Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

GS. Đặng Hùng Võ: Sự việc Sơn Trà cho thấy quản lý ở địa phương còn yếu

(DS&PL) -

Theo GS.TS. Đặng Hùng Võ, việc thanh tra chấp hành pháp luật các dự án đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà là việc làm lấy lại được niềm tin từ người dân.

Theo GS.TS. Đặng Hùng Võ, việc thanh tra chấp hành pháp luật các dự án đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà là việc làm lấy lại được niềm tin từ người dân.

18 dự án trên bán đảo Sơn Trà bị thanh tra

Các dự án đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà vẫn luôn là vấn đề được dư luận quan tâm đặc biệt trong thời gian qua, nhất là sau khi có người dân đi câu cá phát hiện ra 40 biệt thự xây dựng trái phép ở nơi này.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về thanh tra việc chấp hành pháp luật đối với các dự án đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà.

Được biết, các dự án này đã được UBND TP. Đà Nẵng chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp phép trong giai đoạn từ năm 2003 đến hết năm 2016 (thời điểm Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà, TP. Đà Nẵng được phê duyệt).

Diện tích rừng tự nhiên nơi đây liên tục bị cắt giảm, nhiều người dân Đà Nẵng lo lắng. Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch hiệp hội Du lịch Đà Nẵng từng buồn bã nói rằng, ông thất vọng với quy hoạch bán đảo Sơn Trà vì đây là quy hoạch sẽ mở đường cho doanh nghiệp “bê tông hóa” Sơn Trà.

Ở góc nhìn đa chiều, khi trao đổi với PV báo Người đưa tin, GS.TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay: “Đối với khu vực cần phải bảo tồn hệ sinh thái như bán đảo Sơn Trà, phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa hai yếu tố phát triển và bảo tồn.

Ở bán đảo Sơn Trà, chúng ta đã cho phép một doanh nghiệp bất động sản xây khu nghỉ dưỡng nhưng hệ sinh thái không hề bị tổn hại. Trái lại, nơi đây trở thành một điểm du lịch đặc biệt trên bản đồ du lịch thế giới. Nhưng nếu chúng ta không cân đối được mà quên vế bảo tồn hệ sinh thái thì sẽ gây tổn hại cho cả du lịch lẫn bảo tồn”.

Tìm hiểu được biết, vào tháng 12/2012, UBND Đà Nẵng chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 18 dự án phát triển du lịch, nghỉ dưỡng. Tổng diện tích quy hoạch gần 1.230 ha tại bán đảo Sơn Trà. Tuy nhiên, theo quy hoạch tổng thể phát triển khu Du lịch Quốc gia, Sơn Trà được Chính phủ phê duyệt vào tháng 11/2016, số phòng giảm từ khoảng 5.600 xuống còn 1.600.

GS. Đặng Hùng Võ

Theo nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường, chuyện giảm từ 5.600 phòng xuống 1.600 phòng hay giảm số phòng hơn nữa là việc đáng bàn. Tuy nhiên nó không phải việc quan trọng nhất.

Việc chúng ta cần đặc biệt quan tâm hiện nay ở Sơn Trà là quy hoạch tạo ra cảnh quan có phù hợp với thiên nhiên không? Cách tổ chức để cho những người có phòng ở đó, cũng như người lưu trú ở nơi khác được hoạt động du lịch tại không gian bán đảo Sơn Trà như thế nào? Chỗ nào cấm vào, chỗ nào chỉ được đi theo đường cố định, chỗ nào được vui chơi trong rừng và chỗ nào được xây dựng khách sạn để kinh doanh lưu trú.

Nói chung, ở các nước họ rất hạn chế cho xây khách sạn trong các khu bảo tồn thiên nhiên mà chỉ cho xây dựng ở bên ngoài, nhưng có đường dẫn đi du lịch đến những điểm kỳ thú trong khu.

Tuy nhiên qua sự việc xây dựng 40 biệt thự trái phép mà cơ quan chức năng chỉ biết tới khi có người dân câu cá phát hiện, cho thấy việc quản lý ở địa phương còn hạn chế, yếu kém.

“Đà Nẵng đã từng lùm xùm với việc xử lý công trình biệt thự xây dựng sai phép của một đại gia doanh nghiệp và một cựu lãnh đạo. Thêm vào nữa, sự việc ở Sơn Trà với 40 biệt thự xây dựng trái phép một lần nữa lại khiến dư luận đặt ra câu hỏi về việc quản lý.

Công trình xây dựng không thể lặng lẽ mà trái lại, xe ô tô chở nhiều thiết bị, vật liệu xây dựng đi lại, công nhân hoạt động trên địa bàn... mà chính quyền không biết, phải tới khi người dân đi câu cá phản ánh thì Đà Nẵng mới vào cuộc!

Nhiều ý kiến quy hoạch ở Sơn Trà phù hợp hoặc chưa phù hợp, tuy nhiên tôi chưa bàn tới việc đó. Mà vấn đề dư luận đang thấy chính là việc thực thi pháp luật bị chậm pha hơn nhiều so với yêu cầu về triển khai pháp luật.

Xây dựng pháp luật thì rất tích cực nhưng thực thi pháp luật của nước ta thuộc nhóm yếu kém. Chúng ta phải nâng cấp được thực thi pháp luật thì mới mang lại hiệu quả. Đây là vấn đề vĩ mô nhưng chúng chính là câu chuyện của Sơn Trà”, GS. Đặng Hùng Võ nêu quan điểm.

Việc Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo thanh tra việc chấp hành pháp luật đối với các dự án đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà theo ông Võ là việc làm lấy lại được niềm tin từ người dân.

“Người dân đang thấy rằng quá trình thực thi pháp luật của chúng ta đã tốt hơn. Câu chuyện về quản lý dự án Sơn Trà là tấm gương để các địa phương khác nhìn vào và chấn chỉnh lại hệ thống quản lý của mình. Tôi khá kỳ vọng vào thanh tra đợt này sẽ làm một cách công tâm”.

Tin nổi bật