Những năm qua, Trung ương đã có nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, tạo tiền đề thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp của Việt Nam nói chung, cho thanh niên tỉnh Hà Giang nói riêng, cụ thể: Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; Quyết định 1665/QĐ-TT ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025; Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025… Đặc biệt, mới đây Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 về “Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025”, trong đó dự án về khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp cho đồng báo DTTS rất được chú trọng.
Từ năm 2016, hưởng ứng tinh thần quốc gia khởi nghiệp, Hà Giang đã tích cực xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp (HSTKH) của tỉnh và liên kết với HSTKN cả nước. Tỉnh đã ban hành nhiểu văn bản hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp như: Quyết định số 294/QĐ-UBND ngày 06/03/2017 của UBND tỉnh về Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 450/KH-UBND ngày 18/12/2017 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Chương trình số 302/CTr-UBND ngày 5/12/2016 của UBND tỉnh về tiếp sức khởi nghiệp tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch số 144/KH-UBND ngày 26/4/2018 của UBND Tỉnh về triển khai chương trình nâng cao năng lực khởi nghiệp và ĐMST HSTKN tỉnh Hà Giang năm 2018 và định hướng đến năm 2020; Kế hoạch số 895/KH-BCĐ ngày 16/6/2017 về triển khai thực hiện nhiệm vụ Chương trình khởi nghiệp tỉnh Hà Giang năm 2017, định hướng đến năm 2020; Kế hoạch khởi nghiệp giai đoạn 2021-2025, nhằm hiện thực hóa những chủ trương, chính sách của tỉnh về hỗ trợ đoàn viên thanh niên khởi nghiệp; Kế hoạch số 16/KH-UBND về việc đẩy mạnh ứng dụng KH&CN, ĐMST trong các doanh nghiệp, HTX tỉnh Hà Giang đến năm 2025 nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, từng bước chuyển đổi vị trí, vai trò của khoa học phục vụ phát triển KT-XH; Quyết định số 2718/QĐ-UBND ngày 18/11/2018 của UBND tỉnh về thành lập Vườn ươm Doanh nghiệp khởi nghiệp tỉnh.
Mô hình du lịch cộng đồng tại Hà Giang
Hà Giang đã kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình khởi nghiệp tại Quyết định 580/QĐ-UBND ngày 7/4/2017 của UBND tỉnh; kiện toàn sáp nhập 3 ban chỉ đạo: Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước tỉnh, Ban Chỉ đạo Chương trình khởi nghiệp tỉnh, Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể thành Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển doanh nghiệp và kinh tế tập thể tỉnh tại Quyết định số 1842/QĐ-UBND ngày 15/9/2017 của UBND Tỉnh. Tỉnh đã chỉ đạo thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp tại 11 huyện/thành phố; tổ chức nhiều diễn đàn đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo huyện với đoàn viên, thanh niên; chương trình cà phê khởi nghiệp theo từng lĩnh vực, đối thoại, diễn đàn... đã truyền cảm hứng về khởi nghiệp, kinh nghiệm, nắm bắt các chủ chương chính sách của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ khởi nghiệp, thông qua các hoạt động trên thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp tham gia.
Tính đến năm 2022, tỉnh đã tổ chức được 3 diễn đàn khởi nghiệp cấp tỉnh và 6 diễn đàn khởi nghiệp cấp huyện; 2 buổi truyền cảm hứng khởi nghiệp tại Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Hà Giang. Các diễn đàn đã thu hút gần 3.300 đại biểu tham gia. Tỉnh cũng đã tổ chức được 5 lớp tập huấn khởi nghiệp ĐMST; 4 lớp về xây dựng kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính, kỹ năng thuyết trình cho các các dự án khởi nghiệp; 3 lớp phát triển kỹ năng cố vấn khởi nghiệp với tổng số 08 doanh nghiệp tham gia và 30 cán bộ đến từ các sở, ngành nhằm hình thành cộng đồng cố vấn khởi nghiệp hỗ trợ các dự án trên địa bàn tỉnh.
Song song với các hoạt động trên, Hà Giang cũng đã triển khai 2 cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp cấp tỉnh; 1 cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp cấp tỉnh; 1 cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên tại Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Hà Giang với tổng số 115 dự án, ý tưởng đăng ký dự thi. Đã có 1 dự án đoạt giải Nhất năm 2018, 1 dự án đoạt giải Nhì năm 2020 tại cuộc thi dự án khởi nghiệp dành cho thanh niên nông thôn, 1 dự án lọt top 20 cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia năm 2020; 5 ý tưởng của 4 tổ hợp tác, hợp tác xã đoạt giải, nhận hỗ trợ từ Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam năm 2018, 2019. Bên cạnh đó, còn có 2 chương trình cà phê khởi nghiệp với gần 2.200 tổ chức, cá nhân, đoàn viên, thanh niên tham gia để phát triển kỹ năng lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp và hỗ trợ nâng cao năng lực khởi nghiệp.
Hà Giang cũng đã xây dựng và vận hành Cổng thông tin điện tử hỗ trợ khởi nghiệp tại địa chỉ: www.startuphagiang.com.vn; chuyên mục khởi nghiệp trên trang của Báo Hà Giang với hơn 400 bản tin và thực hiện sản xuất 24 chương trình “Khởi nghiệp Hà Giang” được phát sóng 96 lần với tổng số thời lượng 960 phút trên trang thông tin điện tử hagiangtv.vn; xây dựng nhóm Cộng đồng khởi nghiệp với 10 chủ đề khởi nghiệp đã thu hút hơn 1.100 thành viên tham gia; 1 nhóm Khởi nghiệp Hà Giang, 11 nhóm khởi nghiệp các huyện, Thành phố trên mạng xã hội Zalo cập nhật các thông tin về cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và trao đổi các ý tưởng khởi nghiệp trên địa bản tỉnh.
Kết quả tính đến năm 2022, toàn tỉnh có trên 200 mô hình khởi nghiệp do thanh niên làm chủ; có 508 doanh nghiệp, 163 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ và 3.595 nữ tiểu thương, 407 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh theo loại hình kinh tế hộ. Tuy nhiên, công tác hỗ trợ khởi nghiệp của Hà Giang cũng có những điều hạn chế như: quy mô các dự án khởi nghiệp còn nhỏ lẻ; chưa có kết nối giữa các nhóm, các mô hình; chưa có doanh nghiệp lớn dẫn dắt; các mô hình có xu hướng chưa chú trọng đến khâu nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mà chỉ chú ý đến bề nổi là các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp; các khó khăn về vốn, sản phẩm và đầu ra cho sản phẩm, thiếu kiến thức tài chính và kiến thức thị trường... Bên cạnh đó, nhận thức của các cấp, ngành và địa phương về vai trò của khoa học, công nghệ và ĐMST còn chưa đầy đủ; hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo động lực cho ứng dụng khoa học công nghệ. Mặc dù có những hạn chế nói trên, các mô hình khởi nghiệp của Hà Giang đã có những kết quả rất tích cực, bước đầu đã khơi dậy được tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên trên địa bàn.
PV