Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, anh Hoàng Văn Vinh (quản lý quán karaoke 6A tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết quán tạm dừng hoạt động từ tháng 10/2022. Để đáp ứng các yêu cầu về PCCC, anh Vinh chia sẻ quán đã đầu tư khoảng 2 tỷ đồng để thay đổi toàn bộ hệ thống phòng hát, trang bị thang thoát hiểm tiêu chuẩn, lắp đặt hệ thống bơm PCCC.
“Toàn bộ quá trình sửa chữa đã hoàn thành nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được hướng dẫn chi tiết từ cơ quan chức năng. Đại diện quán đã gửi văn bản tới UBND phường từ thời điểm cận Tết nguyên đán, tuy nhiên đến nay không được phản hồi. Hiện tại chính tôi cũng không rõ quán mình đang thiếu cái gì và cần phải khắc phục điểm nào”, anh Vinh nói và kiến nghị các cơ quan chức năng cần đưa ra chỉ đạo cụ thể để gỡ khó cho các quán karaoke.
Quán karaoke 6A (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã tạm dừng hoạt đông từ tháng 10/2022 để rà soát công tác phòng cháy, chữa cháy.
Phòng hát được thay đổi toàn bộ bằng các vật liệu khó cháy, đồng thời trang bị mặt nạ lọc khói.
Hệ thống cửa ra vào các phòng hát được dán tem kiểm định của Cục Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn Cứu hộ.
Hệ thống thang thoát hiểm bên ngoài quán karaoke 6A.
Một quán karaoke khác tại phố Trung Hoà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đang gấp rút sửa chữa.
Phần sảnh được sử dụng làm nơi tập kết vật liệu xây dựng.
Trong khi đó, từ cuối tháng 10/2022, tập thể doanh nghiệp kinh doanh karaoke TP.Hà Nội đã có văn bản kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ này.
Đơn kiến nghị nêu rõ từ tháng từ ngày 8/10/2022, lực lượng quản lý về phòng cháy, chữa cháy các quận, huyện tại Hà Nội thực hiện kiểm tra toàn bộ các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn thành phố. Sau đợt kiểm tra này, rất nhiều cơ sở bị dừng hoạt động, tạm đình chỉ từ đó đến nay bởi theo kết luận trong biên bản kiểm tra là “không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy”.
“Sau khi nhận biên bản thì các cơ sở hầu như không biết phải sửa chữa ra sao, dùng vật liệu gì. Bên cạnh đó, các quy định về PCCC thay đổi thường xuyên, khiến các nhà đầu tư quán karaoke rất khó khăn trong việc thực hiện, đặc biết đưa ra một số quy định khó áp dụng vào thực tế”, đơn kiến nghị nêu vấn đề.
Về thiệt hại, các chủ kinh doanh karaoke khẳng định mỗi phòng hát tại Hà Nội được đầu tư trung bình cho trang trí, âm thanh khoảng 300-500 triệu đồng. Với hàng nghìn phòng hát trên toàn địa bàn thành phố, tổng chi phí đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Trong đó, chưa đến kể tiền thuê mặt bằng, tiền bồi hoàn sửa chữa lại hiện trạng thuê ban đầu, tiền bồi thường hợp đồng, cung ứng sản phẩm... Hơn nữa, các cơ sở kinh doanh karaoke vừa được hoạt động lại sau dịch COVID-19 chưa lâu, gặp rất nhiều khó khăn.
Do đó, nếu phải đóng cửa thì thiệt hại về kinh tế cực kỳ lớn, làm kiệt quệ những nhà đầu tư dịch vụ karaoke vốn đã thua lỗ vài năm nay, ảnh hưởng tới hàng nghìn lao động phổ thông đang làm việc trong lĩnh vực karaoke.
Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc
Sáng ngày 23/2, tại trụ sở UBND Thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đã chủ trì cuộc họp để đánh giá thực trạng và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động kinh doanh karaoke trên địa bàn Thành phố.
Sau khi nghe báo cáo thực trạng tồn tại, khó khăn, vướng mắc liên quan hoạt động kinh doanh karaoke trên địa bàn của các sở, ngành; ý kiến phát biểu về giải pháp tháo gỡ của các sở, ngành, Công an Thành phố, các Ban thuộc HĐND Thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Công an Thành phố trong việc nghiên cứu, tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành có liên quan thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động kinh doanh karaoke trên địa bàn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội giao Sở Văn hóa & Thể thao chủ trì, khẩn trương tham mưu UBND Thành phố ban hành thông báo về việc chỉ đạo các đơn vị tiếp tục, duy trì việc cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke cho các cơ sở kinh doanh karaoke đủ điều kiện theo đúng quy định của Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 của Chính phủ.
Đồng thời, giao Văn phòng UBND Thành phố chủ trì, phối hợp Công an Thành phố và các sở, ngành tham mưu UBND Thành phố có văn bản kiến nghị Chính phủ, bộ Xây dựng, bộ Công an về giải pháp, cơ chế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động kinh doanh karaoke, đặc biệt quan tâm các cơ sở kinh doanh karaoke đã đưa vào hoạt động từ trước khi QCVN 06:2022/BXD có hiệu lực, đang trong diện chấp hành quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, thông báo yêu cầu dừng hoạt động.
Căn cứ các nội dung tồn tại, vi phạm về PCCC của các cơ sở, Công an Thành phố Hà Nội có nhiệm vụ rà soát, phân nhóm, đưa ra giải pháp khắc phục cụ thể cho từng nhóm; qua đó, tổ chức hội nghị, gặp gỡ để hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh karaoke trên địa bàn Thành phố tổ chức khắc phục, đáp ứng các yêu cầu về PCCC.
Bên cạnh đó, giao Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo các phòng, ban có liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc toàn diện về các lĩnh vực Văn hóa, ANTT, PCCC,… cho hoạt động kinh doanh karaoke trên địa bàn quản lý. Khi có ý kiến của các bộ, ngành cấp trên, UBND Thành phố tiếp tục thông báo để người dân, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố biết và cùng thực hiện.
Hiếu Nguyễn