Theo thống kê của UBND tỉnh Hà Giang, đến 16h ngày 10/6, ngoài hai nạn nhân là bố con bị lũ cuốn tử vong trên đường về nhà tại xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang; một nạn nhân khác là chị Lò Thị Ch., sinh năm 1982, trú tại thôn Na Cho Cai, xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ, trên đường đi làm về bị đất đá vùi lấp do sạt lở.
Thiên tai cũng khiến trên 1.200 ngôi nhà bị thiệt hại, ảnh hưởng. Trong đó có 1 nhà phải di chuyển khẩn cấp tại Hoàng Su Phì; 3 nhà bị sập hoàn toàn và đã tiến hành di dới (tại Xín Mần 1 nhà, Vị Xuyên 2 nhà); 2 nhà bị tốc mai ở Yên Minh; 44 nhà bị đất đá sạt vào; trên 1.000 hộ bị nước tràn vào nhà ở thành phố Hà Giang; 144 nhà tại huyện Bắc Quang; 44 nhà ở Vị Xuyên.
Mưa lũ cũng đã khiến trên 221 ha lúa, ngô, hoa màu bị thiệt hại; trên 19 ha ao nuôi cá, hàng trăm con gia súc, gia cầm, tài sản khác của người dân bị lũ cuốn trôi.
Ước tỉnh tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh Hà Giang là trên 50 tỷ đồng
Đặc biệt, mưa lũ diện rộng khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng nặng, ách tắc giao thông. Cụ thể, các tuyến Quốc lộ bị sạt lở gây hư hỏng mặt đường tại nhiều vị trí, ước tính khối lượng đất đá sạt lở khoảng 7.682 m; gây ngập úng tại 3 điểm lớn làm ách tắc giao thông; Giao thông đường tỉnh sạt lở, ngập úng tại 3 tuyến ước khối lượng sạt lở khoảng 404 m3; Đường giao thông nông thôn bị sạt lở trên toàn tỉnh ước khối lượng đất đá sạt lở trên 5.000 m3; Tại thành phố Hà Giang đường giao thông bị sạt lở tại 2 điểm với tổng chiều dài 30m; ngập úng cục bộ tại 39 điểm.
Về ngành giáo dục, mưa lớn cũng khiến nước ngập hoàn toàn tầng 1 của 4 trường Mầm non, trường Tiểu học tại thành phố Hà Giang.
Mua lớn cũng khiến hơn 100 xe máy, 60 xe ô tô bị ngập nước, nhiều ti vi, tủ lạnh, máy giặt của người dân tại thành phố Hà Giang bị hư hỏng do nước lên nhanh không kịp di dời.
Ước tỉnh tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh Hà Giang là trên 50 tỷ đồng.
Trước tình hình trên, Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang, các ngành chức năng của tỉnh và cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN các huyện, thành phố bị thiệt hại đã trực tiếp đến kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục; thăm hỏi gia đình có người bị chết; huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân khắc phục nhà ở, cây trồng, vật nuôi,... ổn định cuộc sống và sản xuất; xác định mức độ thiệt hại, báo cáo và đề xuất cơ chế hỗ trợ theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo các huyện, thành phố và các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai kịp thời, hiệu quả theo phương châm “bốn tại chỗ”; hỗ trợ, thăm hỏi, động viên, chia sẻ với các gia đình bị thiệt hại do mưa lớn, nhất là các gia đình có người chết, gia đình chính sách, các hộ khó khăn.
Tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói do mưa lũ, nhất là các hộ có nhà bị đổ, lũ cuốn trôi, hộ ở vùng ngập sâu, sạt lở chia cắt, đảm bảo không để người dân bị đói, rét.
Bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà do mưa lũ; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa, dựng lại nhà ở, dọn vệ sinh môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ.
Tiếp tục rà soát, chủ động sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, khu vực bị ngập sâu; tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết và kịp thời cảnh báo đến người dân làm giảm các thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.
Sửa chữa, khắc phục nhanh công trình hạ tầng thiết yếu, nhất là trạm y tế, hệ thống điện, nước sinh hoạt, công trình giao thông, thủy lợi, hồ đập bị hư hại để chủ động ứng phó với đợt thiên tại mới, nhanh chóng khôi phục sản xuất ngay sau lũ, góp phần ổn định đời sống nhân dân.
Chủ động bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông tại các ngầm tràn, khu vực bị ngập sâu, không để xảy ra những trường hợp thiệt hại đáng tiếc về người.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát điều tiết lũ tại các hồ chứa thủy điện để đảm bảo thực hiện theo đúng quy định và quy trình vận hành liên hồ chứa.
Tiếp tục làm tốt công tác truyền thông, hướng dẫn người dân các kỹ năng ứng phó, hạn chế rủi ro khi xảy ra thiên tai, đưa kịp thời, chính xác về diễn biến và công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai.
Rà soát, đánh giá nguyên nhân gây ngập úng cục bộ trên địa bàn thành phố Hà Giang và đề xuất giải pháp để giải quyết ngập úng.