Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hà Nội lại tách làn cứng ô tô, xe máy: Làm sao để tránh đi vào "vết xe đổ"?

  • Nguyễn Lâm
(DS&PL) -

Đa số các ý kiến đều ủng hộ phương án phân làn cứng tách riêng ô tô, xe máy, thế nhưng sẽ áp dụng như nào vào thực tế là vấn đề được dư luận quan tâm.

Những lần thí điểm thất bại

Dự kiến trong tháng 6/2025, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ triển khai phân làn cứng tách riêng ô tô, xe máy trên các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công và cầu Nhật Tân. Đây đều là các tuyến có mặt cắt ngang rộng, đủ điều kiện tổ chức phân làn theo đánh giá của cơ quan chức năng.

Theo ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, việc phân làn sẽ được triển khai bài bản thành dự án, mục tiêu nhằm tăng tính trật tự, thông suốt cho giao thông, giảm thiểu ùn tắc, tai nạn và tăng cường an toàn cho người tham gia giao thông.

Các tuyến cầu, đường nói trên đều đủ điều kiện để phân làn riêng khi qua nghiên cứu của Sở chuyên ngành cho thấy, lưu lượng không quá tải, bề mặt lòng đường đủ chiều rộng.

Sở GTVT Hà Nội dựng dải phân cách cố định nhằm tách làn riêng cho các loại phương tiện trên tuyến đường Nguyễn Trãi

Việc phân làn còn giúp người tham gia giao thông dễ nhận biết làn đường, di chuyển đúng làn và tránh lấn làn, chen lấn, đặc biệt trong giờ cao điểm. 

Cụ thể, đường Phạm Văn Đồng rộng tới 93m, mỗi bên có 6 làn xe; đường Võ Chí Công rộng từ 57,5 đến 64,5m; cầu Nhật Tân rộng 33,8m với 8 làn xe hỗn hợp. 

Phương án trên của Sở Xây dựng Hà Nội ngay sau khi được thông tin đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của người dân với những bình luận trái chiều. Bên cạnh những ý kiến đồng tình, ủng hộ thì vẫn có nhiều người hoài nghi hiệu quả của phương án này. Bởi lẽ đề xuất phân làn cứng, tách riêng ô tô và xe máy không phải lần đầu tiên xuất hiện tại Hà Nội.

Trong quá khứ, Thành phố từng 5 lần tổ chức phân làn ô tô, xe máy: Năm 2003 trên tuyến Kim Mã, năm 2006 trên tuyến Trần Khát Chân - Ðại Cồ Việt, năm 2009 trên tuyến Giải Phóng, năm 2011 trên một loạt tuyến phố (Trần Khát Chân - Ðại Cồ Việt, Xã Ðàn, Giải Phóng, Phố Huế, Bà Triệu, Nguyễn Trãi,…). Kết quả sau đó đều thất bại, tiêu tốn hàng chục tỷ đồng.

Gần nhất đây, ngày 6/8/2022, Sở GTVT Hà Nội dựng dải phân cách cố định nhằm tách làn riêng cho các loại phương tiện trên tuyến đường Nguyễn Trãi (đoạn Ngã Tư Sở - Khuất Duy Tiến, thuộc địa bàn quận Thanh Xuân).

Theo ghi nhận thực tế, tuyến đường trên vẫn xảy ra tình trạng các phương tiện di chuyển lộn xộn, hỗn loạn. Thậm trí, nhiều trường hợp người tham gia giao thông tự va quệt với hệ thống biển báo, giải phân cách cứng.

Bên cạnh sự di chuyển lộn xộn giữa các làn của ô tô và xe máy, một thực trạng phổ biến khác là xe buýt phải chuyển làn liên tục để ra vào điểm dừng gây xung đột, mất an toàn giao thông.

Ý tưởng tốt nhưng cần tính toán kỹ

Trao đổi với PV về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Tuấn (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, bản thân thường xuyên đi làm qua cầu Nhật Tân, Võ Chí Công nên ủng hộ phương án trên của Sở Xây dựng.

"Các tuyến đường trên khá rộng việc phân làn là hợp lý. Cơ quan chức năng cần đặt biển báo rõ ràng, xử lý nghiêm tình trạng không đi đúng làn để tạo sức răn đe cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, tôi cũng mong cơ quan chức năng có phương án phân làn hợp lý, trường hợp ô tô muốn rẽ vào nhà mặt đường thì đi lại thế nào? Có đảm bảo thông thoáng cho phần đường xe máy không khi xe thu gom rác, ô tô cá nhân vẫn dừng đỗ nhan nhản bên lề đường?… ", anh Tuấn nói.

Cũng có ý kiến cho rằng phương án trên chưa thực sự hợp lý. Bởi số lượng xe và người dân sống ở nội ô rất đông nên nhu cầu rẽ trái, rẽ phải rất lớn. Việc lắp đặt dải phân cách sẽ dồn xe vào một chỗ giống như nút thắt cổ chai, vô tình làm kẹt xe tại những nơi mà người lưu thông buộc phải đi qua trong khi nhu cầu của họ là rẽ trái hoặc rẽ phải ở một nơi khác.

TS. Nguyễn Hữu Đức

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho biết, mỗi phương án phân làn giao thông dù là phân cách cứng hay phân cách mềm đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Tất nhiên, nếu phân làn được xe máy và ô tô thì quá tốt, điều này sẽ tăng tính trật tự, thông suốt cho giao thông, từ đó giảm thiểu tai nạn giao thông, nâng cam ý thức của người dân khi tham gia giao thông.  Thế nhưng, đây là vấn đề không hề đơn giản với điều kiện Việt Nam hiện nay.

Việc phân cách cứng làn ô tô và xe máy thường được thực hiện trong trường hợp chiều đi và chiều về tương đối cố định. Không xảy ra tình trạng tuyến đường chỉ bị tắc ở chiều đi hoặc chiều về.

Trong những lần thí điểm phân làn trước đây, người dân chỉ thực hiện khi lực lượng chức năng có mặt. Nhưng các lực lượng không thể ngày đêm túc trực, nên sự thất bại là khó tránh khỏi trong bối cảnh việc chấp hành luật giao thông đang bị một bộ phận người dân xem nhẹ, với ưu tiên cao nhất là sự tiện lợi cá nhân.

Chính vì vậy, để phương án phân làn lần này tránh lặp lại thất bại, tránh “điệp khúc” vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, gây tốn kém ngân sách và bất tiện cho người dân, các cơ quan quản lý cần có nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trước khi thực hiện, lắng nghe phản biện từ dư luận.

Khi tìm được phương án tạo ra sự thuận lợi lớn nhất cho người dân với những nhu cầu khác nhau thì họ sẽ tự giác chấp hành, không cần lực lượng chức năng phải “gồng mình” giám sát. 

Còn về lâu dài, công tác quy hoạch đô thị và quy hoạch mạng lưới giao thông cần sớm được thực hiện. Nếu không thì mọi phương án tổ chức giao thông sẽ chỉ là giải pháp tình thế, và sẽ không bao giờ giải quyết được bài toán này.

Tin nổi bật