Bất ngờ kiểm tra phòng trọ của Hưng ở phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội, công an phát hiện hơn 10.000 chiếc đồng hồ đeo tay cùng với 1.500 đèn led trang trí không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Báo Dân trí đưa tin, trưa ngày 4/7, Công an phường Ngọc Hà phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế (Công an quận Ba Đình, Hà Nội) tiến hành kiểm tra phòng trọ của Nguyễn Đình Hưng (SN 1992), địa chỉ phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội.
Hàng nghìn chiếc đồng hồ bị thu giữ - Ảnh: MĐ/ Tiền Phong |
Qua đó, tổ công tác phát hiện trong nhà Hưng cất giữ một lượng lớn đồng hồ đeo tay các loại do nước ngoài sản xuất, không nhãn mác cùng nhiều đèn led trang trí xe máy đều không có nguồn gốc xuất xứ.
Làm việc với tổ công tác, Nguyễn Đình Hưng không xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc số hàng trên.
Báo An ninh Thủ đô dẫn lời Trung tá Nguyễn Xuân Sơn, Trưởng CAP Ngọc Hà cho biết, qua kiểm đếm sơ bộ, có khoảng hơn 10.000 chiếc đồng hồ đeo tay dây kim loại và dây da các loại cùng với 1.500 đèn led trang trí xe đạp và xe máy.
Tổ công tác đã lập biên bản, niêm phong, tạm giữ toàn bộ số hàng trên ước tính có giá trị hơn 1 tỷ đồng.
Điều 153. Tội buôn lậu (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào buôn bán trái phép qua biên giới thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 154, 155, 156, 157, 158,159,160 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này; b) Vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá; c) Hàng cấm có số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 154, 155, 156, 157, 158,159,160 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Vật phạm pháp có giá trị từ ba trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; đ) Hàng cấm có số lượng rất lớn; e) Thu lợi bất chính lớn; g) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác; h) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; i) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; k) Phạm tội nhiều lần; l) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Vật phạm pháp có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng; b) Hàng cấm có số lượng đặc biệt lớn; c) Thu lợi bất chính rất lớn; d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Vật phạm pháp có giá trị từ một tỷ đồng trở lên; b) Thu lợi bất chính đặc biệt lớn; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)