Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hà Nội còn 12 điểm ngập úng, xử lý thế nào khi mùa mưa đã đến?

(DS&PL) -

Tình trạng ngập sau mưa lớn ở Hà Nội đã tái diễn suốt nhiều năm qua, nhưng cho đến nay, dường như cơ quan chức năng vẫn loay hoay tìm cách giải quyết.

Tình trạng ngập sau mưa lớn ở Hà Nội đã tái diễn suốt nhiều năm qua, nhưng cho đến nay, dường như cơ quan chức năng vẫn loay hoay tìm cách giải quyết mặc dù đã có nhiều dự án nghìn tỷ cho việc này.

12 điểm ngập úng khó giải quyết

Mùa mưa bão đang diễn ra, Hà Nội liên tiếp “đón nhận” những trận mưa như trút nước. Đặc biệt, mới đây nhất, vào chiều 17/8 trên địa bàn Thành phố xảy ra trận mưa lớn, lượng mưa đo được lên đến hơn 100mm.

Trên các tuyến phố thuộc quận Đống Đa, Hoàng Mai, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm..., lượng mưa phổ biến từ 20– 70mm biến đường phố thành sông suối, lượng nước ngập nửa xe máy, các phương tiện đi lại như bơi giữa lòng hồ. Giải thích về vấn đề này, theo báo cáo của công ty Thoát nước Hà Nội, do lượng mưa cấp tập diễn ra trong thời gian ngắn, xảy ra cục bộ dẫn đến hệ thống thoát nước trên nhiều tuyến phố không kịp tiêu thoát, gây ngập úng.

Là người dân sống tại phố Lương Thế Vinh (quận Hà Đông), một trong những con phố hễ cứ mưa là ngập nửa xe, chị Vũ Thị Linh cho biết, năm nào cũng thế, cứ vào mùa mưa, tuyến đường vào nhà chị lại ngập quá nửa xe máy khiến việc đi lại rất khó khăn.

“Có những năm, mưa dầm cả tuần, tôi và chồng còn phải gửi xe ngoài đầu đường đi bộ vào vì nhiều lần xe chết máy. Tôi cũng thấy họ nâng đường, nhưng tình trạng này không cải thiện mấy, đâu lại vào đấy”, chị Linh chia sẻ.

Đến hẹn lại lên, cứ vào mùa mưa nhiều tuyến đường biến thành sông suối. Ảnh minh họa

Theo tìm hiểu của PV, năm 2000, UBND TP.Hà Nội phê duyệt dự án thoát nước Hà Nội với mục tiêu chống ngập cho các quận nội thành nằm trong lưu vực sông Tô Lịch và sông Nhuệ. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 550 triệu USD.

Theo tiến độ, đến 2005 dự án sẽ hoàn thành, tuy nhiên do triển khai chậm, ngoài đội vốn thêm gần 100 triệu USD, đến cuối năm 2016 dự án mới hoàn thành (chậm 12 năm). Tuy nhiên, vào mùa mưa năm 2017 mặc dù mưa lớn hay nhỏ, đường Hà Nội vẫn ngập nặng. Tình trạng này các năm tiếp theo vẫn không thuyên giảm và càng ngày càng tăng lên.

Về việc này, ông Hoàng Cao Thắng Phó- Giám đốc sở Xây dựng Hà Nội – giải thích, hiện nay khu vực nội thành Hà Nội còn tồn tại 12 điểm úng ngập. Trong đó có 6 điểm không giảm được ngập úng gồm: Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Ngã năm Đường Thành - Bát Đàn, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Trường Chinh, Đại lộ Thăng Long. Nguyên nhân không thể khắc phục do bất lợi về địa hình, xa nguồn xả.

“Nhận định với cường độ mưa năm nay trong khoảng từ 50-100mm/2 giờ thì các tuyến phố chính vẫn tồn tại úng ngập. Với các trận mưa nhỏ dưới 50mm/2 giờ sẽ không xảy ra úng ngập, cơ bản chỉ tồn tại một vài vị trí ứ đọng nước do cao độ mặt đường trũng thấp hoặc hệ thống thoát nước gặp sự cố”, ông Thắng giải thích.

Giải pháp cục bộ chưa hoàn thành

Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, ông Võ Tiến Hùng - Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội lý giải, những năm gần đây, do biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, tần suất các cơn bão ảnh hưởng đến khu vực Hà Nội có xu thế tăng, lượng mưa vượt trung bình hàng năm...

“Về cơ bản, tại Hà Nội hiện nay với những trận mưa nhỏ dưới 50mm/2 giờ sẽ không xảy ra ngập úng. Tuy nhiên, với các trận mưa có cường độ từ 50 – 100mm/2 giờ, Hà Nội hiện còn 12 điểm ngập úng”, ông Hùng nói.

Đối với giải pháp, ông Hùng cho hay, hiện nay các nhà thầu đã chủ động triển khai cho các quận về việc chủ động tốt công tác phòng chống ngập úng mùa mưa... theo phương châm 4 tại chỗ, chủ động cơi nới cống xả nhằm hạn chế ngập úng. Cùng với đó, công ty đã yêu cầu các đơn vị khác cũng triển khai các giải pháp duy tu, duy trì, phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống thoát nước. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, thanh tra xây dựng... trong công tác chống lấn chiếm, giải tỏa bục bệ, cầu dẫn sai quy định ảnh hưởng đến thu nước trên địa bàn. Ngoài ra, tiếp tục phát huy có hiệu quả trung tâm Điều hành hệ thống thoát nước, trong đó, hoàn thiện hồ sơ vận hành, tích hợp được số liệu hiện có, lắp đặt thêm các điểm đo mực nước tự động trên sông, hồ. Thiết lập danh sách tra cứu điểm ngập úng, kịch bản điều hành cho từng tình huống... để nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống ngập lụt mùa mưa.

Đối với giải pháp lâu dài, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội -cho biết, trước đây Hà Nội đã có cả dự án về hệ thống thoát ngập úng tại các quận nội thành. Tuy nhiên, hiện nay biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, chính vì thế các cơ quan chức năng cần xem xét lại các dự án, để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện nay. Tiếp đó, việc đảm bảo liên thông hệ thống thoát nước Thành phố cũng cần được triển khai, việc duy tu hệ thống cống ngầm chúng ta làm chưa quyết liệt.

“Thêm một giải pháp nữa là, đã đến lúc chúng ta có giải pháp khoa học mới để tránh úng ngập cục bộ, có những sáng kiến để giải quyết các vấn đề này triệt để. Huy động nguồn lực, ngân sách, giải quyết vấn đề. Việc này HĐND Thành phố cũng đã họp bàn nhưng vẫn chưa thành công. Chúng ta cần quyết liệt hơn nữa”, ông Nghiêm nhấn mạnh. Ngoài ra, theo ông Nghiêm, Thành phố cần hoàn thiện quy hoạch phân khu. Ví dụ như giải pháp chống ngập tại khu vực hồ Hoàn Kiếm đã được bàn nhưng chưa được phê duyệt. Chính vì thế, các cơ quan chức năng cần sớm phê duyệt những khu vực phân khu thì mới xây dựng được dự án riêng, từ đó đồng bộ tất cả giải pháp mới giải quyết dứt điểm vấn đề này.

“Để người dân có thể nắm bắt tình hình diễn biến các trận mưa, điểm úng ngập trên địa bàn Thành phố, sở Xây dựng cũng đã nâng cấp phần mềm HSDC Maps trên điện thoại thông minh như: Cảnh báo ngập lụt, gợi ý chỉ đường, thông tin mực nước, lượng mưa, hình ảnh camera của điểm ngập, tương tác với người dân qua chức năng gửi thông tin sự cố” - Ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc sở Xây “ dựng Hà Nội. ”

Lê Liên

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Năm (134)

Tin nổi bật