Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hà Nam báo cáo Phó Thủ tướng về vụ tai nạn nghiêm trọng

(DS&PL) -

Chiều 16/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý 1/2017...

Chiều 16/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý 1/2017, triển khai nhiệm vụ quý 2/2017.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chủ trì Hội nghị. Ảnh: TTXVN.

Phó Thủ tướng gửi lời thăm hỏi gia đình nạn nhân vụ tai nạn giao thông tại Hà Nam

Mở đầu Hội nghị, thay mặt Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình gửi lời thăm hỏi sâu sắc đến gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra sáng 16/3 tại Hà Nam, làm ba người chết, 14 người bị thương.

Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Hà Nam, các cơ quan liên quan sớm điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn thương tâm này.

Báo cáo với Phó Thủ tướng về tình hình giải quyết vụ tai nạn giao thông, lãnh đạo tỉnh Hà Nam cho biết đã tới hiện trường chỉ đạo giải quyết các vấn đề phát sinh, tập trung nhân lực, vật lực cứu chữa người bị thương, điều tra nguyên nhân vụ tai nạn. Tỉnh đã chỉ đạo trích kinh phí thăm hỏi, hỗ trợ gia đình nạn nhân có người chết và bị thương đang điều trị tại bệnh viện.

Tai nạn giao thông gây thiệt hại lớn

Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng, hai tháng đầu năm 2017, toàn quốc xảy ra 3.465 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.570 người, bị thương 2.660 người, giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 34 tỉnh, thành phố giảm số người chết vì tai nạn giao thông, 26 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng. Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 12 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 34 người, bị thương 30 người; 9 vụ tai nạn rất nghiêm trọng làm chết 17 người, bị thương 62 người; trong đó 17 vụ xảy ra trên tuyến đường bộ, hai vụ trên tuyến đường sắt và hai vụ trên tuyến đường thủy nội địa.

Nhiều vụ tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra, làm thiệt hại lớn về tài sản, gây bức xúc trong dư luận xã hội, trong đó điển hình là hai vụ tai nạn trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, ba vụ tai nạn liên quan đến xe ôtô chở khách hợp đồng tại Quảng Ninh, Hà Nội, Lào Cai làm chết bốn người và bị thương 55 người và 11 vụ tai nạn giữa xe ôtô tải với môtô, xe máy làm 24 người chết và 13 người bị thương. Một số vụ cháy xe ôtô kinh doanh vận tải và phương tiện thuỷ chở khách du lịch đã xảy ra.

Tăng cường phối hợp kiểm soát tải trọng phương tiện

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, vi phạm về chở quá tải đang có dấu hiệu tái diễn tại các địa bàn có mỏ vật liệu (Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An...), khu vực có các công trường đang thi công (Hà Nội, Đà Nẵng) và tại các khu vực đang thu hoạch nông, lâm sản (Gia Lai, Bình Định).

Tính từ 18/12/2016 đến 18/2/2017, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trên cả nước đã kiểm tra 18.550 xe, phát hiện 7.591 xe vi phạm. Lực lượng cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử lý 14.245 trường hợp vi phạm tải trọng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết sau khi dừng hoạt động của các trạm kiểm soát tải trọng xe liên ngành, đến nay, 33 tỉnh dừng không kiểm soát tải trọng xe ở trạm Bộ Giao thông Vận tải đã giao.

Hiện tượng xe quá tải hoạt động trở lại lớn. Qua giám sát của Tổng cục tại Hà Nội, trong một ngày đã phát hiện 35 xe, xử phạt 1 tỷ đồng. Ông Huyện đề nghị xem xét, đánh giá lại và tiếp tục thực hiện Kế hoạch 12593/KHPH-BGTVT-BCA về phối hợp thực hiện việc tuần tra kiểm soát xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá trọng tải của ôtô vận chuyển hàng hóa trên đường bộ, vừa đảm bảo hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng, vừa công khai, minh bạch.

Khẳng định các trạm kiểm soát tải trọng liên ngành hoạt động hiệu quả, Bộ trưởng Bộ giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ có ý kiến về việc tổ chức lại hoạt động của các trạm phối hợp liên ngành, xử lý những lúng túng, khó khăn trong công tác kiểm soát tải trọng vừa qua.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tăng cường chỉ đạo công tác kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ.

Hoàn thiện các quy định pháp luật

Nhằm kéo giảm số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông từ 5-10%; giảm số vụ ùn tắc giao thông, Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật có liên quan đến phát triển và đảm bảo an toàn về kết cấu hạ tầng, phương tiện; kỹ năng, đạo đức, trách nhiệm của người tham gia giao thông cùng với các chế tài xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đổi mới phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông; hoàn thiện chương trình đào tạo gắn liền giữa lý thuyết và thực hành về văn hóa giao thông và đưa vào chương trình chính khóa trong trường phổ thông.

Nhấn mạnh đến các nhiệm vụ cấp bách, trước mắt trong quý 2/2017, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tăng cường chỉ đạo công tác kiểm soát xe khách hợp đồng hoạt động trái phép, vận chuyển vật liệu nổ, hàng cấm; xử lý phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng và các phương tiện mang biển xanh vi phạm.

Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra kiểm soát, chú trọng tuần tra lưu động; mở đợt cao điểm về xử lý vi phạm tốc độ để hưởng ứng Tuần lễ An toàn đường bộ toàn cầu (8-14/5); đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông; gắn và xử lý trách nhiệm người đứng đầu của từng đơn vị theo địa bàn được phân công phụ trách.

Bộ Giao thông Vận tải xây dựng quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với tổ chức và người thực thi công vụ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thuỷ nội địa.

Bộ tiếp tục kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về an toàn giao thông đối với các đơn vị kinh doanh vận tải; nâng cao hiệu quả khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để xử lý các hành vi vi phạm về tốc độ, về hành trình của chủ xe, lái xe; chỉ đạo đăng kiểm trong cả nước tăng cường kiểm tra, ngăn chặn không cho phép lưu hành xe ôtô tự ý hoán cải, thay đổi thiết kế. Bộ chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân các địa phương tổ chức tổng điều tra phương tiện đường thủy nội địa trên địa bàn cả nước.

Tin nổi bật