Căn cứ quá trình hỏi đáp tại phiên tòa, HĐXX xét thấy việc bà Vũ Thị Viễn khai tử bố mẹ chồng khi 2 cụ đang còn sống có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tòa cấp sơ thẩm quyết định chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để làm rõ.
Con dâu khai tử bố mẹ chồng
Ngày 18/9, TAND TP.Hà Nội tiếp tục mở lại phiên tòa xét xử vụ án tranh chấp đòi nhà cho ở nhờ và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà nguyên đơn trong vụ án là ông Nguyễn Nghĩa cùng vợ là bà Hoàng Thùy Linh; bị đơn là bà Vũ Thị Viễn, người được cho là đã khai tử bố mẹ chồng khi đang còn sống để chiếm nhà, đất.
Hai cụ Đỗ Văn Hợp và cụ Nguyễn Thị An (cùng 88 tuổi, ở quận Tây Hồ, bố mẹ chồng bà Viễn) được xác định là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự này. Đây cũng là lần thứ 5 mở tòa; do các cụ tuổi cao sức yếu nên rất mong vụ án nhanh chóng khép lại, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho 2 cụ.
Quá trình mở tòa, bên nguyên đơn là bà Hoàng Thùy Linh khởi kiện bà Vũ Thị Viễn với yêu cầu khởi kiện, buộc bà Viễn trả lại nhà, đất cho ở nhờ tại thửa đất số 70 + 70A tờ bản đồ số 19, số 62A, ngõ 399 Âu Cơ (sổ cũ là tổ 7 cụm 1), phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Cụ Hợp và cụ An (áo nâu) bên cạnh con cháu. |
Bà Linh căn cứ theo hợp đồng chuyển nhượng nhà ở và quyền sử dụng đất ở số công chứng 225415 ngày 15/4/2015 tại văn phòng công chứng số 3 thành phố Hà Nội giữa bên chuyển nhượng là bà Vũ Thị Viễn với bên nhận chuyển nhượng là ông Nguyễn Nghĩa và bà Hoàng Thùy Linh; GCNQSDĐ số 10103091022 do UBND TP.Hà Nội cấp ngày 04/5/2015 mang tên Nguyễn Nghĩa và Hoàng Thùy Linh; Hợp đồng cho ở nhờ và thông báo đòi nhà ở nhờ.
Về phía bị đơn, trong văn bản gửi đến các cơ quan tố tụng, bà Viễn đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, song tất cả những lần mở tòa, bà Viễn đều có đơn xin xét xử vắng mặt.
Về nguồn gốc thừa đất đang tranh chấp trên, bên người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày: Năm 1998, vợ chồng cụ Đỗ Văn Hợp chia cho con trai cả tên Đỗ Mạnh Tiến mảnh đất có tổng diện tích hơn 180m2 ở ven Hồ Tây.
Bảy năm sau, ông Tiến qua đời vì bệnh hiểm nghèo, bà Viễn (vợ ông Tiến) cùng 2 con gái ở lại trong ngôi nhà 3 tầng xây trên mảnh đất này.
Sau khi chồng mất, bà Viễn bí mật đến phòng Công chứng số 3 Hà Nội kê khai giấy tờ và làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm 1 nửa quyền sở hữu nhà và 1 nửa quyền sử dụng đất. Các thủ tục trên được 2 con gái của bà Viễn đồng thuận.
Điều đáng nói ở đây, dù bố mẹ chồng bà Viễn vẫn còn sống nhưng bà Viễn lại khai 2 cụ đã chết để được nhận số tài sản trên. Ngày 4/7/2006, trong giấy tờ thông báo về việc khai nhận di sản có xác nhận thông tin của bà Viễn có ghi: “Người để lại di sản: Ông Tiến đã chết ngày 8/1/2005. Cha, mẹ đẻ của ông Tiến đã chết”.
Căn cứ vào văn bản của bà Viễn, UBND phường Nhật Tân đã niêm yết thông tin về việc kê khai di sản thừa kế tại trụ sở. Đáng chú ý, trong đó có nội dung ghi 2 cụ Đỗ Văn Hợp và Nguyễn Thị An đã chết?!
5 năm chưa giải quyết xong vụ kiện
Sự việc cứ thế trôi qua, cho đến năm 2015, chị Mai (con gái cả của bà Viễn) bất ngờ gặp cụ Hợp và thông báo bà Viễn đã làm thủ tục nhận di sản thừa kế, sau đó làm sổ đỏ nhà đất và bán toàn bộ tài sản cho vợ chồng bà Linh. Vợ chồng cụ Hợp gần như ngã ngửa trước tin sét đánh mà cháu nội vừa thông báo.
Sự việc vỡ lở, tháng 4/2017, vợ chồng bà Linh làm thủ tục khởi kiện vụ án tranh chấp đòi nhà cho ở nhờ và yêu cầu hủy sổ đỏ trong giao dịch với bà Viễn ra TAND Hà Nội.
"Vợ chồng cụ Hợp đã ủy quyền cho con gái là Đỗ Thị Huyền tham gia tố tụng với vai trò là người có nghĩa vụ liên quan trong vụ án này. Hai cụ mong muốn sẽ được hủy toàn bộ giấy tờ do con dâu lập ra, đồng thời trả lại số đất trên cho vợ chồng cụ". |