Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hà Nội có nên “chia” cho mỗi quận huyện một tượng đài?

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Hà Nội sẽ xây mới 35 tượng đài nữa trong vòng 10 năm tới. Đó là tư vấn của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đối với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội.

(ĐSPL) - Hà Nội sẽ xây mới 35 tượng đài nữa trong vòng 10 năm tới. Đó là tư vấn của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đối với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Hà Nội trong buổi hội thảo đầu tháng 12.

Đề án quy hoạch hệ thống tượng đài trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 đề xuất cần có 69 tượng đài. Hiện, Hà Nội đã có 34 tượng đài. Và trong vòng 15 năm tới, Hà Nội sẽ xây thêm 35 tượng đài. Tuy nhiên, khi những con số này được đưa ra để bàn thảo, nhiều nhà nghiên cứu cũng như kiến trúc sư không khỏi băn khoăn bởi có cần thiết phải xây mấy chục tượng đài mới tại hầu hết các quận, huyện ở Hà Nội?

Xung quanh vấn đề này, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có buổi trao đổi với kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện, người đã giữ chức Chủ tịch hội Kiến trúc sư Việt Nam trong 3 khóa liên tiếp.

Ông Nguyễn Trực Luyện, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

Tượng đài không phải hàng hóa để ban phát

Thưa ông, Hà Nội hiện có 34 tượng đài. Giám đốc trung tâm Kiến trúc quy hoạch Hà Nội - đơn vị tư vấn và xây dựng đề án - ông Trần Gia Lượng nói rằng, số lượng tượng đài tại TP. Hà Nội còn thiếu, chưa xứng tầm với vai trò, vị thế và truyền thống văn hóa lịch sử của Thủ đô nhất là sau khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008. Ông có ý kiến gì về nhận định này?

Nói Hà Nội ít tượng đài là ý kiến thiếu cơ sở chuyên nghiệp. Việc xây dựng tượng đài cần căn cứ vào quy hoạch, căn cứ vào yếu tố văn hóa, lịch sử cấu trúc đô thị, cảnh quan xây dựng...

Ông nghĩ sao khi đơn vị tư vấn và xây dựng đề án đề xuất xây mới thêm 35 tượng đài, sửa chữa và phân bố lại cho cân đối hài hòa theo tiêu chí, tất cả các quận, huyện, các cửa ô đều có tượng đài?

Tượng đài không phải hàng hóa dùng để ban phát cho tất cả các địa phương, nơi nào cũng phải có tượng đài. Việc “phổ cập” tượng đài như thế không phải là cách làm đúng. Tượng đài nơi có thể có nhiều, nơi không có cũng không sao. Đây không phải là thứ có thể “bao cấp” bình quân. Chia bình quân các quận huyện đều phải có rồi đề xuất xây dựng thêm 35 tượng đài nữa là không có cơ sở chuyên môn, nghe rất buồn cười. Các anh đã nghiên cứu cụ thể vị trí nào có thể đặt được chưa? Có thể có những quận huyện không đáp ứng đủ các yêu cầu để xây dựng được tượng đài. Xây dựng tượng đài như thế mang tính chất kế hoạch, chỉ tiêu nhiều hơn là chuyên môn.

Vậy ông có tán thành việc xây dựng thêm tượng đài không?

Quy hoạch không gian Hà Nội mở rộng thì làm thêm là điều tất nhiên nhưng làm thêm ở đâu, cái gì cần tính toán xem xét kỹ lưỡng. Không phải cứ duy ý chí, thích là làm mà cần cơ sở nghề nghiệp.

Theo ông, thay vì xây mới các tượng đài, chúng ta có nên điều chỉnh, di dời những tượng đài không hiệu quả, chỉnh trang, cân đối khuôn viên các tượng đài để phát huy vai trò là điểm sinh hoạt công cộng lành mạnh không?

Không thể nói di dời là có thể di dời được. Ví dụ như tượng vua Quang Trung, nếu muốn di dời thì phải quan tâm đến không gian quy hoạch ở đó. Điều đó, đụng chạm nhiều đến yếu tố xung quanh. Tượng đã dựng lên thì hầu như không thể sửa chữa gì được. Vì thế, khi xây dựng tượng đài cần phải kết hợp không gian cảnh quan, yếu tố lịch sử. Xây dựng tượng đài phải làm cẩn thận và phải đáp ứng nghiêm ngặt những tiêu chí nhất định vì làm xong rồi không thể bỏ đi được.

Bản đồ tượng đài được Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia đưa ra để chứng minh Hà Nội đang thiếu tượng đài, đặc biệt là các huyện ngoại thành.

Làm tượng đài khác làm... kinh tế

Đó là những tiêu chí gì, thưa ông?

Như tôi đã nói, tượng đài là một công trình văn hóa nghệ thuật cần phải có quy hoạch xây dựng. Địa điểm có thể làm được? Đặt tượng ở đâu thì có ý nghĩa văn hóa lịch sử? Tượng đài Lê nin do người Nga làm, tượng Lê Thái Tổ của ta làm đáp ứng được các yêu cầu về không gian, nghệ thuật. Còn như tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ làm nhân dịp 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa thì không đạt, vì làm xong tượng mới tìm chỗ đặt, bức tượng quá to so với không gian tại đó. Không gian xung quanh không tạo môi trường thích hợp để đảm bảo tính nghệ thuật của bức tượng. Như vậy, chứ không phải cứ tượng to là oai. Tượng Lý Tự Trọng tuy vị trí tốt nhưng theo tôi cũng chưa đạt chất lượng vì hình tượng nghệ thuật sơ sài, không thể gây xúc động khi xem.

Khi nghe đến đề án xây mới 35 tượng đài, người dân có vẻ không tán đồng vì cho rằng nên xây bệnh viện để hết cảnh bệnh nhân chung giường hay xây cầu vượt để giảm tắc đường. Ông nghĩ thế nào?

(Cười) Đây là hai vấn đề khác nhau. Bên cạnh những vấn đề cụ thể trên, đời sống con người cần phát triển tinh thần. Và, việc xây dựng tượng đài là một việc làm như thế. Tượng đài là một công trình văn hóa nghệ thuật, có khả năng tồn tại hàng trăm năm. Đời cha ông xây dựng nhưng đến nhiều đời con cháu vẫn được hưởng giá trị tinh thần đó. Chúng vừa có giá trị tinh thần, vừa có giá trị giáo dục lịch sử. Việc quy hoạch tượng đài cần có tầm nhìn nghệ thuật và hiệu quả vì chúng ta quy hoạch là để cho tương lai. Khi xây dựng cũng phải tính đến sự gắn kết lịch sử, văn hóa vào tượng đài. Tượng đài của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn thiên về lãnh tụ, mà chưa chú trọng đề tài về văn hóa, tín ngưỡng. Đây là “mảng” còn yếu vì thiếu những tượng đài về nghệ thuật văn hóa phục vụ cho đời sống sinh hoạt văn hóa của người dân. Phải coi tượng đài là tài sản của cả cộng đồng thì tượng đài mới tồn tại được.

Nhưng việc xây dựng tượng đài có thể dùng đến ngân sách, là tiền thuế của người dân mà người dân lại cần những công trình khác hơn?

Người quản lý sử dụng ngân sách phải cân nhắc và tính toán làm gì để đem lại hiệu quả xứng đáng, phục vụ cho sự phát triển và đời sống xã hội của người dân. Bỏ đồng tiền ngân sách ra làm hiệu quả thu lại không phải chỉ là hiệu quả kinh tế mà là hiệu quả văn hóa, hiệu quả tinh thần. Làm tượng đài không phải làm kinh tế mà lỗ, lãi rõ ra được, vấn đề là đạt hiệu quả thì vừa đáp ứng được nhu cầu của người dân lại có thể thu hút du lịch. Bên cạnh đó nên hạn chế việc lấy ngân sách để xây tượng đài mà nên học tập các nước trong việc xã hội hóa đầu tư cho công cộng. Nên, huy động xã hội hóa vì công trình toàn dân.

Những công trình an sinh xã hội vẫn được xây dựng. Tôi nhắc lại, đây là hai vấn đề khác nhau. Có những vấn đề cấp bách hơn, có thể làm trước. An sinh xã hội và văn hóa nghệ thuật là hai yếu tố bổ sung cho nhau, tồn tại song song với nhau chứ không loại trừ nhau.

Trân trọng cảm ơn ông!

5 năm phải xây dựng được 10 tượng đài (!?)

Theo phân tích tại dự thảo, hệ thống tượng đài của Hà Nội chủ yếu chỉ tập trung vào 4 quận nội thành (79\%), thường có nội dung về danh nhân chính trị (64\%) và sự kiện lịch sử (25\%). Theo đề án, lần lượt từ 2014- 2030, Hà Nội cần xây mới thêm 35 tượng đài đạt chất lượng cao. Vị trí của các tượng đài (hoặc phù điêu) này sẽ được phân bố khá đều tại mọi quận, huyện của Hà Nội mở rộng, đồng thời có đủ ở 5 cửa ô dẫn vào thành phố. Trước mắt, một số tượng đài đề nghị được ưu tiên xây dựng như tượng đài An Dương Vương (Đông Anh), tượng đài Chu Văn An (Thanh Trì), một tượng đài danh nhân văn hóa tại Bảo tàng Hà Nội, 5 tượng đài danh nhân văn hóa tại các đô thị vệ tinh. Đến năm 2020, tại khu vực trung tâm của 5 đô thị vệ tinh (đô thị Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn) đều có quảng trường gắn với tượng đài, vườn hoa có quy mô phù hợp. Trong vòng, 5 năm phải xây dựng được 10 tượng đài.

Tin nổi bật