêu liêu có thể đạt độ cao đến cả chục mét. Tuy vậy, về chiều cao có thể khống chế.

Theo ông Khả, một bất cập khác từ việc trồng cây chiêu liêu là cây này thuộc họ bàng. Tuy có tán rất đẹp nhưng mùa đông sẽ rụng lá và làm mất mỹ quan đô thị. Còn trong mùa mưa bão cây dễ đổ làm cản trở giao thông. Vị này cũng đặt dấu hỏi về mục đích trồng cây này. Cây chiêu liêu tuy có tán đẹp nhưng chỉ phù hợp với trồng ở công viên chứ không phải ở lề đường. “Có rất nhiều chỗ để trồng cây nên Hà Nội không thể cứ chỗ nào cũng trồng được”, ông Khả nói.

NHẤT NAM

Xem thêm video:

[mecloud]ID8LztIbmw[/mecloud]

Tin nổi bật