Ukrainska Pravda dẫn thông tin từ bản đánh giá mới đây của Viện nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ nhận định, việc giảm tuổi nhập ngũ từ 27 xuống 25 sẽ hỗ trợ quân đội Ukraine trong việc khôi phục và tái thiết các đơn vị hiện có cũng như thành lập các đơn vị mới.
Các nhà phân tích quân sự của ISW lưu ý rằng việc hạ thấp tuổi nhập ngũ là một trong những biện pháp mà Ukraine sử dụng như một phần trong nỗ lực xây dựng và phát triển một lực lượng quân đội bền vững thời chiến.
Tuy nhiên, Ukraine sẽ cần trang bị vũ khí cho tất cả lính nghĩa vụ. Sự bất đồng ý kiến của Quốc hội Mỹ về viện trợ quân sự cho Ukraine cũng như sự chậm trễ trong viện trợ của các đồng minh phương Tây khác có thể sẽ ảnh hưởng đến tốc độ khôi phục các đơn vị đã xuống cấp và thành lập các đơn vị mới của nước này.
Hạ độ tuổi nhập ngũ khó giúp Ukraine thắng thế trước Nga. Ảnh: Times
Đánh giá của ISW đồng thời chỉ ra rằng trang thiết bị do phương Tây cung cấp vẫn là yếu tố quan trọng nhất đối với khả năng khôi phục và xây dựng sức mạnh chiến đấu của lực lượng Ukraine. Khi cuộc xung đột đang dần trở thành một cuộc chiến tiêu hao, chỉ hạ độ tuổi nhập ngũ là chưa đủ để Ukraine thắng thế trước Nga.
Ngày 2/4 vừa qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký đạo luật mới giảm độ tuổi huy động quân từ 27 xuống 25 tuổi với mục đích tăng cường lực lượng quân đội của đất nước. Quốc hội Ukraine đã thông qua luật này vào tháng 5/2023 và nó đã có hiệu lực một ngày sau khi được Tổng thống ký duyệt.
Ukraine từng phát lệnh tổng động viên ngay sau khi bắt đầu xung đột với Nga vào tháng 2/2022, cấm hầu hết nam giới trong độ tuổi từ 18 - 60 tuổi rời khỏi đất nước. Tuy nhiên, chính sách tuyển quân này cũng đã vấp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là do tình trạng tham nhũng và trốn quân dịch tràn lan.
Trước đó, ông Kyrylo Budanov – lãnh đạo Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) thừa nhận rằng những công dân tình nguyện nhập ngũ ở nước này đều đã đăng ký trong 6 tháng đầu tiên sau khi chiến sự với Nga nổ ra và đến nay hầu như không còn ai muốn nhập ngũ.
Ông Budanov cho hay những người buộc phải ra tiền tuyến theo quy định nhập ngũ bắt buộc không có nhiều động lực, gây ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả chiến đấu. Ông nhấn mạnh binh sĩ được huy động vào hàng ngũ quân đội Ukraine phải có động cơ đúng đắn.
Tuy nhiên, ông Budanov cũng nhấn mạnh việc tiếp tục duy trì chính sách nghĩa vụ quân sự bắt buộc hiện là cách duy nhất để duy trì quân số của nước này trong cuộc chiến chưa có hồi kết với Nga.
P.U (Theo Pravda)