Quan niệm về sứ mệnh của người tri thức
ĐS&PL: Là một Giáo sư ngành Sinh học nhưng thực ra xã hội người ta biết đến ông nhiều hơn với danh xưng là “Giáo sư biết tuốt”. Duyên cớ thế nào mà ông lại trở thành “giáo sư biết tuốt”?
GS.TS. Nguyễn Lân Dũng: (Cười) Chả ai biết tuốt, vì kiến thức thì vô cùng, làm sao có thể biết hết được.
Tôi hay giúp nông dân, tôi nghĩ rằng nông dân họ hiểu biết ít hơn mình cho nên đi công tác tôi hay dành thời gian để trò chuyện với những người nông dân và giải đáp những gì họ muốn biết. Người nông dân họ cũng chỉ biết tôi là giáo sư thôi, họ hỏi vô vàn thứ và để giải đáp từng đó thứ thì tôi phải đọc, mà vốn dĩ tôi cũng thích đọc.
Về sau nhu cầu ngày càng lớn, tôi phối hợp với báo Nông nghiệp mở chuyên mục “Hỏi gì đáp nấy”. Tôi cùng với đài truyền hình, phát thanh làm thêm nhiều chương trình hỏi đáp khoa học nữa, nhất là chương trình KCT ở VTV2. Sau đó, tôi lại nghĩ, bà con nông dân làm gì có sách đọc, thế là từ những câu hỏi của các chương trình, tôi tập hợp lại và in thành 30 tập sách Hỏi gì đáp nấy, sau đó là 3 tập sách Con hỏi – Bố mẹ trả lời, bộ sách Hỏi đáp về mọi chuyện, Hỏi đáp về nông nghiệp... Tôi cũng rất vui vì những cuốn sách đó rất được ủng hộ, thậm chí có cuốn tái bản tới 10 lần.
Chuyện là vậy. Chứ thú thật, tôi cũng không biết nhiều đâu, nhưng mình có sách vở mà về sau là in- ternet, mình lại có khả năng đọc và tiếp thu, nhất là khả năng ngoại ngữ. Người nông dân họ thiệt thòi hơn mình trong việc tiếp cận kiến thức, mình biết hơn thì mình cần giúp họ. Tôi quan niệm tri thức là phải san sẻ và phổ biến khoa học là trách nhiệm, là sứ mệnh của giới trí thức. Đó là cũng động lực để mình không ngừng học hỏi.
ĐS&PL: Thế rồi cảm hứng của một người trí thức lại đơn thuần xuất phát từ những người nông dân?
GS.TS. Nguyễn Lân Dũng: Tôi rất yêu thích nông dân và dành nhiều thời gian để đi về nông thôn. Tôi hiểu những thiệt thòi của họ, họ muốn hiểu biết nhưng lại không có phương tiện và cách thức để hiểu biết ngoài cái tivi hay cái điện thoại.
Sách là tri thức nhưng hiếm nhà nông dân nào có giá sách ngoài mấy cuốn sách giáo khoa, con cái của họ chịu thiệt thòi ở chỗ đó.
Tôi lại nghĩ về nhiệm vụ của mình. Trí thức là người có kiến thức nhưng kiến thức để làm gì, để phục vụ điều gì chứ. Thế là tôi đem những thứ mình có đến với những người không có và coi đó là việc mình cần làm. Tôi nhớ tại Đại hội lần thứ nhất Hội phổ biến khoa học, Bác Hồ đã từng căn dặn: Các cô các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học, kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động.
GS.TS.NGND. Nguyễn Lân Dũng.
3 lời khuyên theo suốt thời
ĐS&PL: Đó là quan niệm về sứ mệnh của người tri thức. Vậy còn con đường trước hết để trở thành một người tri thức thì sao, thưa ông?
GS.TS. Nguyễn Lân Dũng: Trong thời gian chống Pháp, chúng tôi chỉ được học có 9 năm là tốt nghiệp phổ thông, sau hòa bình lập lại, đất nước có nhu cầu cấp bách đào tạo cán bộ, nên chúng tôi chỉ học đại học có 2 năm rưỡi và lớp tốt nghiệp năm 1956 là lớp đầu tiên bổ sung cho các trường đại học. Trong khóa tôi, có tôi và anh Nguyễn Văn Hiệu là 2 người tốt nghiệp đại học năm 18 tuổi – có lẽ là sớm nhất Việt nam đấy.
Sau khi tốt nghiệp, vì trẻ quá nên tôi được gửi về dạy tại trường Trung cấp Nông lâm một năm, rồi được quay lại trường Đại học. Bấy giờ, thầy Lê Khả Kế nói với tôi: "Các môn khác đã có người dạy rồi, em phải dạy về Vi sinh vật học". Tôi từ chối. Bởi tôi còn chưa được thấy con vi sinh vật nào bao giờ và cũng chưa được học một chữ nào về môn học này. Đáp lại, thầy chỉ bảo: “Cho một năm chuẩn bị, không được cãi”. Thế là tôi phải nhận nhiệm vụ.
Tôi suy nghĩ liệu trong nước có ai biết đến vấn đề này không và tôi nghĩ tới GS. Đặng Văn Ngữ - một nhà khoa học nổi tiếng, người đã được đào tạo chính quy về vi sinh vật học tại Nhật. Tôi đến giãi bày với Thầy, Thầy chỉ bảo: “Đừng sợ, thầy cũng vậy, thầy học chuyên về Vi sinh vật học nhưng về nước thì có mỗi môn Vi trùng học mà đã có thầy Hoàng Tích Minh dạy mất rồi, Thầy phải chuyển sang dạy và nghiên cứu về Ký sinh trùng.
Thầy Ngữ khuyên tôi 3 điều mà những điều đó đã theo tôi suốt đời: "Thứ nhất, em phải học ngoại ngữ vì không có ngoại ngữ em không thể có kiến thức. Thứ hai, dạy ở Đại học em phải làm nghiên cứu khoa học, vì sinh viên sẽ trở thành nhà khoa học. Thứ ba, em dạy đại học chứ không phải phổ thông cấp 4, em phải viết sách giáo khoa bởi sinh viên không thể chỉ học bài ghi chép trên lớp".
ĐS&PL: Lời khuyên đi theo suốt đời. Vậy ông đã thực hiện những lời khuyên của GS. Đặng Văn Ngữ như thế nào?
GS.TS. Nguyễn Lân Dũng: Về học ngoại ngữ, tôi tự học là chính. Tự học theo cách của tôi là chọn vốn từ vựng tối thiểu để học trước, sau đó cứ mạnh dạn giao tiếp với người nước ngoài và phải thường xuyên sử dụng những từ ngữ tối thiểu đó. Tôi bắt đầu trước tiên với tiếng Anh. Với tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga tôi cũng thực hiện kiểu như vậy. Phương châm vẫn là năng nhặt chặt bị và biết đến đâu dùng ngay đến đó. Đến nay tôi có thể sử dụng được cả 4 ngoại ngữ và tôi đã viết hai cuốn sách để giúp cho các bạn trẻ học ngoại ngữ: Từ vựng tiếng Anh tối thiểu và Từ vựng tiếng Pháp tối thiểu...
Với lời khuyên thứ hai, ngay từ khi ở lại Trường tôi đã đặt mục tiêu phải nghiên cứu khoa học. Xác định không thể nghiên cứu một mình, tôi xin với Thầy Hiệu trưởng Ngụy Như Kon Tum cho thành lập Phòng nghiên cứu chuyên đề Vi sinh vật học, với khoảng 10 bạn trẻ được giữ lại trường. Phòng nghiên cứu làm được nhiều việc và nhiều năm liền đạt danh hiệu Tổ Lao động Xã hội chủ nghĩa.
Sau này, khi tập hợp được 20 cán bộ, nhiều bạn từ nước ngoài về, tôi lên gặp Bộ trưởng Nguyễn Đình Tứ xin thành lập Trung tâm Vi sinh vật học ứng dụng. Chúng tôi tiếp tục thành công với đơn vị nghiên cứu này, đưa nhiều tiến bộ khoa học vào áp dụng trong đời sống thực tiễn, nhất là phục vụ chiến trường.
Sau này, tôi lại xin với thầy Nguyễn Văn Đạo – Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho nâng cấp lên thành Trung tâm Công nghệ sinh học. Đến năm 2007, Trung tâm được Thủ tướng Phan Văn Khải và tiếp theo là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý nâng cấp lên thành Viện Vi sinh học và Công nghệ sinh học Quốc gia. Viện hiện trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và với một Bảo tàng giống chuẩn vi sinh vật cấp Quốc gia. Đó là một trong những Viện nghiên cứu đầu ngành về Vi sinh vật học.
Với lời khuyên thứ ba về viết sách, nhờ giảng dạy kết hợp với nghiên cứu khoa học, đến nay tôi đã có hơn 40 cuốn sách (sách giáo khoa và sách phổ biến khoa học) và khá nhiều các công trình nghiên cứu được công bố trong và ngoài nước. Tôi vừa biên soạn xong cuốn Từ điển Công nghệ sinh học Anh Việt và đang viết giáo trình Công nghệ sinh học.
“Tôi sợ nhất là mất danh dự, mất danh dự là mất hết”
ĐS&PL: Sự thành công của ông ngoài tự học, ngoài vai trò của những người Thầy, tôi nghĩ có lẽ có một phần ảnh hưởng rất lớn từ gia đình. Một gia đình được xã hội nể trọng bởi đó là một gia đình đầy truyền thống, đầy học vấn. Điều tôi thắc mắc là truyền thống gia đình ông được đắp bồi như thế nào?
GS.TS. Nguyễn Lân Dũng: Tôi không dám nghĩ gia đình mình là gia đình mẫu mực, nhưng tôi nghĩ gia đình mình, con cái đều sống tử tế và có ích cho xã hội. Và để đạt được điều đó, yếu tố quan trọng nhất chính là tấm gương của bố mẹ.
Cha tôi – nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân, mọi người chỉ biết cụ giỏi giang nhưng ít ai biết cụ sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở vùng bạc điền thuộc huyện Mỹ Hào, Hưng Yên. May nhờ được một người anh họ mà cha tôi được ăn học. Sau này khi thi vào trường Bưởi, cha tôi nhận được học bổng toàn phần. Năm 1925 hồi đó khi còn là học sinh trung học, cha tôi đã viết cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tên "Cậu bé nhà quê". Đó là một phần tự truyện về thời thơ ấu của cha tôi và theo nhà văn Nguyễn Khải thì đó là tiểu thuyết đầu tiên ở nước ta cùng với Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách (xuất bản cùng năm 1925).
Sau đó, ông theo học Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương và tốt nghiệp thủ khoa năm 1932. Từ đó cha tôi gắn bó cả cuộc đời mình với sự nghiệp trồng người và nghiên cứu khoa học. Có thể nói ông là tấm gương tác động đến cả 8 anh em tôi – một tấm gương tự học, một tấm gương vượt qua khó khăn.
Còn mẹ tôi thì khác, bà là con của một gia đình giàu có nhất nhì Bắc Bộ, được học hành bài bản và rất giỏi tiếng Pháp. Ông ngoại tôi là cụ Nguyễn Hữu Tiệp – người đã được Bác Hồ cử làm cố vấn Tuần lễ Vàng năm 1945. Thế mà bà đồng ý lấy cha tôi – một ông giáo nghèo, và từ bỏ cuộc sống trong nhung lụa để đi theo ông vào Huế, sau đó trải qua hai cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ, vượt bao nhiêu khó khăn lo toan kinh tế, là chỗ dựa vững chắc cho cha tôi và tất cả 8 anh em chúng tôi. Bà là một tấm gương về sự đôn hậu, chịu thương, chịu khó.
Trước tấm gương của cha mẹ, anh chị em chúng tôi, kể cả dâu rể, các cháu ở thế hệ thứ ba, thứ tư đều phấn đấu học tập, công tác và cố gắng xứng đáng với tên Nguyễn Lân mà các con cháu trai đều lưu giữ trong tên của mình.
ĐS&PL: Liệu có điều đáng kể gì đó ngoài truyền thống gia đình khiến cho gia đình ông giáo Nguyễn Lân thành đạt đến thế không, thưa Thầy?
GS. TS. Nguyễn Lân Dũng: Ngoài sự hy sinh và nhân cách của cha mẹ, nếu nói về một thứ gì đó ảnh hưởng tới chúng tôi thì có lẽ là nhờ thầy cô. Bạn chắc không thể thể tưởng tượng được đâu, ngay từ lớp 7 tôi đã được học những nhà giáo có thể gọi là giỏi nhất Việt Nam bấy giờ như thầy Hoàng Tụy, thầy Hoàng Như Mai, thầy Lê Bá Thảo, thầy Trần Văn Khang, thầy Trần Văn Giáp...
Chúng tôi có ít nhiều thành công cũng là nhờ tấm gương và sự dạy dỗ của các thầy. Không chỉ là chữ nghĩa, quan trọng hơn là cách sống, sự tận tuỵ và hết mình của các thầy đã tác động đến chúng tôi rất nhiều. Thế nên tôi rút ra rằng điều quan trọng để trở thành một người tử tế là cần phải gặp những người tử tế, sống với những người tử tế.
GS.TS.NGND. Nguyễn Lân Dũng đang chia sẻ với PV ĐS&PL.
ĐS&PL: Đó là tấm gương của bố mẹ, thế còn cách mà ông giáo Nguyễn Lân giáo dục các con như thế nào thưa ông? Liệu có một bí quyết gì đó không?
GS.TS. Nguyễn Lân Dũng: Ông hầu như không dạy gì cả. Ông chỉ làm gương và lấy chính tấm gương của mình làm bài học cho con cái. Nếu con cái có làm gì thì ông chỉ khuyên nhủ chứ chưa một lần động tay động chân. Nhưng có lúc tôi nghĩ thà cụ đánh cho một cái còn hơn chứ cụ nói nghe đau lắm. (Cười)
ĐS&PL: Liệu cách giáo dục của một gia đình thành đạt như gia đình thầy có thể áp dụng diện rộng để trở thành nền tảng giáo dục cho cả một xã hội hay không, thưa thầy?
GS. TS. Nguyễn Lân Dũng: Đó là điều khó nói. Nhưng trong phạm vi gia đình, dạy con trước hết phải bằng sự gương mẫu của cha mẹ, đó là điều chắc chắn. Một ông bố tham nhũng thì làm sao có thể dạy con sống tử tế. Do đó, muốn con cái mình tử tế thì trước hết bố mẹ phải là những người tử tế. Ngoài ra, tôi cũng nghĩ rằng các bậc bố mẹ nên quan niệm hạnh phúc của con cháu chính là hạnh phúc của chính mình. Và muốn có hạnh phúc đó thì hãy tạo cho con cháu những điều kiện tốt nhất để tiếp thu tri thức, đâu phải là tiền bạc.
Vợ chồng chúng tôi không dạy dỗ gì nhiều con cháu mà chủ yếu chỉ là làm gương trong cuộc sống và nhắc nhở thường xuyên với con cháu về những việc nên làm, những việc nên tránh.
ĐS&PL: Xin cảm ơn Thầy vì cuộc trò chuyện!
Mạnh Quốc
Bài đăng trên tạp chí in Đời sống & Pháp luật gộp số 10+11+12 (12/1 đến 14/1/2023)